Một lần tiếp cận 'Mật mã rừng xanh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó giống như là một thế giới ngầm, nơi quy ước của những người mua bán động vật hoang dã trái phép. Bằng những mật ngữ riêng, hoạt động kín kẽ, chỉ người trong nghề mới được vào nhóm...

Quy ước ngầm

“Nhóm yêu động vật hoang dã”, “Hội anh em ba miền” hay “Chúa tể rừng xanh”... là những hội nhóm kín, có hàng ngàn thành viên tham gia. Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm cách gia nhập các nhóm trên nhưng đều bị từ chối, rất khó để trở thành thành viên cứng của nhóm, nếu không có người bảo lãnh hoặc phải là tay anh chị trong “nghề”... động vật hoang dã.

Sau nhiều lần tìm cách, chúng tôi cũng thuyết phục được Y.P, từng là thợ săn ở rừng Yok Đôn (Đắk Lắk) chuyên cung cấp động vật hoang dã cho các nhà hàng nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu vào nhóm. Y.P bây giờ không còn đi săn nữa, nhưng vẫn giữ được nhiều mối quan hệ với cánh thợ săn cũng như lái buôn thịt rừng.

Động vật hoang dã sau khi được giải cứu sẽ được thả về với thiên nhiên.

Động vật hoang dã sau khi được giải cứu sẽ được thả về với thiên nhiên.

Y.P dặn chúng tôi vào nhóm nên lặng lẽ quan sát, tìm hiểu, tránh tương tác, để quản trị viên nghi ngờ là bị “out” (xóa tài khoản) ngay. Tên gọi “Nhóm yêu động vật hoang dã” nhưng thực chất là buôn bán, giao dịch, săn bắt, giết thịt động vật hoang dã là những chú chồn, cáo, nhím, kỳ đà... ở rừng Tây Nguyên, rừng Cát Tiên (Đồng Nai), núi Cấm (An Giang)...

Mỗi ngày có hàng chục lượt đăng quảng cáo về các sản phẩm trên nhóm, nhưng được trá hình rất tinh vi. Tài khoản “Nhím con” đăng ảnh chú chồn Cát Tiên 2,8 kg với lời rao: “Hàng chuẩn, cần bay sớm, anh em ăn thì vào nhé”. Chỉ ít phút sau, đã có tài khoản chốt đơn. Theo dân trong nghề, “bay” chính là mật ngữ của bán, còn “ăn” là mua. Sau khi ưng hàng, người “ăn” sẽ nhắn tin riêng cho người “bay” để giao dịch. Nếu người mua cùng tỉnh hoặc thành phố với người bán thì sẽ trực tiếp giao mà không thông qua kênh thứ ba, việc này đảm bảo kín kẽ, không bị lộ. Còn người mua ở khác tỉnh, hình thức giao hàng là đông lạnh, ép chân không hoặc chế biến sẵn theo khẩu vị của khách hàng, gửi kèm với các loại nông sản khác để tránh bị nghi ngờ phát hiện.

Y.P bật mí, các nhóm hoạt động ngày một bí mật và riêng tư, việc đăng hình ảnh thú hoang với máu me chết chóc lên nhóm cũng bị quản trị viên cấm. Thay vào đó, ai có mặt hàng nào bán thì lấy ảnh minh họa. Ví dụ, muốn bán kỳ đà thì đăng ảnh chú kỳ đà lên, bán tê tê thì đăng ảnh tê tê, nghĩa là bán con gì thì dùng ảnh minh họa con đó thật đẹp và lung linh, giống như tên gọi “Nhóm yêu động vật hoang dã”. Nhìn vào đó, hội viên trong nhóm sẽ biết ai cần bán gì.

Tài khoản “Sóc nhỏ” đăng ảnh 2 chú tê tê đang vờn nhau trong rừng với lời dẫn: “Hai em ở rừng Cát Tiên, vừa ra sáng nay, nặng 9 kg. Nguyên đai nguyên kiện (còn sống). Bác nào yêu thích ghé em”. Tiếp đến lại có bài rao của tài khoản “Nấm hương” với ảnh chú hổ mang chúa rất ngầu: “Bạo chúa Yok Đôn, 7,5 kg, cần bay gấp...”.

Tiếp nhận và thả cá thể rùa quý về lại rừng xanh.

Tiếp nhận và thả cá thể rùa quý về lại rừng xanh.

Những nền tảng mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm buôn bán động vật hoang dã hoành hành. Những hội, nhóm như vậy thu hút từ vài nghìn đến cả chục nghìn thành viên. Mỗi ngày, cả trăm bài viết được đăng tải với đủ các nội dung bao gồm hình ảnh, video, thậm chí là livestream để buôn bán động vật hoang dã. Để có thể lách luật, chính sách kiểm duyệt, quản trị viên của các nhóm kín đưa ra hệ thống mật ngữ, bắt buộc thành viên không được sử dụng các từ ngữ có nội dung mua và bán trong bài viết.

Cứ như vậy, những chợ buôn trá hình tồn tại và mặc sức nở rộ trong thời gian qua, gây ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng trong việc xử lý. Nhiều trường hợp khi phát hiện có hành vi vi phạm, cơ quan chức năng theo dõi, điều tra thông tin trên internet thì không phải tên thật, địa chỉ và các thông tin liên quan cũng đều là ảo. Hơn nữa, số lượng các trường hợp ghi nhận quá nhiều mà việc đào sâu để tìm đối tượng mất rất nhiều thời gian, không hề dễ dàng.

Ngoài ra, để tránh sự phát hiện, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhóm “Chúa tể rừng xanh” còn bắt buộc thành viên phải sử dụng những mật ngữ theo quy ước. Theo đó, “phong lan” là chỉ về loài khỉ. Nếu ai cần một chú khỉ về nuôi hoặc giết thịt thì sẽ hỏi theo kiểu “nhà em cần phong lan khoảng hơn hai năm, chưa ra hoa (khỉ tơ, chưa sinh lần nào) bác nào có, giao lưu em”. Nếu khách hàng cần thịt heo rừng, bò rừng thì sẽ hỏi: “Mẹ em thèm rau xanh ở rừng, ai có inbox giúp”. Người có hàng đáp lại bằng mật ngữ: “Rau hái được hai ngày, bảo quản đông lạnh, giao tận nơi”. Cứ như vậy, người cần và người bán đều hiểu nhau và cuộc giao dịch diễn ra suôn sẻ.

Quản trị viên của nhóm ngày nào cũng kiểm tra từng status (nội dung bán hàng), từng lời bình để đảm bảo không ai vi phạm nguyên tắc. Nếu ai vi phạm, ngay lập tức, quản trị viên sẽ nhắc nhở yêu cầu xóa bài hoặc nếu tiếp tục tái phạm sẽ bị cho ra khỏi nhóm.

Nhức nhối hoạt động buôn bán động vật hoang dã

Trong vai người cần “ăn” chú rùa núi vừa được một thành viên trong nhóm “Chúa tể rừng xanh” quảng cáo trên nhóm, chúng tôi đã nhắn tin riêng cho tài khoản “thợ rừng” để hỏi về giá cả. Chủ tài khoản hỏi rất nhiều về lai lịch của chúng tôi, cần “ăn” rùa để làm gì? Chúng tôi nói muốn nuôi, chủ tài khoản nói thẳng “không bán cho người nuôi” và nhanh chóng chặn tin nhắn của chúng tôi.

Mang việc này hỏi Y.P, anh ta cười chúng tôi: “Chẳng ai mua rùa rừng quý hiếm về nuôi cả, vì đó là vi phạm pháp luật. Người ta đăng lên như vậy thì chỉ dành cho dân sành ăn nhậu hoặc nhà hàng mà thôi. Có thể họ nghi ngờ nên đã tắt tương tác với người mua nhằm xóa dấu vết”.

Việc bán mua động vật hoang dã trên các hội, nhóm đã được mã hóa và sử dụng mật ngữ riêng. Còn chuyện vận chuyển như thế nào, tài khoản “Sóc nhỏ” của hội “Những người yêu động vật hoang dã” tiết lộ: “Nếu giao shipper thì phải ở dạng chế biến sẵn, nếu là nguyên con sống thì giao hàng trực tiếp hoặc tùy vào điều kiện địa lý có thể thuê người vận chuyển. Tuy nhiên, điều này sẽ rất rủi ro cho người vận chuyển và cả người tiêu thụ”.

Đối tượng săn bắt trái phép động vật hoang dã tại Rừng Quốc gia Cát Tiên bị cơ quan chức năng bắt quả tang.

Đối tượng săn bắt trái phép động vật hoang dã tại Rừng Quốc gia Cát Tiên bị cơ quan chức năng bắt quả tang.

Nhiều vụ vận chuyển theo hình thức này đã không qua mắt được lực lượng chức năng. Mới đây nhất, ngày 30/7/2024, Công an huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự Lê Công Hậu (sinh năm 2005, ngụ xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) và Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1997, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) để điều tra vụ vận chuyển trái phép 2 cá thể tê tê.

Trước đó 2 ngày, tại khu vực xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Bến Cầu bắt quả tang Lê Công Hậu đang điều khiển xe máy chở theo một thùng giấy bên trong chứa một cá thể tê tê. Qua làm việc, Hậu khai nhận được một người đàn ông thuê 250.000 đồng để chở hàng đi giao cho một người khác cùng huyện.

Cũng trong ngày, Công an huyện Bến Cầu tuần tra, tiếp tục phát hiện Nguyễn Thanh Lâm đang xách một bao tải màu vàng, bên trong chứa một cá thể tê tê nên đã lập biên bản, đưa về trụ sở giải quyết. Công an huyện Bến Cầu đang làm thủ tục bàn giao 2 cá thể tê tê nói trên cho Chi cục Kiểm lâm huyện Bến Cầu xử lý.

Tê tê nằm trong danh sách các động vật có vú khác biệt về mặt di truyền và có nguy cơ tuyệt chủng của Hiệp hội Động vật học London. Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cũng đã liệt kê một số loài tê tê vào danh sách nguy cấp. Tại Việt Nam, tê tê được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2000 với mức độ có thể bị đe dọa tuyệt chủng.

Hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên internet ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Sự thuận tiện và lợi nhuận cao từ hình thức trên đã thúc đẩy nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thu lợi. Trong khi đó, thị trường mua bán trực tuyến còn thiếu các quy định rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán sản phẩm này.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, hoạt động mua bán trên không gian mạng rất tinh vi, để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như của các sàn thương mại điện tử, người bán đã cố tình viết sai chính tả, thậm chí viết sai quy cách, hay dùng tiếng lóng, mật ngữ, họ không dùng từ động vật hoang dã mà thay vào đó là dùng từ “cứu hộ”, “bảo tồn” để ám chỉ “tôi có hàng là động vật hoang dã”, gây khó cho cơ quan chức năng phát hiện, cũng như sàn thương mại điện tử không thể đặt được những từ khóa tìm kiếm bán hàng như vậy và khi có động tĩnh là họ xóa ngay bài. Còn nếu căn cứ vào bằng chứng chỉ có trên mạng xã hội để xử phạt thì họ bao biện, đối phó, cho rằng rao bán chỉ để “câu view, câu like” cho vui, còn thực tế không có hàng. Vì vậy, bên cạnh việc cần gia tăng mức phạt, hình phạt để tăng tính răn đe, cần có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử... để giải quyết vấn đề này một cách triệt để.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên.

Cùng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đánh giá, quy định chế tài xử phạt đối với tội phạm về động vật hoang dã của chúng ta khá nghiêm khắc so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

“Thời gian vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng quan điểm nhất quán và hình phạt nghiêm khắc với các đối tượng phạm tội về động vật hoang dã, từ đó phát huy tác dụng của các quy định pháp luật có liên quan và tăng cường tính răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã. Chỉ khi những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn bị điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm thì các đường dây tội phạm mới bị triệt phá và như vậy mới tạo ra được những chuyển biến đáng kể trong công tác đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã”, bà Bùi Thị Hà chia sẻ quan điểm.

Theo Ngọc Hoa (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.