Chư Prông: Chú trọng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Prông đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên có ý tưởng khởi nghiệp tự tin phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Được hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp 50 triệu đồng, đầu năm 2019, chị Kpă Pheo (làng Briêng, xã Ia Boòng) đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi gà thả vườn. Chị Pheo chia sẻ: “Trước kia, mình cũng thử nghiệm mô hình trồng ớt nhưng không thành công. Sau này xem ti vi thấy nhiều người nuôi gà hiệu quả nên mình cũng học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn vay vốn để đầu tư. Ban đầu mình cũng lo lắm, sợ không hiệu quả sẽ không trả được số tiền đã vay đúng thời hạn”. Cũng theo chị Pheo, mỗi tuần 2 lần, chị cho gà uống nước tỏi, còn thức ăn chủ yếu là cám trộn với cây chuối xắt nhuyễn. Nhà chị có trồng chuối ở rẫy nên không lo nguồn thức ăn và cũng đỡ chi phí. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên đàn gà phát triển khỏe mạnh và từ đầu năm đến nay, chị đã bán gần 300 con với giá 80-100 ngàn đồng/kg. Từ tiền bán gà, chị đã mua sắm thêm các vật dụng trong gia đình như: ti vi, tủ lạnh... Ngoài ra, chị dành 5 triệu đồng để mua máy xắt cây chuối nhằm tiết kiệm thời gian chăm sóc đàn gà. “Đang mùa mưa nên mình không dám nuôi nhiều, chỉ duy trì khoảng 100 con thôi. Chờ đến tháng 9, mình sẽ tăng đàn lên khoảng 500 con gà thịt để bán Tết và nuôi thêm gà siêu trứng nữa”-chị Pheo cho biết.  
 Mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Kpă Pheo. Ảnh: P.D
Mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Kpă Pheo. Ảnh: P.D
Cũng chọn mô hình chăn nuôi để khởi nghiệp nhưng chị Lê Thị Thanh (thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng) lại chăn nuôi bò, vì chỉ tốn tiền đầu tư ban đầu và bỏ công chăn thả còn về sau không phải đầu tư nhiều. Cách đây 4 năm, gia đình chị đã đầu tư 1 trang trại nuôi hơn 10 con bò đồng thời chăm sóc 7.000 trụ hồ tiêu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên 5.000 trụ hồ tiêu của gia đình đã bị chết. Trong lúc khó khăn về nguồn vốn, gia đình chị được Hội tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay khởi nghiệp 50 triệu đồng trong thời hạn 3 năm. “Thời điểm đó, giá bò đang rẻ nên mình mua thêm được 2 cặp, trong đó có 1 con sắp sinh bê con. Sau hơn 1 năm, 4 con bò đã tăng lên thành 6 con và tổng đàn bò của gia đình hiện tại là 22 con”-chị Thanh phấn khởi nói.
Tương tự, nhờ vốn vay khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Hòa (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drăng) đã mở rộng diện tích trồng hồ tiêu. Dẫn chúng tôi xuống thăm vườn hồ tiêu 500 trụ đang phát triển của gia đình, chị Hòa cho biết, tiền dành dụm của gia đình chỉ đủ để trồng 1/2 diện tích vườn. Vì không muốn bỏ đất trống, lại muốn trồng luôn một lần cho tiện việc đầu tư, chăm sóc nên vợ chồng chị đã có lúc nghĩ đến việc vay mượn tiền bên ngoài. “Thật may, nhờ có số vốn vay do Hội hỗ trợ, mình đã không phải vay mượn bên ngoài, không phải lo đến việc trả lãi cao hàng tháng để yên tâm chăm sóc vườn cây”-chị Hòa bộc bạch. Bà Đinh Thị Tuyết-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Drăng thông tin thêm, ngoài chị Hòa, trên địa bàn xã còn có 2 hội viên, phụ nữ được vay vốn khởi nghiệp là Trần Thị Lan (thôn Hợp Hòa) với mô hình trồng măng tây; Nguyễn Thị Thơm (thôn Nhơn Hòa) với mô hình trồng cà phê. “Hội thường xuyên bám sát vừa tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế, vừa kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của hội viên có đúng mục đích hay không. Đến nay, cả 3 mô hình kinh tế của hội viên đều phát triển tốt”-bà Tuyết trao đổi.
Theo bà Trần Thị Lương-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Prông, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” hàng năm, Hội đều khuyến khích hội viên viết kế hoạch, ý tưởng khởi nghiệp gửi về Hội. Sau đó, Hội sẽ lựa chọn những ý tưởng khả thi để tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn. Từ năm 2018 đến nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân số tiền 950 triệu đồng cho 19 hội viên ở các xã: Ia Băng, Ia Drăng, Ia Vê, Ia Lâu, Ia Boòng và thị trấn Chư Prông vay. Tùy theo mô hình khởi nghiệp để có hình thức hỗ trợ vốn vay ngắn hạn, trung hạn. “Hàng năm, Hội sẽ tiến hành kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay kết hợp với kiểm tra công tác Hội. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, một số mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế”-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhấn mạnh.
 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

(GLO)- Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Khối Zét (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chị Siu Phớt không chỉ trách nhiệm với công tác Hội mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của địa phương.
Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối

Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối

Sẵn sàng nói "không" trước những nhiệm vụ không thuộc trách nhiệm của mình như một cách để cấp trên đánh giá mình là người làm việc có chọn lọc, sáng suốt. Đây cũng được coi là một trong những đặc trưng khi nói về phong cách làm việc của gen Z thời nay.
Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

Bí thư chi đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với đức tính năng động và sáng tạo, anh Cao Đình Khánh-Bí thư Chi Đoàn thôn Ia Lâm Tốk (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) đã trở thành điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương. Hiện nay, mô hình đa cây đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập mỗi năm trên 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí.