Sau cơn mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

1.
Nhà có mỗi một người con trai duy nhất, mẹ cưng anh như người hiếm hoi cưng đứa con cầu tự.
Con nhà nghèo nhưng từ hồi mới đẻ cho tới khi nghỉ học, đi học nghề - nhìn anh Ba, không ai đoán được gia cảnh anh đâu. Lúc nào cũng bảnh bao, tươm tất. Mẹ đã đổ dồn, làm mọi thứ cho đứa con trai duy nhất nhưng rồi phải nói: “Sợ nhất sau này sẽ khổ, mà rồi cũng không khỏi” - khi anh theo làm thợ hồ.
 

Thực ra, anh Ba theo những chú bác trong xóm vào Sài Gòn làm thợ hồ hơi muộn. Bỏ học lớp 9, anh ở nhà làm nông ba năm rồi đi học nghề hớt tóc lấy ráy tai. Mẹ cũng mua đồ nghề, xây tiệm đàng hoàng nhưng làm được hơn năm anh bỏ, kêu mấy đồng, hổng đủ thiếu.

 

 Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân


Đi làm thợ hồ được vài năm, anh lấy vợ. Thợ hồ mới vào nghề không đủ tiền mua đất. Mẹ phải đập căn nhà dưới để anh xây nhà riêng, ba mẹ thu về ở gian nhà trên. Chưa hết, mẹ giao luôn sổ đỏ để anh vay tiền cất nhà.
 
Cất nhà, sinh hai con, thu nhập một thợ hồ thấp. “Vợ chồng nó làm đâu phủi lủm đó, không dư một hào”. Mẹ nói vậy thì tôi hình dung được tình cảnh của anh mình.
 
2.
Hai đứa con gái ngày mỗi lớn, bữa nay đứa này đòi sách vở, bữa mai đứa kia đòi quỹ nọ quỹ kia. Rồi cưới hỏi, giỗ chạp, tang ma…
Thu nhập chính của gia đình là một thợ hồ thì mỏng lắm, như gió vào nhà trống thôi. Chị em tôi biết vậy nhưng cũng chỉ biết hỗ trợ cho cháu tấm áo, gói quà. Chúng tôi ổn định hơn vì có lương nhưng thu nhập của những công chức quèn thì đâu cũng vào đó chứ không thể giúp được nhiều cho anh chị.
 
“Con còn nhỏ thì đỡ chứ con mà lớn sẽ một trời tiền. Chúng sẽ quay mình như cái chong chóng!!”. Mẹ nói vậy khi anh Ba kéo thêm chị dâu vào công trường.
 
Anh chị đi làm, hai chị em ở nhà bảo ban nhau. Cũng may, nhà sát vách nội nên mọi thứ tạm ổn. Bé đi học giao nhà cho ông bà, hằng tháng ba mẹ đều đặn gửi tiền về.
 
Nếu đợt nào về chơi lâu - như tết - anh chị tôi về trong bộ dạng vui vẻ và thởi lởi. Có đồng ra đồng vô, sửa chữa nhà cửa, quà cáp cho ba mẹ, lo cho các con đủ đầy, tự dưng thấy người cũng bảnh bao ra, đáy mắt lung linh những tia sáng, hy vọng ngày mai sẽ khá hơn.
 
Nhưng hy vọng ngày mai sẽ khá hơn đang tạm thời bị con COVID cản mũi.
 
Năm trước, dịch còn nhẹ nhưng công việc đã bị ảnh hưởng nhiều. Năm đó, anh chị từ thành phố về, nghĩ sẽ chơi mùng năm tháng năm ít ngày, có ai ngờ bị kẹt COVID không thể đi làm lại. Ở nhà ba tháng, cái đói hiện liền trước mắt. Mấy chỉ vàng dự trữ ăn thua gì khi nhà bốn người chỉ coi ti vi, tới bữa ăn cơm mà vật giá chỉ tăng chứ không giảm. Hết tiền, anh Ba hỏi em gái mượn. Tôi biết, phải chẳng đặng đừng chứ tính anh sĩ diện lắm, con trai duy nhất trong nhà mà.
 
Hỏi mượn tiền tôi và con Út, mỗi đứa đúng một lần.
 
Đợt đó chở con về thăm ngoại mới biết anh chị đã đi làm. Mẹ nói, thấy tình hình ổn ổn là tụi nó phóng liền. Tôi gọi điện hỏi làm ở đâu. Anh nói Sài Gòn chứ đâu. Bộ anh hổng sợ con COVID nó xơi tái mình hả? Trong này ổn mà, trước khi nó xơi thì mình cũng phải kiếm cái gì đó cho vào mồm làm con ma no chứ ở nhà thì chỉ có chết đói. Tôi “dạ” nhỏ xíu chứ không biết tiếp tục sao. Câu nói đùa mà theo một cách nghĩ nào đó, nghe đau quá.
 
Mẹ tinh ý, thấy con gái thoáng buồn thì nói:
 
“Chắc sẽ ổn. Hai vợ chồng vô làm cho một công trình của nhà nước. Nghe nói lớn lắm, phải hai, ba năm mới hoàn thành. Ở trong công trình luôn, cách ly với bên ngoài, họ trả công cũng cao nên tụi nó trụ chân. Kệ, còn trẻ, ráng cày vài năm, đợi hai nhỏ mãn đại học thì ở nhà làm ruộng quách quách, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít”.
 
Tôi nghe mẹ nói vậy, cũng tạm yên tâm. Được vậy đã may rồi, dám đòi gì hơn. Dịch giã bao người mất việc, mình có việc nuôi con đã hên rồi. Anh chị ít chữ nhưng bù lại hai bé cháu sáng dạ, học giỏi. Còn nhỏ nhưng đã ngộ được tính tự trọng, hiếm dám hỏi xin mấy cô thứ gì. Chị em tôi cũng tinh ý nên mỗi lần về mẹ đều chủ động cho cháu tiền tiêu vặt, mua cái áo cái mũ, cuối năm có quà, động viên cháu ráng học chứ không đợi xin mới cho. Bé nhỏ lạc quan: cô đừng lo, nay ba mẹ cháu tháng nào cũng gửi lương về. Nhà cháu nay sắp giàu rồi. Nói rồi cười hi hi. Nghe cháu nói mà tôi mừng. Nghĩ cũng đúng, anh làm thợ hồ, ngày công gần năm trăm ngàn, chị phụ hồ, ngày được gần bốn trăm. Lương giáo viên mấy triệu của tôi bõ bèn gì với thu nhập đấy, chưa nói tôi còn phải làm mẹ đơn thân. Anh chị được vầy, mẹ là người vui nhất.
 
Nhưng tạm ổn cũng chỉ được đôi ba tháng. Khi Sài Gòn bùng dịch, mẹ lo lắng xanh xao. Biết mẹ lo nên anh (hoặc chị) thường điện về, dặn đừng lo lắng, chỗ này cực an toàn, tách biệt với thành phố, khoanh lại thành một khu riêng, người lạ không được phép vô. Mẹ nghe vậy cũng đỡ lo. Nhưng đỡ thôi chứ sao đừng lo được, thời COVID, cảm giác mọi thứ đều mong manh, lỏng lẻo…
 
Khi dịch ở mức đỉnh điểm, quê nhà có những chuyến xe vào thành phố đưa người dân về. Lần nào anh chị điện về, mẹ cũng hỏi hai đứa tính chừng nào về. Anh Ba nói:
 
“Không tính được đâu mẹ. Dễ gì tìm được công việc ổn định vầy, nắng mưa đều làm, được trả công cao, ăn uống đàng hoàng. Được máy móc hỗ trợ tối đa, còn bảo hộ lao động nữa. Giờ về rồi kẹt dịch không vô lại được, rồi sẽ như năm ngoái, đói khô mỏ…” - nghe con nói vậy, mẹ già chỉ còn biết thở hắt.
 
Số ca dương tính ở thành phố cứ tăng cao, ca tử vong cũng tỉ lệ thuận. Mẹ hóng bản tin COVID, chỉ vài ngày sau đó, gầy xộc liền. Hóa ra, nỗi buồn là thứ dễ vắt kiệt con người ta nhất. Ban đầu cũng lo âu thắc thỏm nhưng từ cái hôm anh Bình xóm trước chạy xe từ thành phố về; anh cũng đi làm xa quê như anh chị tôi nhưng lần này đi hai về một, anh về cùng chiếc hũ sành - mẹ thấy cảnh tan nát đó, suy sụp liền. Hôm đó, bà con nghe tin, ngậm ngùi nhưng không ai dám tới thăm hỏi. Mẹ chạy ào tới, về nhà lúc nào cũng buồn rượi, chị em tôi gọi điện về, mẹ kể chuyện mà sụt sùi…
 
Từ hôm nghe tin đó, tôi giật mình vì anh em mỗi đứa đều cắm cúi mưu sinh mà không dành thời gian cho nhau. Vậy là lên lịch, cứ hai ba ngày tôi lại điện cho anh chị.
 

 
Và cuộc thoại hôm đó, tôi nghe anh nói xong thì quả tim như bật khỏi lồng ngực, mệt đến không thở được.
 
Cuộc điện bắt đầu bằng lời thăm hỏi của tôi:
 
“Anh chị vẫn ổn chứ?”
 
Anh ờ ờ, giọng ngập ngừng, nửa muốn nói nửa muốn không. Thấy anh bối rối, tôi nhận ra ngay dấu hiệu bất ổn, hỏi tới:
 
“Có chuyện gì rồi hả anh?”
 
“Chị nằm viện rồi!”
 
“Sao vậy, mới đầu tuần nói chuyện với em, còn cười rổn rảng mà?!”.
 
“Cả tháng nay, cái bụng sao cứ đầy hơi, đau râm ran. Mua thuốc ngoài tiệm về uống, cứ bơn bớt rồi lại đau hơn. Hôm kìa bèn vô Bệnh viện Y Dược khám thử bệnh gì, họ test COVID, dương tính rồi”.
 
Ôi, thế gian này, chắc không tin gì chấn động như tin người thân của mình bị COVID. Sau cả phút sững sờ, tôi quay lại điện thoại, giọng đã mềm ra:
 
“Người nhà có được vào thăm chị?”.
 
“COVID mà thăm nom gì!”.
 
Tôi lặng người, chưa biết sẽ nói gì tiếp thì anh nói:
 
“Anh cũng được test ngay sau đó nhưng không sao. Nghiệt ngã. Chị mầy kĩ lắm chứ không sơ sài như anh, mà dính vẫn cứ dính”.
 
“Dạ, chị ấy rất ý chí nữa. Cầu Trời mọi sự sẽ bình an. Anh bây giờ nhất định không được suy sụp nha!!”.
 
Những ngày sau, tôi thu xếp công việc, bữa nào cũng điện cho anh sau giờ cơm chiều. Anh tôi nam nhi nhưng rất dễ mềm lòng. Giữa lúc đang cần nhất sự mạnh mẽ, chỉ sợ nơi xa một mình, anh bi quan bỏ ăn bỏ uống rồi kiệt sức. Thiệt tình, phải chi được tiêm hai mũi vắc xin, chắc tôi đã chạy ào vô Sài Gòn chăm anh quá. Lần nào nói chuyện qua điện thoại, giọng anh cũng nhão chùng.
 
“Tại em đã nghi rồi nên anh nói luôn. Im lặng, đừng cho ai trong nhà biết chuyện này nghen - đặc biệt ba mẹ. Cứ nói anh chị vẫn ổn!”.
 
Tôi “dạ” rồi nói:
 
 “Mà em nghĩ sẽ ổn thôi. Y học bây giờ tiến bộ lắm. Chỉ trừ những người bệnh nền, sức đề kháng không còn mới nguy hiểm chứ còn người mạnh khỏe mắc COVID thì cơ may qua khỏi rất cao. Nó cũng là một dạng cúm thôi anh. Chị được ưu điểm là thể trạng rất tốt, lại thêm ý chí mạnh nữa nên sẽ mau khỏi thôi. Em đang lo anh đây. Coi rồi người bệnh không sao mà người mạnh lại nguy kịch đó. Anh ráng ăn uống đàng hoàng đợi chị ra viện nha!”.
 
Thú thực, lúc nghe tin chị bị COVID, tôi cũng hoang mang run rẩy nhưng nghĩ lại, tôi xâu chuỗi, tổng hợp tất cả những điều mình biết về căn bệnh này rồi kết luận vậy. Chị sức khỏe rất tốt, cũng đã tiêm được một mũi vắc xin nên tôi nghĩ khi mắc bệnh, triệu chứng sẽ nhẹ và cơ may phục hồi sẽ cao.
 
Nghĩ vậy mà đúng. Hơn nửa tháng sau anh điện về, phấn khởi nói chị được ra viện rồi.
 
Cầm giấy xét nghiệm âm tính, anh chị theo đoàn xe đưa người về quê. Mẹ tôi mừng rớt nước mắt.
 
3.
Trời đang giữa mùa đông.
Mùa đông năm nay mưa khiếp quá. Suốt ngày mưa gió ầm ào, tôi dạy học online, phải ôm máy vào phòng kín, nói hết công suất nên hôm nào dạy xong cũng có cảm giác mỏi miệng. Với lại nghĩ chắc ba mẹ anh chị cũng không có chuyện gì nên không thường xuyên điện về. Riêng mấy chị em gái thì ngày nào cũng gặp nhau trên thế giới ảo rồi.
 
Sáng nay, tôi điện về. Mẹ hỏi: “Điện cho mẹ có gì không con?”. Tôi lại trả lời: “Nhớ mẹ nên điện thôi!”. Hai mẹ con nói chuyện một chập, tôi chuyển qua hỏi thăm anh chị Ba: Mẹ nói, vợ chồng nó mới đi rồi. Ra Đà Nẵng làm. Ông chủ cũ gọi. Cái gì, dịch mới tạm yên yên, giờ lại có dấu hiệu bùng rồi, sao lại đi. Mẹ nói: “Tụi nó tiêm đủ hai mũi vắc xin rồi. Mưa gió gần xong, quay qua quay lại tới tết liền giờ. Phải đi làm kiếm cơm chứ chờ dịch bệnh hết thì biết chừng nào. Chủ yếu mình tự bảo vệ bản thân để sống chung với COVID chứ trốn miết trong nhà mà được ha? Chắc gì ở quê đã không bị bệnh.
 
Mẹ nói vậy, tôi chỉ biết “dạ”. “Chắc gì ở quê đã không bệnh!”. Mẹ nói mà tôi giật mình, thấy mẹ tám mươi mà còn vững vàng và sáng suốt hơn cô con gái có học, đã sắp chạm tuổi bốn mươi. Vâng mẹ, qua mưa rồi, trời sẽ sáng…

http://baolamdong.vn/vhnt/202112/sau-con-mua-3093149/
 

Theo NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.