Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Khối Zét (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chị Siu Phớt không chỉ trách nhiệm với công tác Hội mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của địa phương.
Chị Siu Phớt (bìa trái) là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của làng Khối Zét. Ảnh: M.K

Chị Siu Phớt (bìa trái) là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của làng Khối Zét. Ảnh: M.K

Chị Rơ Lan Sel (làng Khối Zét) không giấu được niềm vui khi kể cho chúng tôi nghe việc gia đình chị được nhận 3 con heo giống để phát triển kinh tế. Người góp sức mang đến niềm vui này chính là chị Siu Phớt-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng.

Chị Sel cho biết: Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi một mình chị phải nuôi 2 con ăn học, trong khi không có đất sản xuất. Từ khi nhận được sự hỗ trợ, gia đình chị có thêm động lực để phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm nay.

“Để đồng hành cùng phụ nữ nghèo, tôi đã vận động các hội viên phụ nữ trong làng cùng nhau đóng góp kinh phí để mua heo giống tặng cho chị em. Hiện làng còn 7 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo. Tôi sẽ tiếp tục vận động các chị em chung tay hỗ trợ để họ sớm thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”-chị Phớt chia sẻ.

Hơn 8 năm đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, chị Phớt đã vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động hội viên hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chi hội Phụ nữ làng Khối Zét có 167 hội viên, đa số là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chị Phớt tập trung vận động chị em phụ nữ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao. Không những vậy, chị còn thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với hội viên để cùng nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều chị em đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

“Tôi đặc biệt quan tâm xây dựng Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”. Với 11 thành viên, Câu lạc bộ đã tiết kiệm được trên 60 triệu đồng. Bằng cách tiết kiệm qua bỏ heo đất hay gửi ngân hàng, các chị đã có khoản tiền trang trải trong gia đình và mua sắm đồ dùng, cho con học hành đến nơi đến chốn hoặc có nguồn vốn để phát triển kinh tế”-chị Phớt cho hay.

Cùng với đó, các phong trào thi đua được chị Phớt triển khai liên tục gắn với các nhiệm vụ công tác Hội. Trước tiên, chị vận động chị em hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”.

Phối hợp tham gia chiến dịch truyền thông dân số, vận động hội viên phụ nữ thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Vận động trẻ em dưới 5 tuổi tiêm phòng vắc xin đủ liều, đúng thời gian quy định đạt 100%; 100% phụ nữ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chị Siu Phớt (thứ 2 từ phải sang) năng nổ, nhiệt huyết trong công tác Hội phụ nữ ở địa phương, xứng đáng là Chi hội trưởng hai giỏi. Ảnh: Mai Ka

Chị Siu Phớt (thứ 2 từ phải sang) năng nổ, nhiệt huyết trong công tác Hội phụ nữ ở địa phương, xứng đáng là Chi hội trưởng hai giỏi. Ảnh: Mai Ka

Bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Tiêm: “Chị Siu Phớt là một trong những chi hội trưởng phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm. Chị tích cực tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia hoạt động Hội và giúp đỡ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, chị tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền, chị Siu Phớt được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tặng giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác”.

Không chỉ là cán bộ gương mẫu, chị Phớt còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Với 2 ha cà phê và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, gia đình chị thu nhập trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Chị còn là người tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình chị tiên phong sử dụng các loại giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Có thu nhập ổn định, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và có điều kiện lo cho các con ăn học.

Theo chị Phớt, muốn chị em nghe theo thì mình phải làm thật tốt công tác Hội cũng như xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.

“Thời gian tới, tôi tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí làng phụ nữ kiểu mẫu, quan tâm vận động gia đình hội viên phụ nữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tiếp tục tuyên truyền, triển khai sâu rộng các tiêu chí của phong trào đến với cán bộ, hội viên phụ nữ; nhân rộng gương điển hình thực hiện tốt phong trào; hàng quý có giới thiệu các gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào”-chị Phớt cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.