Robot - đồng minh hay kẻ thù của con người sau khủng hoảng COVID-19?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyên gia Frey cảnh báo mối lo ngại robot cướp đi việc làm của người lao động gia tăng khi nỗi lo sợ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 qua đi.
Robot hỗ trợ nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Robot hỗ trợ nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành khiến con người phải hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc với nhau, các robot đã chứng tỏ khả năng cứu người cũng như duy trì “sự sống” của các nhà máy.
Tuy nhiên khi cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 qua đi, liệu các robot này sẽ lấy đi công ăn việc làm của nhiều người?
Trong khi nhiều nước thực hiện biện pháp hạn chế hoạt động để ngăn dịch bệnh lây lan, robot đã đảm nhiệm thêm nhiều công việc mới.
Chẳng hạn, robot phục vụ bia tại một quán bar ở thành phố Seville của Tây Ban Nha, robot phân phát nước sát khuẩn tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, robot phân phối hàng tạp phẩm tại thủ đô Washington của Mỹ hay robot tiếp tân tại một bệnh viện ở Bỉ giúp kiểm tra thân nhiệt của người đến khám bệnh.
Nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Sharks Robotics (Pháp), Cyril Kabbara cho rằng robot càng hiện đại thì sự phản đối với robot càng yếu đi.
Ông Kabbara nhấn mạnh: “Mỗi khi mối đe dọa xuất hiện đối với con người thì bạn sẽ cử một robot đi làm nhiệm vụ.” Chẳng hạn, robot Colossus của công ty đã đóng góp vào chiến dịch “giải cứu” Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) ở thủ đô Paris, Pháp, trong vụ cháy hồi năm 2019 cũng như giúp tẩy độc chì gây ô nhiễm khu vực này sau vụ hỏa hoạn. Cách đây 4 hay 5 năm, Colossus từng bị chế nhạo và được cho là đe dọa đến việc làm của lính cứu hỏa.
Nhưng ông Kabbara cho biết đến nay, Colossus đã phối hợp thành công với các nhân viên cứu hỏa của thành phố Paris và Marseille.
Theo nhà nghiên cứu Mark Muro của Viện Brookings, nghiên cứu gần đây cho thấy cuộc suy thoái trầm trọng khả năng sẽ dẫn đến kỹ thuật tự động hóa gia tăng.
Trước thực tế này, nhà kinh tế học Carl Frey, Đại học Oxford, cho rằng thật sai lầm khi nghĩ rằng công nghệ tự động hóa sẽ không lấy đi việc làm của các lao động trong ngành sản xuất.
Robot Colossus đóng góp vào chiến dịch “giải cứu” Nhà thờ Đức Bà. (Nguồn: EPE)
Robot Colossus đóng góp vào chiến dịch “giải cứu” Nhà thờ Đức Bà. (Nguồn: EPE)
Ông lấy ví dụ Trung Quốc, quốc gia đang khẩn trương triển khai các robot công nghiệp với 650.000 robot đi vào hoạt động riêng trong năm 2018. Ngành chế tạo, sản xuất nước này đã mất 12,5 triệu việc làm trong giai đoạn 2013-2017.
Ông Frey lưu ý công nghệ từng góp phần tạo việc làm trước đây nhưng điều này sẽ khó xảy ra trong thế giới số hóa.
Chuyên gia Frey cảnh báo mối lo ngại robot cướp đi việc làm của người lao động gia tăng khi nỗi lo sợ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 qua đi.
Theo một nghiên cứu của Đại học IE của Tây Ban Nha, Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ “nỗi sợ hãi robot” trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ủng hộ hạn chế công nghệ tự động hóa tại Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng này xảy ra chỉ là 27%, nhưng đã tăng gấp đôi lên 54% sau khi đại dịch bùng phát.
Trung Quốc đang tiến gần hơn với Pháp, vốn là nước phản đối mạnh nhất kỹ thuật tự động, với 59% số ý kiến người dân tham gia khảo sát  muốn hạn chế công nghệ này.
Nghiên cứu cũng cho thấy thái độ “không mặn mà” với ngành tự động hóa gắn liền với tuổi tác và trình độ giáo dục. Càng những người trẻ tuổi và trình độ giáo dục thấp thì càng có thái độ “tẩy chay” robot.
Robot không chỉ được cho là cướp đi kế sinh nhai của các lao động trong ngành chế tạo, giới chuyên gia cảnh báo sự tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đang ngày càng đe dọa đến việc làm của nhân viên văn phòng.
Nhà nghiên cứu Muro nhấn mạnh: “Không có nhóm lao động nào có thể hoàn toàn miễn nhiễm trong khoảng thời gian này.”
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mức độ tự động hóa cao sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng. Singapore và Hàn Quốc đều là những nước hàng đầu thế giới về việc triển khai nhiều robot so với quy mô của lực lượng lao động, nhưng các nước này vẫn có tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Theo Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm