Xơ mướp 'đi Tây'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ sau 2 năm khởi nghiệp, các sản phẩm độc đáo từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã xuất ngoại và được ưa chuộng tại các thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu.
Chị Thư áo kẻ trong xưởng sản xuất sản phẩm từ xơ mướp

Chị Thư áo kẻ trong xưởng sản xuất sản phẩm từ xơ mướp

Bỏ việc, khởi nghiệp với xơ mướp

Tốt nghiệp ngành xây dựng dân dụng và đang làm giảng viên tại một trường Cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng, đầu năm 2022, chị Võ Thị Ngọc Thư bén duyên với xơ mướp và bắt đầu khởi nghiệp với loại phụ phẩm nông nghiệp độc đáo này. Thời điểm đó, công việc làm thêm của chị là hỗ trợ các doanh nghiệp bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Amazon. Sau đó chị quyết định dừng chân, gắn bó riêng với xơ mướp vì nhận thấy sự yêu thích của khách quốc tế với mặt hàng này.

Vốn sinh ra ở vùng núi Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), những miếng xơ mướp dùng để chà nồi, rửa chén gắn liền với tuổi thơ của chị. Lúc bắt đầu, chị Thư tìm về các vùng trồng ở Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai… để thu mua mướp già về sơ chế. Những sản phẩm đầu tiên từ xơ mướp chỉ là miếng rửa chén, túi đựng xà bông tắm... “Khi đưa sản phẩm lên sàn Amazon, khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng và đặt mua nhiều. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm từ xơ mướp để đưa một sản phẩm xanh “made in Việt Nam” đến gần hơn với quốc tế”, chị Thư nhớ lại.

Mướp nguyên liệu thu mua về được “giặt” nhiều lần bằng nước pha cốt chanh để loại bỏ hạt, xơ và nhớt; sau đó đem phơi khô từ 1 - 2 nắng trước khi đưa vào máy ép, cắt tạo hình và đem may, gia công hoàn thiện sản phẩm. Bắt đầu với các sản phẩm xơ mướp dùng để chùi rửa, đến nay, chị Thư đã phát triển khoảng 20 dòng sản phẩm mang thương hiệu Mộc Xơ, chia thành 4 loại gồm: bộ sản phẩm nhà bếp (miếng rửa chén, cây chùi ly…), bộ sản phẩm nhà tắm (túi đựng xà bông tắm, cây chà lưng, dây chà lưng, miếng rửa mặt…), bộ sản phẩm thời trang (lót giày xơ mướp hương quế, dép xơ mướp…) và bộ sản phẩm trang trí nhà cửa (đèn bàn xơ mướp, đồ chơi xơ mướp cho thú cưng…).

Thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, chị Thư xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Úc, châu Âu… với số lượng đều đặn khoảng 5.000 sản phẩm/tháng. Bên cạnh đó, nhiều khách mua sỉ cũng thường xuyên đặt hàng số lượng lớn để phân phối tại các cửa hàng, siêu thị ở nước ngoài. “Các sản phẩm từ xơ mướp làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng nên rất được người nước ngoài ưa chuộng. Miếng xơ mướp thải bỏ sau khi sử dụng chỉ mất một tháng để phân hủy hoàn toàn, còn là phân bón rất tốt. Xơ mướp dai, bền, nhanh khô, khi ngậm nước rất mềm mại nên không gây xước da… nên có thể ứng dụng để tạo ra rất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống”, chị Thư kể.

Một năm sau khi khởi nghiệp, chị Thư quyết định nghỉ hẳn công việc giảng dạy để tập trung phát triển các sản phẩm từ xơ mướp. Đến đầu năm 2024, chị thành lập công ty với mong muốn phát triển ở thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu thông qua các kênh trực tiếp. Tích cực tham gia quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện du lịch và bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop…, các sản phẩm của Mộc Xơ dần có chỗ đứng trên thị trường, đem lại doanh thu khoảng 150 - 200 triệu mỗi tháng.

Tạo sinh kế bền vững cho nông dân

Ghé lại cơ sở sản xuất của Mộc Xơ những ngày này, các nhân công đang làm việc luôn tay để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu 4.000 sản phẩm sang Hàn Quốc. Hiện, cơ sở của chị Thư tạo công việc ổn định cho khoảng 7 lao động, trong đó có các chị em phụ nữ ở địa phương, nhận hàng để về may gia công và hoàn thiện tại nhà.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng đánh giá cao việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như xơ mướp của Mộc Xơ. Thời gian tới, Sở tiếp tục đồng hành và hỗ trợ dự án trong các giai đoạn tiếp theo nhằm kết nối và tạo điều kiện xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; hướng dẫn các thủ tục để nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách về khởi nghiệp; định hướng xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu…

Có khách hàng, chị Thư tìm tòi nghiên cứu để phát triển vùng nguyên liệu thay vì tìm mua như trước. Trước quyết tâm của vợ, ông xã chị đã bỏ gần 6 tháng trời để mày mò, trồng và nghiên cứu quy trình trồng mướp ở khoảnh vườn 1ha của bố mẹ ở thị xã Điện Bàn. Mất cả trăm triệu để trồng thử nghiệp, chị Thư mới tìm ra được giống mướp phù hợp và hoàn thiện quy trình chăm sóc để đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn. Lượng đơn đặt hàng trên sàn Amazon ngày càng nhiều, chị Thư quyết định “đặt hàng” nông dân trồng vùng nguyên liệu.

Chị làm việc với các xã ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) để cùng vận động nông dân chuyển đổi từ rau màu sang trồng mướp ngọt. Những dải đất phù sa màu mỡ dọc sông Thu Bồn vốn từ bao đời nay vẫn canh tác các loại rau, củ, tuy lợi nhuận không cao nhưng khi được ngỏ lời mời trồng mướp ngọt, bà con cũng e ngại. Chị Thư phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích cho bà con hiểu và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với từng hộ. Đến nay, đã có khoảng 15 hộ nông dân hợp đồng trồng vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 10ha cho 2 mùa, cung cấp nguồn xơ mướp ổn định cho sản xuất. Mỗi quả mướp khô thương phẩm được chị thu mua với giá 5.000 đồng - 6.000 đồng/quả, cao hơn nhiều so với việc bà con trồng mướp bỏ sỉ cho thương lái như trước đây.

Mô hình khởi nghiệp từ xơ mướp Mộc Xơ giành giải nhì cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức. Chị Thư cũng đang hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố Đà Nẵng công nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hiện, các sản phẩm của Mộc Xơ cũng được đưa vào các cửa hàng lưu niệm, ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng để giới thiệu đến khách du lịch.

Theo GIANG THANH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.