Niềm vui nước sạch về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tết này, dân làng Kon Chang (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vui hơn mọi năm. Không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đón Tết, mới đây, làng còn được đầu tư xây dựng công trình nước sạch nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt trong mùa khô.

Sáng 15-1, dân làng Kon Chang vui như mở hội. Mọi người tề tựu tại khu vực nhà rông để cùng nhau nấu cỗ chung vui mừng công trình nước sạch mới bàn giao và đưa vào sử dụng. Những năm qua, cuộc sống của dân làng Kon Chang còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân đều không chủ động được nguồn nước, việc khoan giếng cũng rất khó vì thường gặp phải đá.

Già làng Tơt kể: Nhiều năm qua, việc khan hiếm nguồn nước sạch xảy ra thường xuyên. Bà con luôn mong ước có một công trình nước sạch nhưng lại không có kinh phí. “Thấu hiểu và chia sẻ nỗi khó khăn của dân làng, mới đây, các Mạnh Thường Quân thông qua Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, bà con chung tay đóng góp 52 triệu đồng nữa để làm công trình nước sạch gồm: giếng khoan, 2 bồn chứa nước, hệ thống lọc, hệ thống 5 vòi nước và sân bê tông kiên cố. Công trình đảm bảo cung cấp nước sạch cho 75 hộ dân. Tết này, dân làng vui hơn mọi năm vì đã có công trình nước sạch thuận lợi trong việc sinh hoạt, không phải lặn lội đi xa lấy nước”-ông Tơt vui mừng nói.

Công trình giúp người dân làng Kon Chang có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Như Nguyện

Công trình giúp người dân làng Kon Chang có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Như Nguyện

Cũng theo ông Tơt, khi biết thông tin Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí làm giếng khoan, ông và Trưởng thôn Hyưm đã tổ chức họp để phổ biến cho người dân biết, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của làng, của mỗi gia đình. Sau khi thảo luận, bà con đều thống nhất góp thêm kinh phí để xây dựng công trình thêm kiên cố. “Làng Kon Chang hiện còn 25 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Tuy vậy, mọi người ai cũng tự nguyện tham gia đóng góp để làm công trình nước sạch”-Trưởng thôn Hyưm cho hay.

Theo quy định, mỗi lao động đóng 100.000 đồng. Dù thuộc hộ nghèo nhưng gia đình anh Những vẫn tham gia đóng góp kinh phí. “Gia đình mình tự nguyện đóng đầy đủ và là một trong những hộ đóng cao nhất làng vì có đến 6 lao động. Bà con ai cũng vui vì công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, làng có nước sạch sử dụng không phải vất vả đi xa lấy nước”-anh Những tâm sự. Còn bà San thì bộc bạch: “Hôm nay, mình đến phụ giúp mọi người nấu cỗ từ sớm. Trước đó, mọi người trong làng cùng nhau đóng góp kinh phí làm công trình nước sạch, nhà mình cũng đóng góp đầy đủ”.

Khi được Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh kết nối để làm công trình nước sạch tại làng Kon Chang, anh Đinh Tiến Toàn (Công ty Hợp Hội Tiến, 27B Ký Con, TP. Pleiku) đã nhận lời ngay. Theo anh Toàn, công trình kiên cố thì kinh phí ít nhất phải từ 120 triệu đồng trở lên. “Tuy nhiên, với tinh thần thiện nguyện, chúng tôi xác định vừa làm vừa hỗ trợ bà con. Quá trình khoan giếng rất vất vả vì phải khoan sâu gần 80 m mới có nước nhưng mừng là nguồn nước dồi dào. Đơn vị thi công lắp thêm hệ thống lọc nước để đảm bảo an toàn. Nước đã lọc qua hệ thống này nên bà con yên tâm sử dụng”-anh Toàn nói.

Trao đổi với P.V, anh Trần Ngọc Sơn-đại diện Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh-cho biết: Sau khi biết thông tin làng Kon Chang thiếu nước sạch trong sinh hoạt, đại diện Quỹ đã đến khảo sát và vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình này. Công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng ngay trong những ngày giáp Tết Quý Mão 2023 nên càng thêm ý nghĩa. Chúng tôi mong muốn bà con bảo quản giữ gìn để công trình được sử dụng lâu dài, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.