Bộ Y tế cho biết đến nay hơn 2,55 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; số ca COVID-19 ở trẻ em gia tăng, tuy nhiên Bộ Y tế hướng dẫn các gia đình không xông cho trẻ, không dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định; Nghiêm cấm gây phiền hà khi người lao động là F0 làm thủ tục BHXH...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.885.631 ca mắc COVID-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 39.335 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.878.220 ca, trong đó có 2.547.708 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (541.987), Hà Nội (319.048), Bình Dương (301.609), Đồng Nai (101.825), Tây Ninh (96.555).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 95.127 ca/ngày.
|
Trung bình số ca mắc mới COVID-19 trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 95.127 ca/ngày. |
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.550.525 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.840 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.039 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 371 ca; Thở máy không xâm lấn: 89 ca; Thở máy xâm lấn: 332 ca; ECMO: 9 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 95 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.547 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.994.645 mẫu tương đương 79.665.130 lượt người, tăng 114.197 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 195.672.969 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.871.881 liều: Mũi 1 là 70.780.325 liều; Mũi 2 là 67.485.548 liều; Mũi 3 là 1.444.843 liều; Mũi bổ sung là 14.055.038 liều; Mũi nhắc lại là 25.106.127 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.801.088 liều: Mũi 1 là 8.635.842 liều; Mũi 2 là 8.165.246 liều.
Không xông cho trẻ em mắc COVID-19, không dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định
Số ca mắc COVID-19 trên cả nước gia tăng hàng ngày, theo đó trường hợp trẻ em mắc COVID-19 cũng tăng lên. Bộ Y tế cho biết số trường hợp mắc COVID-19 nhóm dưới 12 tuổi đang có sự gia tăng. Trước ngày 1/2/2022 là 14,1% và sau ngày 1/2/2022 là 24,3%.
Các chuyên gia nhi khoa cho hay, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).
Có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em.
Theo "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19" do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế lưu ý các phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Không xông cho trẻ em.
Hà Nội và 36 tỉnh, thành có số mắc COVID-19 tăng, dao động từ 1.000- hơn 18.600 F0
Ngày 3/3, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố sau ghi nhận ca mắc mới từ 1.000- hơn 18.600 F0 như sau: Hà Nội (18.661), Nghệ An (6.152), Bắc Ninh (5.648), Quảng Ninh (3.956), Nam Định (3.801), Sơn La (3.751), Hưng Yên (3.497), Lạng Sơn (3.250), Phú Thọ (3.168), TP. Hồ Chí Minh (3.126), Vĩnh Phúc (2.835), Thái Nguyên (2.793), Bắc Giang (2.673), Hòa Bình (2.610), Hải Phòng (2.581), Đắk Lắk (2.480), Lào Cai (2.414), Ninh Bình (2.364), Hải Dương (2.360), Yên Bái (2.358), Quảng Bình (2.335), Bình Dương (2.282), Tuyên Quang (2.269), Hà Giang (2.178), Thái Bình (2.131), Khánh Hòa (1.977), Bình Phước (1.948), Điện Biên (1.843), Cao Bằng (1.838), Cà Mau (1.708), Hà Nam (1.645), Đà Nẵng (1.465), Bình Định (1.450), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.321), Thanh Hóa (1.056), Gia Lai (1.002).
Tại Hà Nội, trong nhiều ngày qua số mắc COVID-19 của thành phố này đều gia tăng, hôm qua tăng 3.547 F0 so với ngày 2/3. Về số ca nặng, Hà Nội nhiều nhất với trên 1.000 ca.
Số ca bệnh nặng tại TP HCM hiện đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội, trong khi số mắc mới tại TP HCM mới tăng trở lại khoảng 10 ngày gần đây, còn trước đó luôn ở mức thấp.
Theo Sở Y tế TP HCM, số ca COVID-19 mới tại thành phố tăng kéo theo số ca thở oxy và thở máy xâm lấn tăng. Hiện mỗi ngày riêng TP HCM có thêm 4 - 5 ca thở máy xâm lấn, phần lớn ở nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền.
Trong tuần này TP có 306 trường học có ghi nhận F0 (tuần trước là 201 trường). Tổng số ca nghi nhiễm trong tuần là 19.000 ca, tăng hơn 7.000 ca so với tuần trước.
Nghiêm cấm gây phiền hà khi người lao động mắc COVID làm thủ tục BHXH
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội vừa có hướng dẫn 651 về giải quyết chế độ cho người lao động mắc COVID-19.
Theo đó, BHXH Hà Nội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ BHXH đối với người điều trị COVID-19 theo quy định, thực hiện giải quyết kịp thời, không để hồ sơ chậm muộn, nghiêm cấm việc gây phiền hà, khó khăn với người lao động.
Đồng thời hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm cấp kịp thời giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với người lao động là F0.
Các trạm y tế cập nhật thông tin người điều trị COVID-19 đã được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH lên Cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam theo quy định, đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký y, bác sĩ của các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 441.242.267 ca, trong đó có 5.999.417 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.493.355 trường hợp mắc COVID-19 và 6.637 ca tử vong. Ngày 3/3, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 198.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 80.770.604 ca mắc và 979.725 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil. Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 135.458 ca mắc mới COVID-19 và 514 ca tử vong. Tới hết ngày 3/3, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 18.336.478 trường hợp và 319.856 ca tử vong. |
Theo Thái Bình (suckhoedoisong.vn)