Quà của phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu có ai đặt câu hỏi: Đến Gia Lai vào thời điểm nào thì đẹp và thích hợp nhất? Không ngần ngại, tôi trả lời ngay: Gia Lai, những tháng cuối năm đang vào mùa đẹp nhất. Mùa hoa, mùa lễ hội nở rộ trên cao nguyên xanh.
Thật ra, vùng đất phía Bắc Tây Nguyên chỉ có 2 mùa mưa-nắng. Mùa mưa là đặc trưng của vùng đất này, có những năm mưa rả rích kéo dài hàng 6 tháng trời, cả ngày không thấy mặt trời. Nhiều năm nay, lượng mưa ít đi nhiều, thời gian mưa ngắn hẳn lại. Sau những ngày mưa, phố núi như khoác lên mình một chiếc áo mới, xinh xắn, xanh mát và rực rỡ hơn bởi sắc hoa. Thời điểm này, mỗi ngày có đủ 4 mùa, như một món quà thú vị mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất này.
Sáng sớm, khi sương còn vương trên đồi, người công nhân hái chè cặm cụi làm việc, phía trên là hoa muồng vàng đang nở rộ là món quà tuyệt đẹp những ngày đầu đông mà thiên nhiên ban tặng cho cao nguyên Pleiku. Mùa hoa lại gắn với mùa lễ hội trên miền đất Tây Nguyên xa thẳm. Trải qua 2 mùa lễ hội, núi lửa Chư Đang Ya (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) là điểm đến không thể thiếu nếu du khách có dịp đến với Gia Lai vào những tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất dành tặng du khách yêu vùng đất này đến tham quan, trải nghiệm và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất giữa mênh mang đại ngàn.
Quà của phố còn là những con dốc nhỏ đổ chùng cánh võng, sương mù giăng lối. Mỗi con dốc là một nỗi nhớ của những ai đã yêu và gắn bó với mảnh đất này. Ngày nay, thành phố đã hiện đại, sang trọng hơn, nhưng những con dốc vẫn thanh bình, vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi cho người Pleiku ở nơi xa!
Con đường thông “Biển Hồ chè”. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Con đường thông “Biển Hồ chè”. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Quà của phố còn có những hàng thông ba lá, loài cây đã được xem là biểu tượng thực vật của đô thị. Thông có tác động tích cực đến môi trường sống khi có khả năng thanh lọc không khí và cải thiện khí hậu, chẳng thế mà thông dần đang được phủ xanh thành phố, thông hiên ngang, vững chãi qua bao thăng trầm.
Ngay trong nội thành Pleiku hiện có 2 hàng thông cổ thụ còn giữ được khá nguyên vẹn những nét hồn chất của thông phố núi, nằm ngay hẻm 11 đường Nguyễn Văn Cừ. Vào mỗi buổi sáng sớm tinh mơ hay tan chiều, dòng người đi/về, lúc thong dong, bình yên giữa những hàng thông lặng lẽ, ngắm nhìn bầu trời xanh trong biêng biếc bỗng thấy lòng nhẹ nhàng biết bao. Đôi lúc lại vội vã giữa guồng quay cuộc sống chỉ kịp khẽ chạm vào những nhánh thông vươn cao, kiêu hãnh. Một bến an yên làm nên một phố núi mộng mơ, xinh đẹp.
Hai bên đường dẫn xuống Biển Hồ tựa như bức tranh thủy mặc với ngút ngàn thông xanh vi vu trong gió, giữa lung linh nắng vàng và rộn tiếng chim ca là nỗi nhớ khôn nguôi của bao thế hệ. Ta cũng không thể bỏ qua hàng thông vô cùng ấn tượng nằm ở Biển Hồ chè cách trung tâm thành phố chừng 15 km. Giữa một con đường nhỏ, hai bên đường hàng thông lá kim phủ kín như đang chào đón du khách thập phương.
Nếu có dịp đặt chân đến Pleiku hôm nay, đừng để lời bài hát “Còn chút gì để nhớ” ám ảnh mà buồn. Ngày ấy, nhà thơ Vũ Hữu Định viết về một Pleiku buồn lãng đãng, thưa vắng: “Phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ…”.
Giờ đây, Pleiku đổi thay nhiều lắm, từ diện mạo thành phố đến những người con của phố. Riêng phố về đêm còn là một món quà thi vị dành cho những người con trót yêu thành phố bé xinh này. Trái ngược với vẻ đẹp khỏe khoắn cùng nhịp sống trẻ trung, sôi động khi bắt đầu một ngày mới, đêm đến là khoảng thời gian cả thành phố bỗng trở nên huyền ảo và quyến rũ lạ thường. Phố lên đèn như khoác một tấm áo mới lung linh, kỳ ảo những tháng cuối mùa khô. Một buổi tối ở Phố núi Pleiku với nhiều góc nhỏ an nhiên nhưng không kém phần hiện đại thật sự khiến ta thấy thích thú.
VÕ THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.