Tài liệu quý về lịch sử báo chí

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 2 năm tích cực chuẩn bị, cuốn Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022) được xuất bản trong niềm phấn khởi, tự hào của những người làm Báo Gia Lai qua các thời kỳ.

Cuốn sách điểm lại hành trình đầy gian truân, vất vả nhưng tràn ngập khí thế hào hùng của tờ báo trưởng thành từ những năm tháng kháng chiến, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.

Trong lời giới thiệu, thay mặt Ban Biên soạn, nhà báo Huỳnh Kiên-Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ biên-khẳng định: “Trải qua 76 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần thay đổi tên gọi: Sáng, Nỗ Lực, Vững Tiến, Thống Nhất, Quyết Thắng, Giải Phóng, Gia Lai-Kon Tum, Báo Gia Lai là một bộ phận không thể tách rời và luôn đồng hành cùng với sự phát triển, trưởng thành của Đảng bộ tỉnh”.

Bìa sách Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022). Ảnh: P.V

Bìa sách Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022). Ảnh: P.V

Quả vậy, lần lượt điểm qua 7 chương của cuốn sách với bố cục chặt chẽ, khoa học, rõ ràng, người đọc dễ dàng có một cái nhìn tổng quan về quá trình trưởng thành cũng như những đóng góp to lớn của tờ báo Đảng qua các thời kỳ. Trong đó, chương mở đầu lược lại những yếu tố tác động đến hoạt động của báo Đảng như: địa hình, khí hậu, giao thông khó khăn, sự thay đổi, tách-nhập, thay đổi địa danh, địa giới hành chính và sự đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc anh em. Những yếu tố trên ảnh hưởng nhất định đến định hướng tuyên truyền, hình thức chuyển tải thông tin của tờ báo Đảng qua các thời kỳ.

Các chương tiếp theo, bạn đọc sẽ có thêm thông tin về những hoạt động báo chí, tuyên truyền ở Gia Lai trước khi tờ báo của Đảng bộ tỉnh ra đời (giai đoạn 1930-1947). Trong đó, đáng chú ý là sự kiện liên quan đến hoạt động báo chí cách mạng đầu tiên được biết đến là ông Đỗ Trạc mở cửa hiệu sách báo ở An Khê vào năm 1941. Trong quầy sách của người thanh niên này luôn có báo chí, thơ ca… tuyên truyền về cách mạng. Dưới sự dẫn dắt, chắt lọc bằng ngôn ngữ khoa học nhưng đầy hấp dẫn, lôi cuốn, các tác giả biên soạn cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ từng bối cảnh ra đời cũng như cách thức in ấn, xuất bản, hoạt động của tờ báo Đảng qua các tên gọi khác nhau. Mở đầu là tờ Thông tin Gia Lai (9-1946) do đồng chí Phan Bá phụ trách. Tiếp sau đó, để kịp thời động viên, ổn định tinh thần Nhân dân, ngày 16-3-1947, Tỉnh ủy quyết định cho ra đời tờ báo Sáng với danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai. Đây là tiền thân của Báo Gia Lai sau này.

Ở mỗi chương đều khẳng định vai trò, sự lớn mạnh của tờ báo trong công cuộc đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng quê hương, đất nước. Sau sự mở đầu của tờ báo Sáng, nội san Vững Tiến và báo Thống Nhất đã góp phần chống chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ-ngụy (1954-1960); báo Quyết Thắng góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy (1961-1965); báo Giải Phóng góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh mới của Mỹ-ngụy, giải phóng Gia Lai và miền Nam, thống nhất nước nhà, tích cực tuyên truyền, góp phần ổn định tình hình trong những ngày đầu giải phóng. Sau đó, Báo Gia Lai-Kon Tum và Báo Gia Lai tiếp tục góp sức trong tuyên truyền hiệu quả công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trong thập niên đầu giải phóng và thực hiện đường lối đổi mới (1975-1991). Ở những chương sau cùng, cuốn sách cho thấy sự phát triển vững vàng, hòa nhập với không khí làm báo sôi động cùng cả nước của Báo Gia Lai với chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao, các ấn phẩm tuyên truyền cũng đổi mới về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Nói như vậy để thấy rằng, ở mỗi giai đoạn, tờ báo Đảng địa phương lại có một nhiệm vụ chính trị, cách thức hoạt động và hình thức chuyển tải nội dung khác nhau song tựu trung đều luôn bám sát, đồng hành với từng chặng đường lịch sử cách mạng của tỉnh, của đất nước; có dấu ấn định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo rõ nét của Tỉnh ủy; phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, là “vũ khí sắc bén” trong truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Điều ấn tượng là cùng với những tài liệu, tư liệu dày dặn, thông tin đáng tin cậy, Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022) còn đan xen những hình ảnh tư liệu về các tờ báo tiền thân như: Nội san Báo Thống Nhất, Báo Giải Phóng, Báo Gia Lai-Kon Tum; những bàn thạch đầu tiên và rulo in báo trong kháng chiến, phương tiện tác nghiệp của phóng viên qua các thời kỳ… Cùng với đó là hình ảnh của các nhân chứng-những người gắn bó với hoạt động của tờ báo Đảng từ những ngày đầu, thế hệ những người làm Báo Gia Lai. Đây chính là những cứ liệu quan trọng, minh chứng rõ nét, tăng thêm sức nặng, tính chính xác của một cuốn sách lịch sử.

Cuốn Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022) đã hoàn thành việc ghi lại một chặng đường đáng nhớ, đáng tự hào của tờ báo Đảng địa phương. Đây là tài liệu quý đối với đội ngũ những người cầm bút, nhắc nhớ về hành trình phát triển không ngừng trong gian khó để từ đó, mỗi thế hệ làm báo hôm nay thêm vững bước, nỗ lực và đóng góp nhiều hơn nữa để Báo Gia Lai luôn là “tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai”.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.