Tăng tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch: Nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Việc nâng cao tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung không những đảm bảo chất lượng cuộc sống mà còn góp phần hạn chế khai thác nước dưới đất để bảo vệ môi trường.

Nỗ lực tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch

Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) là địa phương có tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch đạt trên 97%. Ông Trần Văn Lương-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện- cho hay: Trên địa bàn huyện có Trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Túc với công suất thiết kế 4.000 m³/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khu vực thị trấn Phú Túc, một số thôn, buôn của 2 xã Phú Cần, Chư Gu. Để nâng cao tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch, hàng năm, huyện đều quan tâm đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước và hiện đã đạt hơn 103 km.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Tổ trưởng Tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Túc) chia sẻ: "Gia đình tôi sử dụng nước sạch từ Trạm cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Túc gần 20 năm nay. Đặc biệt, Trạm cấp nước thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước; khi phát hiện nước có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, huyện đều cấp kinh phí để thay đổi đường ống không đảm bảo, xử lý nước sinh hoạt đem lại nguồn nước sạch, giúp người dân yên tâm sử dụng. Hiện nay, 100% hộ dân của tổ 8 đã sử dụng nước sạch từ Trạm cấp nước".

Người dân TP. Pleiku sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Ảnh: Nhật Hào

Người dân TP. Pleiku sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Ảnh: Nhật Hào

Những năm qua, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát hệ thống mạng lưới cung cấp nước sạch tại các khu dân cư, khu đô thị chưa có hệ thống cấp nước sạch thuộc địa bàn quản lý; xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước; phối hợp với các ngành, địa phương chủ động bố trí nguồn lực và lồng ghép nhiều chương trình để đầu tư hệ thống cấp nước sạch đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. “Nhìn chung, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực để tăng tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 72% theo kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều địa phương đạt cao như: Thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, TP. Pleiku..."-Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lý Tấn Toàn cho hay.

Nhiều khó khăn

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhưng thị xã An Khê vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch. Ông Nguyễn Minh Trung-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đô thị thị xã An Khê-cho biết: Theo kế hoạch, đến năm 2025, thị xã phải đạt 100% hộ dân đô thị sử dụng nước sạch. Để đạt được kết quả này, thị xã đã xây dựng lộ trình mỗi năm tăng 7,5% hộ dân sử dụng nước sạch, trong đó, năm 2022 là 77,5%, năm 2023 là 85%, năm 2024 là 92,5%. Tuy nhiên, những chỉ tiêu này khó khả thi. Năm 2022, thị xã An Khê không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và đến thời điểm hiện tại, toàn thị xã chỉ mới đạt 71,5% hộ dân đô thị sử dụng nước sạch. Trong khi đó, tại một số tuyến đường trung tâm đã hình thành khu dân cư nhưng chưa có hệ thống đường ống cấp nước; tại một số khu vực dân cư thưa thớt nên việc lắp đặt đường ống tốn kém gây khó khăn cho đơn vị cấp nước. Bên cạnh đó, kinh phí lắp đặt đồng hồ ban đầu khá cao nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn nên đa số người dân vẫn duy trì sử dụng nước giếng.

Còn ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thì cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ đạt 50,7% hộ dân đô thị sử dụng nước sạch. Nguyên nhân là do hệ thống cấp nước sạch còn ít (1 hệ thống), mạng lưới cấp nước chưa phủ hết địa bàn thị trấn. Mặt khác, phần lớn người dân sử dụng nước giếng đào hoặc giếng khoan hiện có, một số cơ quan hành chính, các doanh nghiệp cũng vẫn sử dụng giếng khoan được đầu tư sẵn. “Để nâng cao tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch, huyện sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước; thông báo rộng rãi cho các cá nhân, tổ chức biết về danh mục các vùng hạn chế khai thác và sử dụng nước dưới đất; tăng cường tuyên truyền vận động người dân, các tổ chức đứng chân trên địa bàn về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, những tác hại, rủi ro của việc sử dụng nước giếng đào, giếng khoan không kiểm soát, không đảm bảo chất lượng, không hợp vệ sinh đối với sức khỏe và môi trường”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thông tin.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm: Tỷ lệ phủ kín các tuyến ống thứ cấp ở các khu dân cư còn thấp, kinh phí đầu tư lớn, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế, trong khi, doanh nghiệp cấp nước ít, gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Một số thị trấn chưa có hệ thống nhà máy sản xuất nước sạch như thị trấn Chư Prông, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh). “Để tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 100% vào năm 2025 theo chỉ tiêu tỉnh giao, Sở Xây dựng đã đề nghị các địa phương hàng quý phải rà soát về tỷ lệ nước sạch, nhu cầu sử dụng nước sạch của dân cư đô thị và có giải pháp để tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, trong đó, chú trọng kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch, đầu tư hệ thống đường ống cấp nước; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của nước sạch và vận động để người dân có thói quen sử dụng”-ông Toàn thông tin.

Có thể bạn quan tâm