Thế giới chờ phản ứng của Iran

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 31-7 kêu gọi tăng cường nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Cuộc họp khẩn diễn ra sau các vụ tấn công khiến thủ lĩnh Ismail Haniyeh của nhóm vũ trang Hamas và chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của phòng trào Hezbollah thiệt mạng.

Reuters dẫn lời phó đại diện Nhật Bản tại LHQ Shino Mitsuko bày tỏ lo ngại khu vực này đang bên bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện và thúc giục các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn kịch bản này xảy ra.

Ông Fu Cong, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, cho rằng việc không đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng và kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng lớn phải gây nhiều áp lực hơn, hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt xung đột tại đó.

Cảnh lễ tang ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hamas, tại thủ đô Tehran - Iran hôm 1-8 Ảnh: REUTERS

Cảnh lễ tang ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hamas, tại thủ đô Tehran - Iran hôm 1-8 Ảnh: REUTERS

Vai trò của Iran, quốc gia hậu thuẫn cho cả Hamas và Hezbollah cũng thu hút nhiều chú ý, nhất là sau khi ông Ismail Haniyeh bị ám sát trong lúc ở Tehran. Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood kêu gọi các thành viên HĐBA có ảnh hưởng đến Iran tăng cường gây sức ép buộc nước này ngừng leo thang "cuộc xung đột ủy nhiệm" với Israel.

Đi xa hơn, nhà ngoại giao đại diện Israel kêu gọi HĐBA lên án và tăng cường trừng phạt Tehran. Đáp lại, Đại sứ Iran tại LHQ Amir Saeid Iravani cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự nhằm vào Israel, cũng như cho biết Tehran luôn kiềm chế tối đa nhưng vẫn bảo lưu quyền phản ứng dứt khoát.

Bất chấp căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 31-7 cho biết Washington sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi thỏa thuận đạt được.

Trong khi đó, ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cũng bày tỏ lo ngại về việc căng thẳng leo thang, cũng như nhận định vẫn còn quá sớm để biết những diễn biến trên ý nghĩa gì đối với nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn.

Một số chuyên gia bình luận với kênh Channel News Asia rằng xung đột có lan rộng ở Trung Đông hay không còn phụ thuộc chuyện Iran sẽ phản ứng thế nào. Ông Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo Mỹ về Trung Đông, cho rằng Iran một mặt vẫn không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột toàn diện, nhưng mặt khác lại lo rằng những động thái răn đe hiện tại không đủ ngăn chặn các vụ tấn công mà Israel bị cáo buộc gây ra.

Ngoài ra, ông Panikoff nhận định tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian có xu hướng ôn hòa hơn người tiền nhiệm nhưng hiện chưa rõ liệu ông có thể ngăn Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Lực lượng Quds có phản ứng mạnh mẽ hay không.

Trong khi đó, bà Jessica Genauer, chuyên gia tại Đại học Flinders (Úc), cho rằng thế giới đang chờ xem liệu Iran sẽ phản ứng trực tiếp hoặc thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, như phong trào Hezbollah ở Lebanon hoặc lực lượng Houthi tại Yemen. Theo bà Genauer, việc Iran chọn cách thức đáp trả ra sao đóng vai trò quan trọng trong việc có khiến tình hình hiện nay leo thang hơn nữa hay không.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.