Hoài niệm Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku là một vùng đất lạ, có thể nói rất lạ. Ai đã từng đến đây sống một thời gian rồi ra đi, bao giờ cũng có chút hoài niệm, luyến nhớ.
Vì công việc, tôi thường đi công tác ngoài tỉnh. Những lúc như thế, tranh thủ thời gian, hoặc là tôi tự tìm đến với những người từng sống ở Pleiku hoặc là họ tìm đến với tôi. Tùy mức độ thân sơ mà câu chuyện có thể dài ngắn, sâu đậm khác nhau, nhưng điểm chung của những cuộc gặp ấy luôn vui và có chút bùi ngùi khi kết thúc.
Một cụ ông về hưu rời Pleiku theo chân các con vào một tỉnh miền Nam sinh sống, gặp nhau, ông bảo: “Tôi vẫn xem ti vi đều, lâu lâu có được chút tin tức về Gia Lai thì mừng lắm. Bạn bè tôi vẫn còn ở Pleiku cả. Ai cũng có điện thoại, nhưng điện thoại làm sao thể hiện hết được bằng hình ảnh. Pleiku mình thay đổi nhanh quá. Nhà cửa ngày càng đẹp, đường sá ngày càng được tu sửa thông thoáng và hiện đại hơn. Tôi ở trong này được cái nóng ấm, lợi cho sức khỏe. Nhưng mà nói thật, nhớ Pleiku anh ạ. Buổi sáng ở Pleiku mình rất khác. Ngủ dậy, tập thể dục, đi ăn một cái gì đó, rồi nhẩn nha cà phê với bạn bè. Có tiếng chim và rất nhiều hoa lan. Thật yên bình, chẳng ở đâu có được... Năm ngoái, tôi về Pleiku chơi, một tuần liền dạo quanh Quảng trường Đại Đoàn Kết, ngắm người qua lại cùng cây xanh và cỏ xanh mà vui”.
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Một người là cựu học sinh Trường Trung học Plei Me trước năm 1975 kể tôi nghe những chuyện mà bà “cam đoan chỉ thế hệ này mới có”. Tôi đáp lời bà: Đúng vậy, mỗi thế hệ đều có những bí mật mà giờ đây dù internet đã lan tỏa đến hang cùng ngõ hẻm rồi thì không phải mọi thứ đều được công khai.
Bà kể, sau năm 1975, lứa học sinh cuối cấp hồi ấy, mỗi người một số phận, nhưng tình cảm bạn bè, thầy cô thì vẫn vậy. Có thể, do được đi học trong hoàn cảnh chiến tranh, được lớn lên cùng những khó khăn của đất nước nên những con người ấy luôn xích lại gần nhau.
Hàng chục năm qua, nhiều chị em đã lặng lẽ trở về nơi mình được sinh ra và lớn lên. Những khi ấy, chúng tôi lại cùng nhau ghé thăm trường cũ. Dù tất cả đã đổi thay nhưng khi nhìn thấy các cháu học sinh nô đùa dưới tán phượng, chúng tôi lại thấy lòng mình bồi hồi, nhớ về một thời áo trắng. Pleiku mình xưa được mệnh danh là nắng bụi, mưa bùn. Anh biết không, một người ở xa về đây đã “ao ước” với tôi rằng: “Tao thèm một buổi như thời đi học. Mấy đứa đan tay nhau ngược chiều gió và bụi đỏ mày ạ!”.
Pleiku là một vùng đất lạ, có thể nói rất lạ. Ai đã từng đến đây sống một thời gian rồi ra đi, bao giờ cũng có chút hoài niệm, luyến nhớ. Nhiều người ra đi rồi trở về, cũng có người vì những lý do khác nhau, sống ngoài Pleiku nhưng vẫn canh cánh nhớ về nơi này. Pleiku không giàu song lại có sức hút đối với nhiều người. Bằng một cách nào đó, Pleiku bao dung luôn dành cho tất cả mọi người cơ hội để sống, học tập và làm việc. Có lẽ điều đó khiến miền đất này trở thành nỗi nhớ không nguôi ngoai trong lòng những người đi xa.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Công an tỉnh Gia Lai tăng tốc triển khai Đề án 06

Công an tỉnh Gia Lai tăng tốc triển khai Đề án 06

(GLO)- Công an tỉnh Gia Lai là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của tỉnh.
Nhớ bok Núp

Nhớ bok Núp

(GLO)- Nhiều người và nhiều hãng thông tấn báo chí chụp ảnh Anh hùng Núp. Trong đó, bức ảnh “Bok Núp” của anh Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) được nhận xét là một trong những bức chân dung đẹp nhất.

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Bok Núp được biết đến nhiều với vai trò là một vị anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, tôi lại muốn kể về một bok Núp ở làng-một già làng, một nông dân thực thụ, một người yêu và thấm đẫm chất văn hóa Bahnar.