Hiến máu cứu người: Nghĩa cử cao đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong tuần, nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào hiến máu nhân đạo. Đây là việc làm vô cùng cần thiết nhằm biểu dương, khen thưởng và tôn vinh những người có nghĩa cử cao đẹp, lối sống nhân văn “mình vì mọi người”.

Theo số liệu từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 7.630 đơn vị máu an toàn. Với việc kịp thời bổ sung vào ngân hàng máu của các cơ sở chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, lượng máu này đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Người dân huyện Mang Yang tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hà Phương
Người dân huyện Mang Yang tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hà Phương


Chúng ta thật sự bất ngờ và thán phục khi lướt qua danh sách các điển hình về phong trào hiến máu nhân đạo trong thời gian qua. Đó là những “hiệp sĩ” không dưới 10 lần hiến máu cứu người như: Phan Hồng Kông (Công an huyện Krông Pa), Phan Văn Quang (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh), Hứa Như Bình (Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Prông), Trần Thị Lan Phương (Sở Khoa học và Công nghệ), Hoàng Nữ Thanh Dung (Chi nhánh Công ty 75, Binh đoàn 15), Phạm Thị Hương (Công ty TNHH một thành viên 72, Binh đoàn 15), Kpuih Dơk (Chi nhánh Công ty 75, Binh đoàn 15), Lê Xuân Trường (Trường Tiểu học Ayun số 2, huyện Mang Yang), Nguyễn Chí Cường (phường An Bình, thị xã An Khê)… Nổi bật giữa vườn hoa nhân ái đó là anh Nguyễn Lê Nguyên Thành (Câu lạc bộ Giọt hồng Pleiku) với 33 lần tham gia hiến máu vì cộng đồng.

Đặc biệt, phong trào hiến máu tình nguyện ở Gia Lai đã ghi nhận không ít “gia đình hiến máu”. Đó là 4 thành viên trong gia đình ông Trần Đình Song (tổ 7, thị trấn Kbang) với 46 lần hiến máu; gia đình bà Thái Thị Thu Loan (TP. Pleiku) hiến máu 45 lần; gia đình bà Nguyễn Lệ Tú (buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) có 45 lần hiến máu và 3 thành viên gia đình bà Trần Thị Kim Ánh (tình nguyện viên Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai) có đến 50 lần hiến máu cứu người.

Động cơ nào khiến những con người bình thường này làm được một việc có ý nghĩa như vậy? Phần lớn những câu trả lời của họ lại không “đao to búa lớn” mà thấm đẫm tình người và mang ý thức cộng đồng sâu sắc: Giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch! Được góp giọt máu đào để có thể cứu sống một mạng người, với họ, đó là hạnh phúc. Đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng suy nghĩ và quan trọng hơn là tự giác hiến đi những giọt ngọc của cơ thể cho người khác.

Theo ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó ban Thường trực Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, nhằm lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện trong cộng đồng, hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị tôn vinh những tổ chức và cá nhân điển hình. Cũng theo ông Diện, những người tích cực tham gia hiến máu tình nguyện chính là “đầu tàu” trên “hành trình đỏ” xuyên suốt khắp dải đất Việt Nam.

Chúng ta thật sự không dám tưởng tượng khi vì một lý do nào đó mà phong trào hiến máu nhân đạo bị ngưng trệ. Vậy nên, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các địa phương, đơn vị vẫn tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo gắn với các biện pháp an toàn phòng dịch.

Ngoài ý nghĩa cứu người, phong trào hiến máu nhân đạo còn thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải duy trì và đẩy mạnh phong trào đậm tính nhân văn này. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần có sự tưởng thưởng xứng đáng những tập thể, cá nhân điển hình, góp phần xây dựng xã hội vì hạnh phúc của mỗi người và mọi người.

 

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).