"Siêu biến thể" Omicron làm dấy lên gây lo ngại toàn cầu nhưng vaccine COVID-19 vẫn có khả năng hoạt động ngăn chặn, theo các chuyên gia.
|
Vaccine COVID-19. Ảnh: AFP |
Lý do WHO họp khẩn vì biến thể Omicron
Biến thể SARS-CoV-2 mới phát hiện ở phía nam Châu Phi đã được các chuyên gia khoa học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gán nhãn "biến thể đáng lo ngại" - nhóm nghiêm trọng nhất mà cơ quan này sử dụng để theo dõi virus. Biến thể gần đây nhất được WHO gán nhãn này là Delta.
Theo WHO, biến thể Omicron, mang một số đột biến gene có thể khiến virus lây lan nhanh, thậm chí có thể lây lan ở những người đã tiêm chủng.
Các nhà khoa học độc lập cũng nhất trí rằng, Omicron cần được chú ý khẩn cấp nhưng cũng lưu ý cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mức độ của mối đe dọa từ "siêu biến thể" này.
|
Biến thể SARS-CoV-2 mới Omicron đã được phát hiện ở Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP |
New York Times cho hay, biến thể Omicron lần đầu tiên được nhận thấy ở Botswana, nơi các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Harvard HIV Reference Laboratory ở Gaborone giải trình tự gene SARS-CoV-2 từ các mẫu dương tính. Các nhà khoa học tìm thấy một số mẫu có chung khoảng 50 đột biến chưa từng được phát hiện trong các nhóm gộp trước đó. Theo một cơ sở dữ liệu quốc tế về các biến thể, cho đến nay, có 6 người có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron ở Botswana.
Cùng thời gian đó, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi tình cờ phát hiện ra Omicron trong một cụm ca COVID-19 ở tỉnh Gauteng. Tính đến 26.11, tại Nam Phi có 58 mẫu Omicron. Tiến sĩ Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch bệnh ở Nam Phi và các đồng nghiệp đã đề nghị WHO tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về biến thể mới vào ngày 26.11 vì 2 lý do: Những đột biến ở Omicron và những gì dường như là sự lây lan đáng báo động ở Nam Phi.
Khả năng bảo vệ của vaccine trước biến thể Omicron
Tiến sĩ Theodora Hatziioannou, chuyên gia về virus tại Đại học Rockefeller ở New York, Mỹ, nhận định, các đột biến đặc biệt của Omicron làm tăng khả năng biến thể này phát triển lần đầu tiên bên trong cơ thể của người nhiễm HIV - những người có hệ miễn dịch quá yếu để có thể nhanh chóng chống lại virus.
Tiến sĩ Hatziioannou nhận định, vaccine COVID-19 được kỳ vọng sẽ cung cấp một số biện pháp bảo vệ khỏi biến thể Omicron vì vaccine không chỉ kích thích các kháng thể mà còn cả các tế bào miễn dịch để tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh. Những đột biến ở protein gai của virus không làm giảm phản ứng của tế bào miễn dịch. Các liều tiêm nhắc lại cũng có thể mở rộng phạm vi kháng thể được tại ra, giúp cơ thể người chống được các biến thể mới như Omicron.
Hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy Omicron gây ra bệnh nặng hơn các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Và cũng chưa rõ Omicron có thể lây lan từ người sang người nhanh chóng như thế nào.
|
Biến thể Omicron có khả năng phát triển lần đầu tiên bên trong cơ thể của người nhiễm HIV, các chuyên gia nhận định. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP |
Tiến sĩ William Hanage, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan nhận định, ngay cả khi Omicron được chứng minh là có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác, vaccine vẫn là vũ khí quan trọng chống lại virus, bằng cách làm chậm sự lây lan của virus và giúp những người mắc COVID-19 ở thể nhẹ thay vì cần phải nhập viện. Omicron "chắc chắn đủ để xem xét một cách nghiêm túc, nhưng không phải là ngày tận thế. Nó không phải là một loại virus ma thuật" - ông nhấn mạnh.
Các nhà sản xuất vaccine COVID-19 nói gì?
Theo CNN, trong thông cáo ngày 26.11, Moderna cho biết hãng đang nhanh chóng làm việc để kiểm tra khả năng vaccine vô hiệu hóa biến thể Omicron mới và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới. Biến thể SARS-CoV-2 mới bao gồm các đột biến đã phát hiện trong biến thể Delta làm tăng khả năng lây truyền và có cả những đột biến có trong biến thể Delta và Beta có tác dụng thúc đẩy né miễn dịch, Moderna lưu ý. "Sự kết hợp của các đột biến thể hiện một nguy cơ tiềm tàng đáng kể để đẩy nhanh sự suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên và miễn dịch do vaccine tạo ra" - Moderna nêu trong thông cáo.
Nếu vaccine COVID-19 hiện hành và liều nhắc lại không đủ để chống lại biến thể SARS-CoV-2 mới, giải pháp khả thi là tiêm nhắc lại với liều lượng lớn hơn và Moderna đang thử nghiệm khả năng này. Moderna cũng đang đánh giá 2 ứng viên liều nhắc lại để xem có cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn khỏi Omicron hay không. Ngoài ra, Moderna cũng đang thử nghiệm liều vaccine COVID-19 nhắc lại đặc biệt nhắm tới riêng Omicron.
Trong khi đó, AstraZeneca thông báo đang tìm cách tìm hiểu tác động của Omicron với vaccine COVID-19 của hãng. Người phát ngôn của công ty thông tin ngày 26.11: “AstraZeneca cũng đang tiến hành nghiên cứu ở những địa điểm mà biến thể đã được xác định, cụ thể là ở Botswana và Eswatini, qua đó chúng tôi có thể thu thập dữ liệu thực tế của vaccine Vaxzevria để chống lại biến thể virus mới này”. Hãng dược Anh cũng đang thử nghiệm phương pháp điều trị bằng kháng thể AZD7442 để chống lại biến thể SARS-CoV-2 mới.
Trong khi đó, các nhà khoa học tại BioNTech, công ty Đức hợp tác với Pfizer để sản xuất vaccine COVID-19, cũng đang điều tra tác động của biến thể Omicron với vaccine COVID-19 của hãng và dự kiến có dữ liệu trong vòng vài tuần tới.
Người phát ngôn của Johnson & Johnson xác nhận với CNN rằng, công ty đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine với biến thể Omicron.
Reuters ngày 26.11 cho biết, hãng dược Novavax đã bắt đầu làm việc về phiên bản vaccine COVID-19 nhắm vào biến thể Omicron và sẽ có vaccine này để thử nghiệm và sản xuất trong vài tuần tới. Vaccine COVID-19 của Novavax chứa một phiên bản thực tế của protein gai của virus để kích hoạt hệ thống miễn dịch. Protein gai này dựa trên trình tự di truyền của biến thể Omircon hay B.1.1.529.
THANH HÀ (LĐO)