Quản lý phương tiện đường thủy nội địa ở Ia Grai: Nhiều bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người lái thuyền chưa từng qua đào tạo thuyền viên; bến phà, luồng tuyến trên sông, hồ thủy điện chưa có… Vậy nhưng, hàng chục phương tiện đường thủy nội địa vẫn hoạt động tấp nập hàng ngày trên khu vực lòng hồ thủy điện ở huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai).
Những bến đò... “nhiều không”
Cứ tầm 7 giờ sáng, bến đò làng Mít Chép (xã Ia O) lại nhộn nhịp với hàng chục người túm tụm chờ nhau để lên tàu qua đảo Độc Lập (một khu đất nổi giữa lòng hồ Thủy điện Sê San 4) để làm rẫy. Cuối mùa mưa, cỏ vườn tốt ngập, lại sắp bước vào vụ thu hoạch nên ai cũng nóng ruột muốn qua đảo sớm.
Chiếc thuyền máy của anh Siu Phới (làng Mít Chép) trông còn khá mới và chắc chắn. Anh Phới nói: “Mình mua nó từ năm 2011 tại một cơ sở sản xuất gần nhà với giá hơn 40 triệu đồng. Ban đầu, mình nhờ mấy người biết lái trong làng chỉ cho cách lái, rồi tự tập thêm. Tập một chút là lái được thôi”. Từ lúc sắm thuyền máy đến nay, anh Phới thường xuyên chở người thân quen qua đảo Độc Lập. “Ngày nắng ráo không mấy khó khăn, chỉ sợ nhất những hôm trời nổi gió. Ra giữa hồ, sóng rất lớn. Nhiều lần đi giữa chừng gặp gió lớn quá, mình phải tấp thuyền vào bờ trú tạm, đợi êm gió mới dám chạy tiếp”-anh Phới kể.
Phần lớn phương tiện đường thủy nội địa ở huyện Ia Grai chưa được đăng kiểm, đăng ký. Ảnh: L.H
Phần lớn phương tiện đường thủy nội địa ở huyện Ia Grai chưa được đăng kiểm, đăng ký. Ảnh: L.H
Sau khi kiểm tra số lượng người, anh Phới bắt đầu cho mọi người lên thuyền. Người lớn, trẻ nhỏ và lỉnh kỉnh đồ đạc chất trên chiếc thuyền máy. Hơn chục con người nhưng trên thuyền chỉ vỏn vẹn 3 chiếc áo phao, ngoài ra không có thiết bị cứu hộ nào khác. Chỉ vài phút sau khi nổ máy, chiếc thuyền đã lẫn vào khoảng xanh mênh mông đến ngộp thở của mặt nước hồ thủy điện. Mấy chiếc thuyền máy khác cũng lần lượt rời đi, bến đò dần trở về cảnh yên ắng…
Cách đó không xa, bến đò làng Dăng (xã Ia O) cũng nhộn nhịp không kém. Ông Phạm Liêm (làng Dăng) đã có 9 năm điều khiển chiếc thuyền máy 7 sức ngựa. Vì thuyền nhỏ, ông chủ yếu dùng chở người nhà và thi thoảng đón vài cháu học sinh quen đưa về đảo Độc Lập giúp bố mẹ chúng. Cũng giống anh Phới, ông Liêm tự sắm thuyền máy, tự học lái thuyền. “Áo phao chỉ được cấp 1-2 chiếc nên tôi có trang bị thêm trên thuyền ít can nhựa, thùng xốp để làm phao bơi phòng khi bất trắc”-ông Liêm cho hay.
Theo ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O, toàn xã hiện có 67 phương tiện đường thủy nội địa, tất cả đều chưa đăng kiểm, đăng ký theo quy định. Trên địa bàn xã có 4 bến đò ở làng Mít Chép, làng Dăng (bến Trạm xá), đội 18 và bến đò 6 nhưng đều tự phát. Về người lái thuyền, theo ông Nghiệp thì hầu hết chưa từng học qua các lớp đào tạo thuyền viên. “Biết nguy hiểm chứ vì có những lúc thuyền chở hàng chục người. Xã, huyện, cán bộ Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) về tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn bà con hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết nhưng vẫn chưa đi đến đâu vì lâu nay người dân đi lại bình thường, họ chưa thấy bất trắc, bởi vậy không thiết tha”-Chủ tịch UBND xã Ia O chia sẻ.
Sẽ đưa các phương tiện vào hoạt động quy củ
Giữa tháng 9 vừa qua, Thanh tra Sở GT-VT phối hợp UBND xã Ia O đã tổ chức phát động ký cam kết đối với 67 chủ phương tiện đường thủy nội địa về chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Sở GT-VT đã trao tặng 100 chiếc áo phao cứu sinh, cấp phát hàng trăm tờ rơi truyền thông vận tải đường thủy nội địa an toàn cho chủ phương tiện và người dân xã Ia O.

Huyện Ia Grai hiện có 146 phương tiện đường thủy nội địa hoạt động, tập trung tại 3 xã: Ia Grăng, Ia Khai và Ia O. Các phương tiện này hoạt động trên lòng hồ thủy điện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân qua khu vực vườn rẫy sản xuất vốn không thể tiếp cận bằng đường bộ hoặc dùng đánh bắt cá.
Theo ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở GT-VT), thời gian qua, việc quản lý các phương tiện đường thủy nội địa luôn được ngành GT-VT, chính quyền huyện Ia Grai quan tâm. “Hầu hết phương tiện đều được người dân mua sắm tự phát, không có thiết kế kỹ thuật để thực hiện các thủ tục đăng kiểm, đăng ký. Tuy nhiên, để hỗ trợ tối đa cho người dân, Sở GT-VT đã phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) mời cán bộ về khảo sát, kiểm tra thực tế các phương tiện tại huyện Ia Grai và thiết kế nên 4 mẫu định hình. Việc này được thực hiện bằng kinh phí của Sở, hoàn toàn không thu tiền của chủ phương tiện. Sau khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định và phê duyệt các mẫu định hình, Chi cục Đăng kiểm số 4 sẽ dùng làm căn cứ để thực hiện đăng kiểm. Về đào tạo thuyền viên, Sở đã liên hệ với một số cơ sở đào tạo về khảo sát nhu cầu học. Tuy nhiên, hầu hết chủ phương tiện lại không mặn mà vì ngại tốn tiền. Với việc thực hiện đăng kiểm, các chủ phương tiện cũng than khó khăn về kinh phí thực hiện”-ông Kiên cho biết.
Nói về công tác xử lý các phương tiện, ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Sở GT-VT-cho rằng: Khó khăn lớn nhất hiện nay là các phương tiện tàu thuyền chưa được đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển chưa được cấp phép theo quy định. Về hạ tầng giao thông đường thủy cũng chưa có bến đường thủy nội địa, chưa công bố luồng tuyến trên sông, hồ… Một thời gian dài, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã có động thái tích cực đốc thúc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ phương tiện hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, nếu vẫn cứ kéo dài tình trạng hoạt động không đảm bảo, chúng tôi sẽ xử lý để đưa các phương tiện này hoạt động quy củ, nền nếp, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. “Về lâu dài, địa phương nên xây dựng một số bến đò tại những vị trí thuận lợi, công bố luồng tuyến trên sông, hồ… để việc đi lại, neo bến, quản lý được thuận lợi”-ông Mạnh nêu giải pháp.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.