Quan tâm tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, Gia Lai có hàng ngàn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an nhân dân trở về địa phương. Các tổ chức Đoàn-Hội trong tỉnh đã triển khai các chương trình tư vấn giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, giúp họ có công việc và thu nhập ổn định.

Với việc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: trao tặng mô hình sinh kế, tư vấn, giới thiệu việc làm… các tổ chức Đoàn-Hội đã trở thành địa chỉ tin cậy của bộ đội xuất ngũ, giúp họ ổn định cuộc sống.

Điểm tựa của bộ đội xuất ngũ

Hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân và trở về địa phương vào tháng 2-2024, anh Đinh Yiêm (SN 2002, làng Kuk Đak, xã An Thành, huyện Đak Pơ) được Đoàn xã hỗ trợ mô hình sinh kế để phát triển kinh tế.

Theo đó, Đoàn xã vận động được 10 triệu đồng mua 6 con heo đen trao tặng anh Yiêm. Từ số tiền tích lũy sau 2 năm tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, anh Yiêm dùng để mua vật liệu; đoàn viên thanh niên làng Kuk Đak hỗ trợ ngày công giúp xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Anh Yiêm còn được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Nhờ được trang bị về kiến thức, kỹ năng, anh Yiêm chăm sóc đàn vật nuôi khá tốt, heo giống đã sinh được 6 con heo con.

Anh Yiêm chia sẻ: “Sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ tại Công an huyện Kbang, tôi được Đoàn xã An Thành tặng mô hình sinh kế để lập nghiệp ngay tại quê hương. Tôi sẽ nỗ lực phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống”.

doan-xa-an-thanh-tang-mo-hinh-sinh-ke-cho-anh-dinh-yiem-o-giua.jpg
Đoàn xã An Thành tặng mô hình sinh kế cho anh Đinh Yiêm (ở giữa). Ảnh: M.N

Nhờ sự quan tâm của tổ chức Đoàn, anh Võ Văn Thương (SN 1994, tổ 3, thị trấn Đak Pơ) cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 1 ha chanh dây và 2 ha mía. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn Bộ binh 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), năm 2017, anh Thương được bố mẹ cho 1 ha đất để trồng rau củ quả.

Nhằm hỗ trợ anh trên con đường khởi nghiệp, Đoàn thị trấn Đak Pơ nhờ cán bộ nông nghiệp của xã hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và kết nối giới thiệu nông sản đến các nhà hàng, chợ đầu mối.

Với sự cần cù, chịu khó, mô hình kinh tế của anh Thương ngày một phát triển, cho thu nhập ổn định. Tích góp được đồng vốn nào, anh lại tiếp tục đầu tư mua thêm đất để trồng mía. Đầu năm 2024, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn thị trấn quản lý, anh Thương được vay vốn 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua vật tư nông nghiệp phát triển mô hình trồng chanh dây. Với 2 ha mía và 1 ha chanh dây, anh Thương có thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

nho-su-quan-tam-cua-to-chuc-doan-anh-vo-van-thuong-co-dieu-kien-mo-rong-quy-mo-phat-trien-kinh-te-co-thu-nhap-on-dinh.jpg
Nhờ sự quan tâm của tổ chức Đoàn, anh Võ Văn Thương có điều kiện mở rộng quy mô phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định. Ảnh: M.N

Từ năm 2021 đến nay, anh Thương đảm nhận vai trò Bí thư Chi Đoàn tổ dân phố 3. Những hoạt động, chương trình như: Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Xuân tình nguyện… do Chi Đoàn tổ chức đã tạo sự gắn kết giữa các đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, anh Thương làm tốt công tác vận động thanh niên lên đường nhập ngũ.

Anh Thương tâm sự: “Môi trường quân đội rèn cho tôi tính kỷ luật cao, tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết. Quá trình lập nghiệp gặp không ít khó khăn song tôi không bỏ cuộc. Để vận động thanh niên tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, tôi cùng cán bộ Đoàn thị trấn và cán bộ quân sự địa phương gặp gỡ, động viên và giới thiệu chính sách của Đảng, Nhà nước, quyền lợi của quân nhân trong thời gian tại ngũ.

Đối với thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương thì kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có hình thức hỗ trợ phù hợp”.

Quan tâm giới thiệu việc làm

Ngày 13-1, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) tổ chức Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2025” cho các chiến sĩ của Trung đoàn 38 (Sư đoàn Bộ binh 2).

Tại ngày hội, nhiều doanh nghiệp, trường nghề ở tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Dương, TP. Đà Nẵng đã được mời đến tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, trong đó có Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Trường Cao đẳng Gia Lai, Công ty Xuất khẩu lao động MD Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và dịch vụ du lịch vận tải thủy miền Nam…

1-1975.jpg
Các chiến sĩ Trung đoàn 38 (Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5) được tư vấn hướng nghiệp trước khi xuất ngũ. Ảnh: M.N

Đại diện các doanh nghiệp đã giới thiệu chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; định hướng những ngành nghề phù hợp với khả năng, lứa tuổi; phân tích thị trường lao động; kỹ năng tìm kiếm việc làm cho người lao động; hướng dẫn sử dụng “thẻ học nghề” cho bộ đội xuất ngũ; một số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Ngày hội tư vấn giúp các chiến sĩ có sự lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp với bản thân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Những băn khoăn, thắc mắc về lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cũng được đại diện các doanh nghiệp tư vấn, giải đáp cặn kẽ. Ngày hội cũng là dịp để tổ chức Đoàn-Hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ vừa hoàn thành nghĩa vụ xuất ngũ.

Trường Cao đẳng Gia Lai là 1 trong 10 đơn vị có gian hàng tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 38. Ông Bùi Đức Dũng-Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Cao đẳng Gia Lai-cho rằng: “Thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có ý thức kỷ luật, sức khỏe đáp ứng yêu cầu lao động của các doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Gia Lai cũng có nhiều quân nhân xuất ngũ đang theo học nghề: cơ khí, công nghệ-kỹ thuật, điện dân dụng, điện công nghiệp… Sau khi tốt nghiệp, nhiều người tìm được việc làm ổn định ở các công ty trong và ngoài tỉnh”.

Được đơn vị tạo điều kiện tham gia phiên giao dịch việc làm, binh nhất Kpă Y Thỏ (SN 2001, Đại đội 16, Trung đoàn 38) đã tranh thủ tìm hiểu thông tin việc làm và đào tạo nghề. Anh Thỏ bày tỏ: “Nhà tôi ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa. Trong 2 năm tham gia quân ngũ, tôi được trui rèn nên trưởng thành và tự tin hơn. Sau khi được định hướng, tư vấn, tôi lựa chọn học lái xe tải tại Trường Cao đẳng Gia Lai.

Những năm qua, công tác định hướng việc làm cho quân nhân xuất ngũ được Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku quan tâm triển khai. Sáng 15-1, Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho hơn 100 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.

Tại chương trình, các thanh niên được trải nghiệm ngành nghề pha chế do chị Nguyễn Thị Thanh Tâm-Giám đốc Trung tâm Pha chế BCA hướng dẫn.

thanh-doan-hoi-lhtn-viet-nam-tp-pleiku-moi-don-vi-tu-van-gioi-thieu-viec-lam-cho-thanh-nien-xuat-ngu.jpg
Thành Đoàn-Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku mời đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên xuất ngũ. Ảnh: M.N

Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku-cho hay: “Để chuẩn bị đón nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, các đơn vị tổ chức định hướng, giới thiệu việc làm nhằm giúp quân nhân sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. Đây cũng là giải pháp động viên, cổ vũ thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an hàng năm”.

Theo thông tin từ Hội LHTN Việt Nam tỉnh, năm 2024, các tổ chức Đoàn-Hội trong tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 13.916 lượt thanh niên, trong đó có 1.066 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.

Trao đổi với P.V, anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh-thông tin: Tư vấn và giới thiệu việc làm cho chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Làm tốt công tác tư vấn-hướng nghiệp không chỉ giúp thanh niên xuất ngũ có việc làm ổn định mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp lực lượng lao động có ý thức trách nhiệm, kỷ luật.

Có thể bạn quan tâm

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.