Thời gian qua, người dân qua lại trên QL14 đoạn qua xã Đăk Kroong, H.Đăk Glei (Kon Tum) liên tục phản ánh về điểm sạt lở taluy dương đe dọa tính mạng con người.
Đoạn tường chắn taluy dương trên QL14 bị sạt lở, uy hiếp tính mạng người đi đường. ẢNH: ĐỨC NHẬT |
Theo đó, năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão, đoạn tường chắn ta luy dương từ Km 1448+715 đến Km 1448+733 trên QL14 bị sạt lở nghiêm trọng. Trên tường chắn taluy xuất hiện nhiều vết nứt với chiều dài hàng chục mét, nhiều đoạn tường chắn đã đổ sập chỉ còn trơ vách đất lở lói.
Khu vực này thường xuyên sạt lở, nhất là vào mùa mưa bão. ẢNH: ĐỨC NHẬT |
Hệ thống tường chắn bằng bê tông bị khối lượng lớn đất đá đè xuống làm xô lệch khỏi vị trí ban đầu từ 20 đến 40 cm. Trên đỉnh tường chắn là mái taluy cao hàng chục m với khối lượng đất đá rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Tại khu vực này, sau mỗi cơn mưa, lượng lớn đất đá từ trên cao theo dòng nước chảy tràn xuống mặt đường che lấp lối đi.
Đặc biệt, trên đỉnh mái taluy khu vực sạt lở có 1 trụ điện thuộc hệ thống lưới điện 500 kV mạch 1 Thạnh Mỹ - Pleiku 2. Hiện tại mép sạt lở mái taluy dương chỉ còn cách chân cột điện 19 m. Dù nguy hiểm là vậy nhưng 2 năm qua, điểm sạt lở taluy dương này vẫn chưa được khắc phục.
Bức tường chắn bằng bê tông bị xô lệch khỏi vị trí ban đầu. ẢNH: ĐỨC NHẬT |
Chị Trịnh Huyền Nga (trú TP.Kon Tum) cho biết, chị thường xuyên qua lại trên QL14. Mỗi lần đi qua đoạn đường này chị đều lo việc đất đá từ trên cao có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Mái taluy dương bằng bê tông bị xô lệch nghiêng ra đường gây mất an toàn giao thông. ẢNH: ĐỨC NHẬT |
"Vừa rồi tôi xem trên truyền hình thấy ở miền Bắc nhiều quả đồi đổ ập xuống trong vài giây, vùi lấp nhà cửa, đường đi. H.Đăk Glei lại là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở, nhất là trong mùa mưa bão, nên mỗi lần đi qua đoạn đường này tôi đều mang trong mình cảm giác lo âu, sợ hãi", chị Nga nói.
Trước thực trạng trên, UBND H.Đăk Glei và Phòng CSGT, Công an tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương khắc phục vị trí tường chắn hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông. Tiếp nhận đề nghị này, Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum đã cắm biển cảnh báo đoạn đường nguy hiểm tại 2 đầu vị trí sạt lở.
Theo Khu quản lý đường bộ III, đoạn đường trên được hoàn thành và bàn giao cho Khu quản lý đường bộ III quản lý từ năm 2003. Năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão, đất trên mái taluy dương sạt lở đã đẩy 2 đốt tường chắn với chiều dài khoảng 18 m nghiêng ra mặt đường, xô lệch khỏi vị trí ban đầu khoảng 80 cm. Đến nay, tường chắn tiếp tục chuyển vị và ngã đổ ra mặt đường, gây mất an toàn giao thông.
Để đảm bảo an toàn cho đường dây 500 kV, Khu quản lý đường bộ III đã có các văn bản gửi đơn vị truyền tải điện Kon Tum về việc kiểm tra, xử lý mức độ ảnh hưởng do sạt lở taluy. Từ đó, có giải pháp phòng ngừa tránh sạt lở móng cột điện 500 kV mạch 1 Thạnh Mỹ - Pleiku 2.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 27.9, đại diện Khu quản lý đường bộ III cho biết đã báo cáo tình hình trên cho Cục Đường bộ Việt Nam và sẽ tiến hành khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Theo ĐỨC NHẬT (TNO)