Tái khởi nghiệp sau dịch: Cô sinh viên kiến trúc và thương hiệu trà hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện khởi nghiệp trái ngành đầy ấn tượng của Trâm khiến nhiều bạn trẻ tò mò và ngưỡng mộ.  

Trâm và sản phẩm trà hoa của mình ẢNH: NỮ VƯƠNG
Trâm và sản phẩm trà hoa của mình ẢNH: NỮ VƯƠNG
Vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, Vũ Nguyễn Ngọc Trâm, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã gây dựng thương hiệu trà hoa được nhiều người tin dùng.
Mang tình yêu môi trường vào sản phẩm
“Mình tìm đến những thức uống lành mạnh để cân bằng cảm xúc và tăng cường sức khỏe. Trong các giải pháp đã thử qua, mình nhận thấy việc thưởng trà hoa thảo mộc rất hiệu quả, thế là mình bắt đầu thích thú và tìm hiểu. Bất ngờ hơn khi mình biết thị trường trà hoa thảo mộc đang dần nở rộ nhưng để kiếm được sản phẩm chất lượng tốt không dễ”, Trâm nhớ lại.
Thế là cô nàng mất một khoảng thời gian khá dài loay hoay với việc tự trồng các loài hoa thảo mộc nhưng bất thành. May mắn Trâm tìm được vườn của một người quen ở Lâm Đồng, trồng những loài hoa thảo mộc tự nhiên và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Thế là cô ngỏ lời với anh chị chủ vườn để cùng phát triển và giới thiệu vườn đến mọi người nhiều hơn. Vậy là thương hiệu trà hoa thảo mộc Nhiên House - Herbal Tea của cô sinh viên ra đời với mong muốn được chia sẻ nguồn trà hoa thảo mộc thuần tự nhiên, an lành đến mọi người.
Điều thật sự ấn tượng ở cô chủ trẻ là đã gói ghém tất cả tình yêu môi trường của mình vào dự án khởi nghiệp.
“Thật ra khi bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên cho dự án, mình đã phải đắn đo rất nhiều về câu chuyện làm sao để có thể xây dựng thương hiệu một cách an toàn, tự nhiên và thân thiện với môi trường. Mình đã tham gia nhiều hoạt động và các nhóm yêu môi trường để tìm hiểu kỹ hơn giải pháp giảm rác thải trong kinh doanh, xem xét các ưu điểm và nhược điểm xong, mình chọn được vài giải pháp hợp lý cho dự án của mình”, Trâm kể.
Trâm dùng lọ thủy tinh có thể tái sử dụng nhiều lần để đựng trà và chương trình refill, tức là khuyến khích mọi người mang lọ cũ đến làm đầy lại hoặc thu gom chai lọ cũ nếu bạn nào ở xa. Về việc đóng gói, Trâm sử dụng túi giấy dễ phân hủy dùng được nhiều lần.
“Đặc biệt, sức khỏe người dùng là yếu tố không thể bỏ qua trong dự án. Mình luôn tin rằng những sản phẩm tự nhiên nhất, thiên nhiên nhất, sẽ luôn mang lại chất lượng cao nhất cùng với niềm tin yêu nhất cho khách hàng. Đó cũng là lý do “Gửi tự nhiên - đón an nhiên” trở thành giá trị cốt lõi mình đặt trong từng sản phẩm”, Trâm bày tỏ.
Để mọi thứ đều thuận tự nhiên
Cô chủ nhỏ cho biết cây thảo mộc được nhân giống tại vườn và trồng hoàn toàn thuận tự nhiên, đa dạng sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Cây được phòng, trị bệnh bằng thuốc sinh học như nano neem được chiết xuất từ lá neem và các loại thảo mộc khác. Nguồn nước tưới được kiểm nghiệm, lọc qua bể lọc và cây được bón phân tằm nuôi tại vườn. Khi thu hoạch, cây sẽ được cắt tỉa, rửa sạch và sấy khô trong nhà lưới và máy sấy lạnh. Sau đó, thảo mộc khô sẽ được chọn lọc nâng niu bỏ vào các lọ thủy tinh đã được khử trùng.
Hiện Trâm đã có 5 loại trà đơn (hoa hồng, hương thảo, bạc hà, đậu biếc và sả chanh) và 2 loại trà kết hợp là Blue Ocean Mix (trà hoa hồng, trà hương thảo và trà đậu biếc) và Jungle Scent Mix (trà hương thảo, trà bạc hà và trà sả chanh). Ngoài ra, còn có dòng sản phẩm tinh dầu, nước hoa hồng dưỡng da được chiết xuất tự nhiên từ vườn dưới sự nghiên cứu của thầy cô và sinh viên của các trường đại học như: Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Tất Thành và Nông Lâm.
Vì khởi nghiệp trái chuyên ngành nên lúc đầu Trâm không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Thế là một mình cô gái nhỏ phải tự chứng minh cho con đường mình đã chọn. Trâm đi lên từ một fanpage bán trà trên Facebook, đến nay sản phẩm trà hoa thảo mộc của Trâm được rất nhiều bạn trẻ, người lớn tuổi và cả doanh nghiệp như các khu resort, homestay, quán cà phê… tin tưởng và ủng hộ. Mọi người đặt mua sản phẩm của Trâm để vừa dùng vừa làm quà tặng cho người thân, bạn bè và bán cho khách du lịch. Gần đây, Trâm tham gia tổ chức sự kiện phụ trách mảng tiệc trà và đang triển khai thêm mảng quà tặng tiệc cưới cho khách đến chung vui.
“Trong thời gian tới, mình sẽ chuẩn hóa khâu sản xuất hơn, phát triển thêm vùng trồng và trồng đa dạng thêm nhiều loại thảo mộc khác. Bên cạnh đó, mình luôn đồng hành cùng các dự án về môi trường và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau như tài trợ, tham gia tổ chức… với mong muốn lan tỏa được lối sống xanh và tốt cho sức khỏe đến tất cả mọi người”, Trâm chia sẻ.
Theo Nữ Vương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.