Câu cá trên biển đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày cuối tháng 12-2011, đầu tháng 1-2012, chúng tôi có dịp lênh đênh cả tháng trời cùng con tàu HQ 936 để đưa hàng Tết đến với Trường Sa. Sóng to, gió cả liên tục đeo bám trong suốt hành trình, song vẫn có những lúc biển thật dịu dàng. Vừa lúc tàu neo. Và đó cũng là những giây phút thư giãn đầy phấn khích của toàn tàu với “bộ môn” câu cá.

Cá mập “dính bẫy”

Vừa buông hàng trăm mét dây cước cùng lưỡi câu và mồi câu xuống lòng biển vào một buổi chiều khá yên tĩnh, Trung úy Lê Quốc Dương- Tổ phó tổ phục vụ hậu cần hào hứng cho hay, anh có đến 3 bộ đồ câu “chuyên nghiệp”, bộ dài nhất có đến 300m cước. Với kinh nghiệm nhiều năm cùng sóng gió Trường Sa, anh biết lúc nào thì câu nổi, lúc nào thì câu đáy. “Lúc biển lặng thì câu đáy, lúc biển hơi động thì câu nổi. Câu nổi chỉ cần 30-35 mét cước, ngược lại thì phải 150-250 mét cước và cục chì phải nặng 0,5-1 kg”.

Một chú cá mập mắc câu và bị kéo lên boong tàu. Ảnh: Phương Duyên
Một chú cá mập mắc câu và bị kéo lên boong tàu. Ảnh: Phương Duyên

Bỗng nhiên, Trung úy Dương khẽ giật dây và nói: “Cá dính rồi!”. Dây cước được kéo lên với vẻ bình tĩnh, chậm rãi chứ không hối hả vội vàng. Hình như cá to. Hàng chục người cùng dồn về mạn tàu và đổ mắt nhìn xuống mặt biển lặng lờ chờ đợi. Phải mất đến chục phút sau thì mới dần dần thấy rõ hình dáng chú cá không may đang bị kéo lên sát với mặt nước. Khi nó giãy giụa hòng thoát khỏi lưỡi câu và để lộ hàm răng lởm chởm cùng những khe mang dọc hai bên đầu, những thủy thủ dạn dày kinh nghiệm cùng kêu lên: Cá mập!

Cả tàu lập tức xôn xao như vỡ chợ; hàng chục con người cùng chồm về một phía để được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy khiến con tàu dường như nghiêng hẳn về một phía. Cùng lúc, một chiếc khấu bằng tre, một đầu là móc sắt có ngạnh nhanh chóng được đưa đến để lôi cá lên boong tàu. Nước bắn tung tóe khi con cá mập bất lực quẫy đuôi vào không khí. Sự xôn xao ban đầu đã biến thành tiếng reo hò khắp tàu.

Song, với trọng lượng ước chừng hơn chục ký và sức quẫy mạnh, con cá mập lại… rơi tõm xuống đại dương trong tiếng ồ lên đầy tiếc nuối của cả tàu.  

“Biển Đông mình giàu đẹp lắm…”

Chuẩn bị vợt cá chuồn, loài
Chuẩn bị vợt cá chuồn, loài "thiêu thân của biển". Ảnh: Phương Duyên

Chính vì sự sôi nổi, hào hứng cao độ đến mức có thể tập hợp toàn tàu nên câu cá trở thành thú tiêu khiển rất được ưa chuộng trên những chuyến tàu ra Trường Sa. Ai mà không muốn thưởng thức cảm giác được một lần thả câu ngay giữa trùng khơi như một ngư dân thứ thiệt. Những lúc biển hơi động thì câu được không ít cá thu, cá thu bè, cá thu ngừ đại dương, cá măng, cá nhồng…; còn khi biển êm thì bội thu cá hồng, cá lượng, cá mú, cá ma, cá nhám, cá xạo, cá dưa…

Trung úy Nguyễn Hữu Kiên- nhân viên ngành máy của tàu HQ 936, người lênh đênh với tàu đã 8 năm nay và rất mê câu cá, cho hay, lần anh câu được cá to nhất là một chú cá mú nặng đến 70 kg. Một bạn câu khác của anh có lúc câu được con cá mập nặng đến gần 3 tạ! Không chỉ là thú vui, mà cá câu lên một phần được dùng để cải thiện bữa ăn trên tàu, phần khác bỏ vào hầm lạnh để sau này làm quà cho người thân. Vì vậy, có những hôm thủy thủ kiên nhẫn chong mắt câu cá đến tận 2-3 giờ sáng.

Niềm vui của thủy thủ khi câu được cá mú Hồng Kông, một đặc sản của biển. Ảnh: Phương Duyên
Niềm vui của thủy thủ khi câu được cá mú Hồng Kông, một đặc sản của biển. Ảnh: Phương Duyên

Một kinh nghiệm truyền miệng của thủy thủ khi có cá nặng đến vài chục ký dính câu là “khi nó cương thì mình phải nhu, khi nó nhu thì mình cương, nếu không thì… già néo đứt dây”. Trung úy Lê Quốc Dương phân tích: Cá lớn sống ở độ sâu vài trăm mét khi thay đổi áp suất đột ngột sẽ bị nổ bong bóng (trừ cá mập), do đó sẽ nổi nhanh hơn và yếu dần đi; vì vậy khi cá vùng vẫy vì mắc câu, cần phải thu cước từ từ hoặc có khi phải thả bớt cước, chờ khi cá yếu đi thì mới kéo lên. “Chuyến này biển động nhiều nên ít cá, những chuyến trước có khi chúng tôi câu được đến 1-2 tạ cá một đêm”- Trung úy Dương vui vẻ chia sẻ.

Tuy nhiên, có loài cá chẳng cần câu vẫn tự động “xin chết”, đó là cá chuồn. Đêm, từ cabin chính, ánh đèn pha bật lên ngay hai bên sườn tàu chiếu thẳng hai luồng sáng chói lòa xuống mặt biển đen đặc. Bị mê hoặc bởi ánh sáng, chỉ chừng mươi phút sau, vô số cá chuồn như đám thiêu thân từ mặt nước phóng vọt lên, “bay” trên mặt biển như chim, có con còn đâm thẳng lên sàn tàu khiến những tiếng reo vui rộ lên bất ngờ và phấn khích. 3-4 chiếc vợt cỡ đại cứ thế mà ung dung vợt cá. Có con nhanh chóng biến thành món cá nướng muối ớt thơm lừng, có con lại thành mồi để câu những loại cá lớn hơn.

Song, những đêm đẹp hơn cả trên biển có lẽ là những đêm có trăng. Ánh trăng mơ hoặc chan hòa trên mặt biển mênh mông vô tận. Trên boong tàu, tiếng đàn guitar bập bùng giữa trời đêm lồng lộng; hai bên mạn tàu, những cánh tay thủy thủ không ngừng buông cước hoặc vun vút kéo cá mắc câu. Cá thi nhau giãy đành đạch tươi rói trên sàn tàu. “Biển Đông mình giàu đẹp lắm. Đó là nguồn tài nguyên vô tận…”- Trung úy Lê Quốc Dương không giấu vẻ tự hào, niềm tự hào lớn lao của những người giữ biển.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Xét trong làng múa lân thế giới, lân đến từ VN luôn trong nhóm đầu (top 3). Nghề lân vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay phát triển rực rỡ, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi du nhập thêm kỹ pháp mới để hòa hợp thị hiếu hiện đại. Các đoàn lân nở rộ, nhưng nghề chế tác đầu lân thì hãn hữu, nhất là những dòng lân truyền thống.

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Chuyến đi Nhật lần này, tôi được thực hành trà đạo. Nghệ thuật uống trà thì nhiều nước có mà đầu tiên phải nhắc tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phải thấy là mặc dù chỉ là người tiếp thu nghệ thuật đó từ người Hoa nhưng người Nhật phát triển nó cao xa thêm nhiều khiến chỉ ở họ mới có Trà Đạo.

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD đã khiến những thế hệ cán bộ thanh tra một thời sống thanh liêm thấy nhói lòng. Ông Trần Cao Minh, sinh năm 1929, từng là thư ký Đoàn thanh tra của Chính phủ nhớ lại những năm tháng ấy.

Người mê mắm

Người mê mắm

Đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Một mình anh nghĩ, anh nhớ và đi tìm từ cái dầm gỗ chèo thúng, đến loại cây đập ra lấy nhựa trét đèn, từ đôi bầu gánh mắm đến cái ghim tre vá lưới... anh đi tìm, sưu tầm và tẩn mẩn bày ra. Một bảo tàng nghề cá bắt đầu manh nha.

Mù u ra phố

Mù u ra phố

Rong ruổi qua các đường thành phố, nhất là những khu đô thị mới, nếu quan sát sẽ nhận ra những hàng cây xanh bản địa gắn bó với quê hương.

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.