15 năm sau loạt tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9, vòng luẩn quần sản sinh ra chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn chưa bị chặt đứt.
Hôm qua (11-9) nước Mỹ tổ chức các hoạt động tưởng niệm ngày xảy ra thảm kịch tấn công khủng bố tồi tệ nhất tại nước này với gần 3.000 người thiệt mạng vào ngày 11-9-2001. Không chỉ nước Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới sau đó đều bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, 15 năm sau sự kiện này, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố vẫn hiện hữu và thậm chí con virus này còn đang lây lan nhanh hơn, với hoạt động ngày càng tinh vi và khó lường.
Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York (Mỹ) bị tấn công. Ảnh: Telegraph. |
Sự kiện 11-9 đến nay được coi là một cột mốc trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, để lại nhiều tác động lâu dài. Sau vụ khủng bố, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu và mở cuộc chiến tại Afghanistan “hao tiền tốn của”, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn binh lính các nước.
Trong 15 năm qua nhiều lần thế giới hân hoan ăn mừng những khoảnh khắc chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, như Tổng thống Obama nhận định sẽ "giúp thế giới trở nên an toàn và tốt đẹp hơn”. Mặc dù vậy, nỗi ám ảnh khủng bố vẫn đang hiện hữu khắp mọi nơi trên thế giới, từ những khu vực có nhiều bất ổn như Trung Đông, Bắc Phi hay đến các quốc gia vốn được coi là yên bình như Bỉ hay Pháp.
Trong bài phát biểu trước thềm kỷ niệm 15 năm sự kiện 11-9, Tổng thống Obama cũng thừa nhận, nước Mỹ vẫn chưa được an toàn: “Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố vẫn hiện hữu. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, phá hủy chúng và làm mọi điều có thể để bảo vệ đất nước”.
Theo ông Matthew Henma-người đứng đầu Trung tâm chống khủng bố và vũ trang tại Viện nghiên cứu HIS (Mỹ), sẽ không có gì lạ khi thế giới đang bi quan về triển vọng an ninh toàn cầu trong ngắn hạn.
Hiện có nhiều nhóm cực đoan Hồi giáo Sunni bạo lực hơn và cũng có nhiều thiên đường an toàn cho các nhóm khủng bố hơn bất kì thời điểm nào trong lịch sử.
Al-Qaeda hay Taliban mặc dù đã bị giới hạn hoạt động phần nào sau chiến dịch khủng bố của Mỹ, nhưng vẫn được dự đoán là trong giai đoạn hồi sinh với những mục tiêu dài hạn hơn. Trong khi đó lại xuất hiện những nhóm khủng bố mới nguy hiểm và tàn bạo hơn, trong đó có nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Xuất hiện trên các diễn đàn truyền thông quốc tế mới gần 2 năm qua nhưng IS đã nhanh chóng vươn “vòi bạch tuộc” ra nhiều khu vực trên thế giới. Với cách thức hoạt động tinh vi, phức tạp và khó định đoán, tổ chức này đang có các chân rết khắp các châu lục, khiến cả thế giới phải lo sợ.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là với những tiến bộ của công nghệ thông tin truyền thông, một thế hệ thanh niên từ châu Âu đến châu Á đang bị IS “đầu độc”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ xa hay âm thầm lên thực hiện các vụ tấn công đẫm máu theo hình thức “sói đơn độc”.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm nay (11-9) cũng cho rằng, thế giới với nỗi lo khủng bố trong 15 năm qua vẫn không có gì thay đổi: “Có mối liên hệ giữa vụ tấn công 11-9 tại Mỹ và những gì xảy ra tại Australia. Về mức độ nguy hiểm thì dường như các vụ tấn công khác nhau. Tuy nhiên sự kết nối chung của cả hai vụ việc là bạo lực và tư tưởng đạo Hồi đã bị xuyên tạc, nhằm phá hủy và đe dọa cuộc sống của chúng ta”.
Một điều nghịch lý không chỉ nước Mỹ mà thế giới cũng đang phải đối mặt đó là càng chống khủng bố thì nguy cơ lại càng gia tăng. Vấn đề là nước Mỹ đã “cắt được đầu rắn” với việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, nhưng chưa giải quyết được những gốc rễ nảy sinh như vấn nạn tham nhũng, thất nghiệp, sự thất vọng của lớp thanh niên trẻ hay chủ nghĩa bè phái tại các nước mà những nhóm khủng bố này đang bám rễ và mở rộng ảnh hưởng.
Chính vì vậy, để cuộc chiến chống khủng bố hiệu quả, quốc tế cần phải có cách tiếp cận toàn diện, tránh rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn “rắn bị chặt đầu này lại mọc đầu khác” và các thế hệ thanh niên Hồi giáo sẽ tiếp tục lao vào con đường cực đoan, kéo theo những hệ lụy nguy hiểm cho toàn thế giới.
Theo VOV