Rào giậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngôi nhà ở nông thôn dù to hay nhỏ đều có rào giậu. Hàng rào, bờ giậu vừa là những ranh giới, vừa để bảo vệ khu vườn. Ngoài ra, rào giậu còn làm đẹp sân nhà, làm đẹp đường làng, ngõ xóm, góp phần tô điểm bức tranh làng quê Việt.
Hàng rào được trồng bằng cây sống nên có màu xanh quanh năm. Phía sau và hai bên vườn trồng cây gì cũng được, quê tôi phổ biến là dứa dại, chủ yếu là để chống sạt lở cái bờ đất chứ không vì bảo vệ khu vườn. Nhưng phía trước phải trồng loài cây nào cho đẹp, thường là chè tàu, duối hoặc râm bụt. Chè tàu lớn nhanh, cành mềm, dễ cắt tỉa theo ý muốn. Duối chậm phát triển, lá nhám, nhưng sống được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thân chắc, tuổi thọ cao nên cũng được lựa chọn. Râm bụt mộc mạc, ít tốn công chăm sóc, hoa nở đỏ rực trên “dải lụa” xanh rất bắt mắt. Ngày thường, hàng rào rậm rạp, phải gần dịp lễ, Tết mới được phát dọn, cắt tỉa cho đẹp.
Vì rào bằng cây xanh mà chó, mèo, gà, vịt từ vườn này tự do sang vườn khác kiếm ăn; gà trống theo mái “ngủ lang” cả đêm không về, để tờ mờ sáng hôm sau, chủ theo tiếng gáy đi tìm khắp xóm. Rào như thế nên gia chủ “khó đuổi gà” mỗi khi “bạn đến chơi nhà”. Trẻ con thì chui rào qua lại rủ nhau đi chơi. Người lớn cần gì trao đổi qua bờ rào cho tiện. Rào nhưng không chia cách, hàng xóm, láng giềng vẫn thấy gần gũi, thân tình!
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Vườn ở quê còn có một kiểu hàng rào khác làm bằng “tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân, vườn” gọi là giậu. Thực ra, giậu làm bằng cây gì cũng được: cây gỗ nhỏ chặt từ rừng hay tre, trúc chặt trong vườn đều tốt. Giậu trước sân bao giờ cũng hướng đến tính thẩm mỹ. Chọn cây thẳng, chắc, đan cắm chéo tạo thành hình thoi đứng rất đẹp. Hai bên ngõ, lưng giậu cao hơn, nhìn giống như hai cánh cổng nhưng không bao giờ khép. Trên giậu là các loài dây leo có hoa, dọc theo chân giậu thường là luống hoa mười giờ. Từ ngõ vào sân quanh năm hoa nở đủ sắc màu.
Không chỉ để làm đẹp, giậu như một cô gái quê đảm đang mùa nào việc ấy, từ sớm đến khuya. Ở phía sau vườn, giậu ngăn không cho gia súc, gia cầm vào khu vực trồng rau. Mùa gặt thì phơi rơm rạ. Những bó rạ úp lên bờ giậu trông như lũ trẻ xếp hàng chơi trò “rồng rắn lên mây”. Mấy xâu củ mì, xâu bắp treo lủng lẳng, vụng về phơi khô để dành ăn vào thời gian giáp hạt. Giậu gắn bó với những đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày: gần giàn nước thì treo cái nồi, cái chảo; cạnh giếng thì móc cái gàu, vắt tạm áo quần khi giặt; chỗ có nắng thì phơi mền, chiếu. Bờ giậu cũng là nơi người ta thường trồng mồng tơi để lấy lá nấu canh. Lúc tươi tốt “mồng tơi xanh rờn”, khi khô hạn thì “rớt mồng tơi”, thậm chí “mồng tơi không kịp rớt”. Cũng có lúc “giậu đổ bìm leo”!
Bây giờ, hầu hết hàng rào ở làng quê được xây bằng gạch hoặc giăng thép gai. Chia khoảnh trong vườn thì dùng lưới sắt vừa chắc vừa tiện. Nhà nào muốn giảm vẻ khô cứng của xi măng, sắt thép thì trồng các loại dây leo phủ lên có hoa vừa đẹp vừa mát mắt. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy cũng chỉ như chiếc áo khoác chứ không gần gũi, thân thiện, không thể hiện được cái hồn quê một thuở.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.