Số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 6 triệu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới, lần lượt là 1.793.530 ca mắc và 104.542 ca tử vong.
 Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nhà xác dã chiến ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nhà xác dã chiến ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/5 theo giờ Việt Nam, số ca mắc viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới đã vượt 6 triệu người, trong đó 366.418 ca tử vong, trong khi số ca bình phục là 2.656.144 ca.
Hiện Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới, lần lượt là 1.793.530 ca mắc và 104.542 ca tử vong.
Với 38.160 ca tử vong, Anh là nước có số ca tử vong cao thứ hai, trong khi Brazil là nước có ca nhiễm cao thứ hai thế giới với 468.338 ca.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với ổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên quan phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19, với lý do WHO đã không thực hiện các cải cách mà Washington cho là rất cần thiết.
Ông Trump cho biết Mỹ sẽ chuyển các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ WHO sang sử dụng cho các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu.
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan ở Mexico. Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, đã ghi nhận thêm 3.227 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 84.627 người, trong đó có 9.415 ca tử vong, và 38.846 trường hợp nghi ngờ mắc.
Cơ quan chức năng dự báo số ca tử vong do COVID-19 lên 30.000 người.
Mexico sẽ dỡ bỏ giãn cách xã hội vào ngày 31/5 và thích nghi với trạng thái bình thường mới từ ngày 1/6. Tuy nhiên, cơ quan y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 24.110 trường hợp, trong đó có 654 ca tử vong.
Mặc dù tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chính phủ các quốc gia Trung Mỹ trên đều lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế vào tháng Sáu tới.
Tại châu Âu, Chính phủ Italy công bố nước này ghi nhận thêm 516 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 232.248 ca. Tổng số ca tử vong là 33.229 ca (tăng 87 ca). Thêm 2.240 ca bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 152.844 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 475 ca (giảm 14 ca).
Chính phủ Hy Lạp công bố danh sách sách các quốc gia mà khách du lịch có thể đến nước này từ ngày 15/6 khi các sân bay mở cửa trở lại cho các chuyến bay quốc tế.
Các quốc gia này bao gồm: Albania, Australia, Áo, Bắc Macedonia, Bulgaria, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Estonia, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc, Croatia, Cyprus, Latvia, Liban, Litva, Malta, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Hungary, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Cộng hòa Séc và Phần Lan.
Thụy Sĩ đã ghi nhận trẻ sơ sinh đầu tiên tử vong do COVID-19. Giới chức Thụy Sĩ cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 1 trẻ sơ sinh. Thụy Sĩ cũng ghi nhận 32 ca mắc mới.
Với số ca mắc trong ngày ở mức thấp so với trung bình hơn 1.000 ca/ngày trong tháng Ba vừa qua, từ ngày 27/4, giống như nhiều nước khác ở châu Âu, Thụy Sĩ đã từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Phần lớn các trường học, nhà hàng, quán bar, cửa hàng đã mở cửa trở lại, song phải tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách và các biện pháp bảo vệ khác.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa trở lại các đền thờ Hồi giáo để đón các tín đồ đến cầu nguyện sau hơn 2 tháng đóng cửa. Hàng trăm tín đồ Hồi giáo đeo khẩu trang đã thực hiện nghi thức cầu nguyện tập thể ở bên ngoài đền thờ Hồi giáo Blue nổi tiếng tại thành phố Istanbul.
Đây là lần đầu tiên các tín đồ Hồi giáo hành lễ tại đây kể từ khi tạm đóng cửa hồi tháng Ba vừa qua. Còn tại đền thờ Fatih, các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện ở cả bên trong và bên ngoài.
Cũng trong động thái nới lỏng các biện pháp phòng dịch, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết từ giữa tháng tới, việc đeo khẩu trang tại các cửa hàng sẽ không còn là quy định bắt buộc nữa vì nước này bước vào giai đoạn mới phòng chống dịch theo phương châm "giảm quy định, tăng trách nhiệm."
Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này tăng lên 29.240 người sau khi ghi nhận thêm 1.837 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua - nhiều nhất kể từ khi nước này thông báo ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3.
Trong 24 giờ qua có thêm 34 ca tử vong, nâng tổng số tử vong do COVID-19 tại nước này lên 611 ca. Ngoài ra, có 15.093 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh.
Bắt đầu từ ngày 1/6 tới, Nam Phi nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 4 hiện tại xuống cấp độ 3, theo đó cho phép đa số các lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại, cũng như dỡ bỏ một số hạn chế liên quan đến việc đi lại của người dân.
Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này ghi nhận thêm 1.289 ca nhiễm. Đây là con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát ở Ai Cập cho đến nay.
Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập là 22.082 người, tổng số bệnh nhân tử vong tăng lên 879 người, sau ghi nhận thêm 34 ca tử vong trong ngày 29/5.
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Giza, Ai Cập. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Giza, Ai Cập. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Có thêm 152 bệnh nhân đã bình phục và được ra viện, qua đó nâng tổng số người khỏi bệnh lên 5.511 người.
Nhằm ứng phó với đại dịch, 30 quốc gia đứng đầu là Costa Rica và WHO đã phát động một sáng kiến nhằm chia sẻ các công cụ phòng chống dịch bệnh như vaccine, thuốc điều trị và thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán.
Sáng kiến này, được đề xuất hồi tháng Ba vừa qua, nhằm cung cấp cơ chế mua vật tư y tế một cửa đối với các kiến thức khoa học, dữ liệu và sở hữu trí tuệ trong giai đoạn dịch COVID-19.
Ngày 29/5, WHO đã ban bố "Lời kêu gọi đoàn kết hành động", trong đó kêu gọi các bên liên quan tham gia sáng kiến này.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.