Thiếu tá Trương Ngọc Chung: “Bác sĩ” bắt mạch động cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhiều người vẫn thường gọi Thiếu tá Trương Ngọc Chung-Trợ lý xe máy Phòng Hậu cần-Kỹ thuật (Lữ đoàn Công binh 7) với cái tên trìu mến là “bác sĩ” bắt mạch động cơ.

Anh không chỉ là thợ sửa chữa giỏi mà còn có sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào công tác bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện.

Đã nghe kể nhiều về gương Thiếu tá người dân tộc Mường, nhưng mãi đến những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi mới có dịp gặp anh. Từ TP. Pleiku xuôi quốc lộ 19 gần 6 km, chúng tôi có mặt tại Lữ đoàn Công binh 7 trong một ngày trời mưa nặng hạt.

Thiếu tá Trương Ngọc Chung giới thiệu với thợ kỹ thuật của đơn vị về sáng kiến “Giá van tháo bầu phanh lốc kê xe ô tô”. Ảnh: V.H

Thiếu tá Trương Ngọc Chung giới thiệu với thợ kỹ thuật của đơn vị về sáng kiến “Giá van tháo bầu phanh lốc kê xe ô tô”. Ảnh: V.H

Năm 2010, anh Chung nhập học tại Trường Sĩ quan Công binh. Năm 2014, anh được phân công về công tác tại Lữ đoàn Công binh 7. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: “Khi mới về đơn vị, bản thân còn thiếu kinh nghiệm. Chính vì thế, tranh thủ ngày nghỉ, tôi xin phép chỉ huy đơn vị để đi học hỏi tại xưởng và một số đơn vị bạn.

Cùng với đó, trong mỗi lần kiểm tra tình trạng xe, tiến hành bảo quản, sửa chữa, tôi đều trao đổi với đồng đội để tìm ra phương án tốt nhất”.

Lữ đoàn Công binh 7 đảm nhận nhiệm vụ sửa, bảo dưỡng các trang-thiết bị phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu nạn cứu hộ và thi công các công trình quốc phòng. Chính vì thế, yêu cầu bảo đảm kỹ thuật ngày càng cao.

Hiện tại, Lữ đoàn quản lý, khai thác số lượng lớn trang bị kỹ thuật đa dạng về chủng loại, thế hệ, xuất xứ và hầu hết đã qua nhiều năm sử dụng. Địa bàn đơn vị đóng quân lại xa khu vực có thể khai thác vật tư, phụ tùng thay thế, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ.

Xuất phát từ đặc điểm đó, Thiếu tá Trương Ngọc Chung thường xuyên tham mưu chỉ huy các cấp tổ chức huấn luyện khai thác vận hành sử dụng trang bị có trong biên chế, trang bị mới và các trang bị đúng theo chuyên ngành đào tạo. Hàng năm, anh chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ khoa học công nghệ của nhân viên kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Trong 10 năm công tác tại đơn vị, anh Chung đã trải qua nhiều vị trí công tác như: Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng và hiện là Trợ lý xe máy. Ở bất cứ cương vị công tác nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Cán bộ kỹ thuật phải am hiểu chuyên môn, phương tiện cũng như con người khi đau ốm, sẽ có sự hỏng hóc, xuống cấp. Chính vì thế, cần phải phát hiện sớm để sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Khi nghe tiếng máy xe nổ người thợ có thể nhận biết hư hỏng ở bộ phận nào, từ đó có cách khắc phục”-Thiếu tá Chung tâm sự.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh còn tích cực nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để áp dụng tại đơn vị. Giới thiệu về sáng kiến “Giá van tháo bầu phanh lốc kê xe ô tô”, anh cho hay: Đơn vị được trang bị nhiều dòng xe hiện đại như KAMAZ, MAZ, PAW, KIA. Các dòng xe này đều trang bị bộ phanh lốc kê. Qua quá trình sử dụng xuất hiện một vài sự cố hỏng hóc thông thường, trong đó có việc thủng bát phanh lốc kê, lệch hoặc biến dạng lò xo của bầu phanh lốc kê.

Trước đây, để tháo phanh lốc kê xe ô tô ra để sửa chữa hoặc thay thế khá khó khăn, phải dùng nhiều dụng cụ phụ trợ, cần 2-3 người vừa giữ, vừa ép mới tháo được bầu phanh; đồng thời, trong quá trình thực hiện, do lực của lò xo bầu phanh lốc kê lớn nên dễ xảy ra mất an toàn và gặp khó khi lắp vào. Vì vậy, anh đã mày mò nghiên cứu sáng kiến “Giá van tháo bầu phanh lốc kê xe ô tô”.

Thiếu tá Trương Ngọc Chung và sáng kiến Gía van tháo đầu phanh lốc kê ô tô. Ảnh: V.H

Thiếu tá Trương Ngọc Chung và sáng kiến Gía van tháo đầu phanh lốc kê ô tô. Ảnh: V.H

Theo Thiếu tá Chung, thiết bị của “Giá van tháo bầu phanh lốc kê xe ô tô” được cấu tạo gồm: phần khung giá van có tấm bản mã và khung sắt hình chữ U ngược hàn cố định, thanh khung ngang hàn đai ốc và 1 trục vít đường kính 22 mm để vặn đều chỉnh tịnh tiến lên xuống ép bầu phanh lốc kê. Tay vặn sắt, vòng bi, mặt bích tì được gắn phía đầu dưới của trục vít. Bộ phận cuối cùng là đai giữ ôm bầu phanh khỏi bị lật trượt trong quá trình tháo, lắp, khung giá đỡ, tay vặn, trục ren, ốc ren.

Khi muốn tháo, người thợ chỉ cần sử dụng thiết bị ép vào bầu phanh, dùng tay vặn ren đến khi tháo được các đai hãm, tiến hành đưa bầu phanh ra để sửa chữa hoặc vệ sinh. Nhờ thiết bị này, khi thay, sửa chữa, bảo dưỡng bầu phanh lốc kê ô tô chỉ cần 1 người thực hiện, giảm một nửa thời gian so với trước đây. Sáng kiến này đã được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh giá rất cao tại Hội thi “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật quân đoàn năm 2024” và được áp dụng trong các cơ quan, đơn vị.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thái Tuấn-Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 7-nhận xét: Thiếu tá Trương Ngọc Chung luôn kịp thời tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triển khai nhiều giải pháp để làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập cứu nạn cứu hộ của đơn vị. Bản thân đồng chí cũng có sáng kiến áp dụng vào hoạt động của đơn vị.

Có thể bạn quan tâm

“Rượu vang” Tây Nguyên

“Rượu vang” Tây Nguyên

(GLO)- Từ những loại quả thưởng thức cho “vui” miệng, gắn với ký ức tuổi thơ của không ít người Tây Nguyên, giới yêu ẩm thực phố núi Pleiku đã sáng tạo nên dòng rượu vang cao nguyên hấp dẫn mang tên boh chieng lai, chòi mòi (boh kchil).
Xơ mướp 'đi Tây'

Xơ mướp 'đi Tây'

Chỉ sau 2 năm khởi nghiệp, các sản phẩm độc đáo từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã xuất ngoại và được ưa chuộng tại các thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu.
Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

(GLO)- Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Khối Zét (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chị Siu Phớt không chỉ trách nhiệm với công tác Hội mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của địa phương.
Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối

Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối

Sẵn sàng nói "không" trước những nhiệm vụ không thuộc trách nhiệm của mình như một cách để cấp trên đánh giá mình là người làm việc có chọn lọc, sáng suốt. Đây cũng được coi là một trong những đặc trưng khi nói về phong cách làm việc của gen Z thời nay.