Chuyện về những chiếc nón tốt nghiệp được 'xuất khẩu'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tường Ni (tên thật Hồ Như Trúc Mai, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) là người làm ra nhiều mẫu nón tốt nghiệp độc đáo. Nón của cô bán khắp nơi trong nước và còn bán cho du học sinh Việt Nam ở nước ngoài...

Tường Ni cho biết cô nhận được một tin nhắn đặt nón tốt nghiệp của Nhi Sam (tên thật là Sầm Ngọc Nhi, sinh viên Trường ĐH Seattle Pacific, Mỹ), qua tin nhắn Sam đặt hàng "ba mình đã mất nên mong muốn đặt di ảnh của ba lên nón, để ba được sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con". Và sau nhiều ngày, Ni đã hoàn thành nón của Nhi Sam.

Nhi Sam hạnh phúc khi có hình ảnh ba xuất hiện trên chiếc nón tốt nghiệp của mình

Nhi Sam hạnh phúc khi có hình ảnh ba xuất hiện trên chiếc nón tốt nghiệp của mình

Đội chiếc nón tốt nghiệp, Nhi Sam nở nụ cười hạnh phúc khi trên cái nơ của nón có in hình di ảnh của ba. Từ rất lâu, nữ sinh này đã mong muốn có ba xuất hiện trong buổi lễ tốt nghiệp của mình. Chiếc nón đặc biệt, do mẹ cô gái mang từ Việt Nam sang, đã giúp Nhi Sam hoàn thành trọn vẹn ước mơ ấy.

Tường Ni kể lại khi nhận được yêu cầu từ đơn đặt hàng, cô rất bất ngờ và xúc động, Ni nhanh chóng hỏi tên trường, màu sắc mà cô gái trẻ yêu thích. Sau đó, Ni bắt tay vào việc làm nón tốt nghiệp. Trường ĐH Seattle Pacific (Mỹ) có tông màu chủ đạo là đỏ đô. Vì thế, Ni khéo léo làm chiếc nón màu đen, phía dưới là một dãy hoa len sắc trắng và đỏ. Ni còn tạo thêm điểm nhấn là một chiếc nơ đỏ thật lớn có ghi tên trường, năm tốt nghiệp. Chính giữa nơ, cô gắn hình di ảnh ba của Nhi Sam. Nhận được chiếc nón tại Mỹ, Nhi Sam không kìm nén được xúc động. Cô thầm thì nói với ba rằng: "Con đã làm được".

Tường Ni bắt đầu trang trí nón tốt nghiệp vào tháng 4.2023. Khi đang là sinh viên, Ni có dịp đi dự tốt nghiệp của vài anh chị, bạn bè. Cô gái thấy quà tặng dành cho tân cử nhân thường là hoa, gấu bông. Ni chợt nhận ra rằng quà tặng có thể đặc biệt hơn bằng cách thiết kế một chiếc nón tốt nghiệp được trang trí theo cá tính, phong cách của tân cử nhân đó.

Tường Ni thiết kế nón tốt nghiệp cho khách

Tường Ni thiết kế nón tốt nghiệp cho khách

Sau đó, một người bạn thân thiết nhờ Ni thiết kế chiếc nón cho cô ấy đội vào ngày tốt nghiệp. Khoe thành phẩm này lên mạng, Ni ngạc nhiên khi thấy nhiều người yêu thích, đặt hàng. Từ đó, nữ sinh viên có cơ hội sáng tạo thêm nhiều chiếc nón hơn.

Mỗi chiếc nón tốt nghiệp được thiết kế riêng, có giá từ 300.000 - 500.000 đồng, tùy theo nguyên liệu. Ni ứng dụng việc móc len, quấn kẽm nhung và lựa chọn nhiều chất liệu như lụa, voan để trang trí. Điểm chung của nón là làm thủ công tỉ mỉ, với dây thun linh hoạt phía sau để vừa đầu người đội.

Khi đặt hàng, khách cần cung cấp tông màu yêu thích, mẫu mã, tên và trường học. Sau đó, Ni sẽ tìm kiếm thông tin trên mạng về đặc điểm của trường ấy, lên một bản thiết kế đưa cho khách xem và chỉnh sửa theo ý. Khi khách đồng ý, Ni bắt tay vào việc làm nón tốt nghiệp. Lúc giao hàng, cô gái cũng không quên dặn dò khách cần đội nón thế nào cho đẹp.

"Đa số khách đều lần đầu tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong buổi lễ. Vì thế, mình cố gắng tư vấn theo ý thích của họ. Một số khách ban đầu chọn một kiểu trang trí, nhưng sau khi mình tư vấn và nhận được thành phẩm, họ lại cảm thấy ưng ý hơn. Nhiều khách hàng gửi lời khen vì mình đã giúp họ nổi bật trong buổi lễ. Có khách còn cảm ơn khi chọn được món quà mới lạ để tặng bạn bè tân cử nhân. Ngoài khách trong nước, nón mình còn theo chân người thân, bạn bè của khách đến buổi lễ tốt nghiệp ở nước ngoài", Ni kể.

Thành phẩm vừa ra lò

Thành phẩm vừa ra lò

Ni nhớ lại hồi làm nón cho một bạn tân cử nhân của Trường ĐH California (Mỹ), Ni đã phải tìm hiểu kỹ về ký hiệu, linh vật của trường, tham khảo xem trường có đặc điểm gì, thiên về tông chủ đạo nào, logo ra sao… để tạo nên một chiếc nón độc đáo. Sau một tháng, chiếc nón đã hoàn thành và được người nhà tân cử nhân mang qua Mỹ.

Chiếc nón này cũng giúp bạn gái ấy nổi bật trước nhiều sinh viên quốc tế. Không chỉ thế, cô gái còn gặp được nhiều vị khách đặc biệt. Có người muốn đặt di ảnh của bà ngoại lên nón, hay nhóm bạn ba người luân phiên tặng nón tốt nghiệp cho nhau. Đơn hàng nào cô cũng trau chuốt hết mức để đem lại niềm vui cho khách.

Không chỉ mua nón tốt nghiệp cho bản thân, nhiều khách còn giới thiệu sản phẩm này đến bạn bè. Trung bình mỗi lễ tốt nghiệp có khoảng từ 4 - 5 khách đội nón của cô.

Nón tốt nghiệp thiết kế là một món quà mới mẻ được các bạn trẻ tặng tân cử nhân

Nón tốt nghiệp thiết kế là một món quà mới mẻ được các bạn trẻ tặng tân cử nhân

Khi được hỏi bí quyết, Ni cho biết mình thu hút khách hàng qua các hình ảnh chân thật của sản phẩm kèm theo sự uy tín và đặc biệt luôn nghĩ cho khách hàng, đảm bảo sản phẩm làm ra thật đẹp mắt, không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. Nhờ vậy, Ni luôn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách. "Mình không gặp nhiều khó khăn, chỉ cần sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc làm nón và học tập là ổn", Ni nói.

Theo Ni, để tìm được một chiếc nón tốt nghiệp trong mơ, bạn cần xem xét và tham khảo nhiều mẫu mã, lưu lại các thiết kế yêu thích và nhờ tư vấn từ người thân, bạn bè hay chủ tiệm. Các sinh viên cũng nên lên ý tưởng cho buổi lễ tốt nghiệp tương lai của mình từ sớm. Việc này giúp bạn có đủ thời gian để lựa chọn trang phục, phụ kiện và đặc biệt là tìm được một chiếc nón độc đáo, thể hiện cá tính bản thân.

Hiện tại, Ni cũng đang lên ý tưởng thiết kế nón cho lễ tốt nghiệp của mình vào năm sau, với tông màu vàng chủ đạo của trường.

Theo Phương Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…