Văn hóa

Infographic Hấp dẫn hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khai mạc vào sáng 2-11 tại bãi bồi làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh hấp dẫn ngay lượt đua vòng loại. Những con thuyền độc mộc lao vun vút trên sóng nước tạo nên hình ảnh ấn tượng, đầy cảm xúc trên dòng sông huyền thoại.

img-3965.jpg
Hội đua thuyền độc mộc diễn ra vào mùa đẹp nhất trong năm của cao nguyên Gia Lai. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Ngay khi hiệu lệnh xuất phát, những con thuyền độc mộc thanh thoát lao về phía trước trên sóng nước Pô Cô dưới sức mạnh của các tay chèo. Trong sự reo hò, cổ vũ vang dậy của hàng người dân và du khách bên bờ sông, các tay đua thể hiện sự quyết tâm chinh phục đường đua 2.000m trong thời gian sớm nhất.

43 đội tham gia giải đua thi đấu vòng loại theo hình thức chia lượt, mỗi lượt 7 thuyền đua. Đội về đích trong thời gian nhanh nhất ở mỗi lượt sẽ được chọn thi đấu vòng chung kết hạng A, còn lại sẽ thi chung kết hạng B. Thuyền độc mộc dự đua được làm từ những thân cây gỗ sao lớn nguyên khối được đục rỗng, thành thuyền mỏng, nhọn dần về phía 2 mũi thuyền tạo hình dáng rất thanh thoát. Chiều dài trung bình của mỗi con thuyền độc mộc là 5-6m. Để giữ cho thuyền lướt êm trên sóng nước không bị chòng chành, tối ưu hóa vận tốc, 2 tay chèo phải giữ được sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng.

img-4238.jpg
Những con thuyền thanh thoát lướt trên sóng nước Pô Cô tạo nên hình ảnh ấn tượng trên dòng sông huyền thoại. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Diễn ra giữa những ngày mùa khô đẹp nhất trong năm, mặt nước phẳng lặng tạo điều kiện tốt nhất cho các tay chèo chinh phục đường đua xanh. Thế nhưng ngay ở lượt đua đầu tiên đã có những chiếc thuyền lật nhào, cho thấy sức mạnh và kỹ thuật của các tay đua phải thật vững vàng.

Là đội về nhất trong lượt đua đầu tiên ở vòng loại, anh Nguyễn Văn Dũng (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) cho biết, đây là năm thứ 3 anh tham gia hội đua thuyền độc mộc. Năm ngoái, đội của anh cũng xuất sắc giành giải nhất chung cuộc. “Các đội anh em đều có kỹ thuật chèo thuyền rất vững vàng. Nên trong lúc đua, mình chỉ biết tập trung và cố gắng hết sức. Tập trung đến mức đầu gối quỳ vào sàn thuyền trầy xước chảy máu mình cũng không biết

Đây đúng nghĩa là một ngày hội, mang lại niềm vui, mang mọi người đến gần nhau hơn. Tôi thấy qua các năm lại có thêm những tay chèo mới nên hội đua thuyền cũng làm cho phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ hơn”-anh Dũng chia sẻ

Là tay đua trên “sân nhà”, anh Rơ Mah Jim-làng Bi Ia Yom (xã Ia O) có nhiều thời gian tập luyện hơn so với các đội đua khác. Anh cho biết đây là lần thứ 3 anh tham gia hội đua thuyền và chỉ sợ nhất là gió lớn. Nhưng năm nay thời tiết thuận lợi khiến anh và các thành viên trong đội đua của xã rất hào hứng trước giờ đua.

Anh Jim cho biết: “Hai người ở hai mũi thuyền nhưng phải có sự phân vai, người ngồi trước dùng hết sức chèo cho thuyền chạy tối ưu vận tốc, còn người ngồi sau vừa chèo vừa điều chỉnh để mũi thuyền trước luôn hướng thẳng. Chèo thuyền độc mộc mới thấy thời tiết khắc nghiệt như mưa gió, hoặc qua những đoạn nước chảy xiết, ghềnh đá rất dễ bị lật nếu tay chèo không khéo léo, vững vàng. Hồi xưa, ông bà mình dùng thuyền độc mộc rất giỏi vì họ sử dụng thường xuyên phương tiện này trong sinh hoạt và đúc rút được nhiều kinh nghiệm”.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh qua 5 lần tổ chức đã trở thành hoạt động thường niên được mong chờ nhất trong năm ở huyện biên giới Ia Grai. Không chỉ là hoạt động thể thao, hội đua thuyền phản ánh đậm nét đời sống văn hóa của cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất biên cương.

Pô Cô là một nhánh của dòng Sê San khởi nguồn từ đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ (tỉnh Kon Tum). Sông đổ từ Kon Tum xuống Gia Lai rồi sang đất bạn Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông. Trong kháng chiến chống Mỹ, sông Pô Cô là tuyến vận tải đặc biệt nằm trên hành lang Bắc-Nam. Thuyền độc mộc từ một phương tiện di chuyển độc đáo của cư dân ven sông đã tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc. Dòng sông Pô Cô cũng trở thành chứng nhân, cất giữ một phần lịch sử cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

dscf6867.jpg
Thời tiết rất thuận lợi để các tay đua tự tin bứt phá trên đường đua xanh. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Ông Lê Ngọc Quý-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhấn mạnh ý nghĩa của hội đua thuyền: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người con làng Nú-A Sanh đã cùng đồng đội sử dụng những chiếc thuyền độc mộc làm phương tiện vận chuyển bộ đội, lương thực, vũ khí đạn dược qua sông đánh giặc, góp phần giải phóng đất nước. A Sanh trở thành hình tượng trong thi ca, cổ vũ bộ đội, Nhân dân và đồng bào các dân tộc ở mặt trận B3 anh dũng chiến đấu trên mọi chiến trường, tiêu biểu cho ý chí quật cường, anh dũng và tinh thần yêu nước của Nhân dân các dân tộc huyện nhà. Hội đua thuyền được tổ chức thường niên nhằm phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của các dân tộc trên địa bàn huyện”.

dscf6855.jpg
Cổ động viên cổ vũ các thuyền đua. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Hình ảnh những con thuyền độc mộc lướt trên dòng sông Pô Cô hôm nay không khỏi gợi nhớ hình ảnh của những người lái đò năm nào. “Tinh thần A Sanh” như vẫn được tiếp nối trong hình ảnh những tay chèo. Để giành được chiếc cúp mang tên người anh hùng gắn với dòng sông huyền sử này cũng là niềm tự hào với bất cứ tay chèo nào. Đối với du khách, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô mang đến những cảm xúc khó quên.

Bà Nguyễn Thị Tú (một cựu giáo chức hiện đang sinh sống tại TP. Pleiku) chia sẻ: “Thật tuyệt vời, hình ảnh những con thuyền lướt trên sóng nước Pô Cô vừa ấn tượng, vừa cho tôi nhiều xúc động. Tôi ra trường năm 1980 và nhận công tác đầu tiên ở vùng đất bên dòng sông Pô Cô ở vùng biên giới này. Những năm đó, người dân còn di chuyền bằng thuyền độc mộc khá phổ biển. Vì vậy mà hôm nay nhìn thấy những con thuyền độc mộc tôi không khỏi bồi hồi. Tinh thần và sự tập trung của những người đua thuyền khiến chúng tôi hồi hộp dõi theo từng nhịp chèo của họ”.

img-4283.jpg
Các đội đua bám đuổi sát nhau trên mặt sông. Ảnh: PHẠM QUÝ

Vòng chung kết hội đua thuyền sẽ diễn ra vào sáng ngày 3-11. Đội giành được cúp A Sanh sẽ được ban tổ chức trao cúp, huy chương vàng cùng phần thưởng 10 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

Cổng vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy

Xây dựng Khu di tích Plei Ơi thành sản phẩm du lịch đặc thù

(GLO)- Gắn liền với truyền thuyết Hỏa Xá, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa. Huyện Phú Thiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu di tích thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Chuyện làng ở Hà Tây

Chuyện làng ở Hà Tây

(GLO)- Chúng tôi về thăm xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một ngày mưa nhẹ, trời se lạnh. Tại đây, chúng tôi dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bahnar và được nghe các già làng kể chuyện nhà rông.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.