Độc lạ 'bánh mì treo' ở Phú Yên với mong muốn không còn ai bị đói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghe khách nói: "Cho 1 ổ bánh mì treo", chị Đặng Thuỵ Nhật Hân (29 tuổi, sống tại H.Phú Hoà, tỉnh Phú Yên) đưa tận tay khách một ổ bánh mì đầy ắp thịt và tuyệt nhiên không lấy tiền.

Từ ngày 17.5 cho đến nay, chủ tiệm tại 425 Nguyễn Huệ, P.7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã phát rất nhiều "ổ bánh mì treo" cho các bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, người bán vé số…

Bảng thông báo: Còn 11 "bánh mì treo" đầy yêu thương. Ảnh: NVCC

Bảng thông báo: Còn 11 "bánh mì treo" đầy yêu thương. Ảnh: NVCC

Chị Nhật Hân (chủ tiệm), cho biết ý tưởng "bánh mì treo" xuất phát từ việc thấy các quán "cơm treo" tại TP.HCM hoạt động. Cơm treo chính là khách hàng đến ăn cơm, trả tiền cho một suất cơm rồi 'treo' tại quán. Phần cơm ấy sẽ được tặng cho người vô gia cư, cụ già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ…

Khi xem được thông tin này, chị rất tâm đắc và mong rằng "cơm treo" sẽ được nhiều người biết đến hơn tại Việt Nam, để có thật nhiều nhà hảo tâm giấu tên lan tỏa tình yêu thương cho các mảnh đời khó khăn. Từ đó, chị thôi thúc mong muốn làm được điều gì đó tương tự. Thế là, "bánh mì treo" xuất hiện.

Mỗi ngày, chị Hân sẽ dành hơn 10 phần "bánh mì treo" tặng cho người khó khăn. Để lấy được ổ bánh mì hoàn toàn miễn phí này, bạn chỉ cần đọc "mật khẩu": "Cho 1 ổ bánh mì treo". Nếu ghé qua mà chủ tiệm chưa làm kịp thì hy vọng mọi người hoan hỉ chờ thêm vài phút.

Chị Đặng Thuỵ Nhật Hân (bên trái), chủ tiệm giúp khách trao tận tay bánh mì cho người khó khăn. Ảnh: NVCC


Chị Đặng Thuỵ Nhật Hân (bên trái), chủ tiệm giúp khách trao tận tay bánh mì cho người khó khăn. Ảnh: NVCC

Chị Hân cho biết đối với người dân Phú Yên, mô hình "cơm treo" hay "bánh mì treo" còn rất mới. Vì vậy, chị rất mong muốn mô hình này được nhân rộng. Ban đầu, bánh mì đa số được chủ tiệm tự bỏ tiền. Những ngày đầu chỉ có 1 người đến lấy bánh mì. Có hôm "bánh mì treo" bị ế cả ngày vì không có ai đến lấy. Thấy vậy, chị Hân vẫn bảo nhân viên làm sẵn 10 phần. Số bánh mì còn dư, chị và các bạn chạy xe đi phát dọc đường hoặc ở bệnh viện. Vừa đi, chị vừa bảo: "Tiệm của con ở đường Nguyễn Huệ. Nếu cô chú thiếu thì tới con tặng, còn mua thì con bán".

"Nghe vậy, nhiều cô chú cười. Chắc họ tưởng mình nói giỡn. Nhưng mình thấy sau vài hôm phát dọc đường như thế, khách tới tiệm nhận bánh mì ngày một nhiều hơn", chị nhớ lại.

Sau khi đăng tải thông tin về "bánh mì treo" trên mạng xã hội, Hân rất bất ngờ khi nhiều khách ngỏ lời muốn góp sức, ủng hộ. "Một số khách đến mua 1 ổ nhưng treo thêm 2, 3 ổ. Những ổ bánh mì đầy yêu thương ấy sẽ được nhân viên ghi sổ tỉ mỉ. Tuy nhiên, cũng có khách tới tiệm treo 1, 2 ổ nhưng nhân viên chưa kịp hỏi tên thì họ đã vội đi. Chúng tôi chỉ kịp ghi biển số xe", chị nói.

Những hôm không có khách "treo bánh mì", chủ tiệm cũng tự treo để người khó khăn không bị đói trong bữa ăn hôm đó.

Niềm vui của hai mẹ con khi nhận "bánh mì treo". Ảnh: NVCC

Niềm vui của hai mẹ con khi nhận "bánh mì treo". Ảnh: NVCC

Mặc dù vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng nghe đến "bánh mì treo" thì những cô chú lớn tuổi sẽ không hiểu. Nhiều khách góp ý tiệm nên đổi tên thành "Bánh mì 0 đồng".

"Sau nhiều suy nghĩ, tôi vẫn quyết định giữ cái tên "bánh mì treo". Chúng tôi nhờ mọi người nếu gặp cô chú nào khó khăn thì chỉ đến tiệm bánh mì hoặc truyền tai nhau có chỗ độc lạ như vậy để bà con biết về khái niệm này. Bên cạnh 10 phần bánh mì mỗi ngày sẵn sàng tặng khách, để ai khi tới tiệm cũng có bánh ăn, chúng tôi còn thoải mái làm thêm hoàn toàn miễn phí nếu hôm đó số lượng người nhận tăng đột biến", chị nói.

Nhật Hân cho biết chị cảm thấy rất vui khi tiệm bánh mì của mình xuất hiện đầu tiên tại TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên với mô hình yêu thương này. Chị hy vọng "cơm treo" hay "bánh mì treo" sẽ được mọi người biết nhiều hơn như câu: "Lá lành đùm lá rách".

"Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh lắm! Nếu có điều kiện, chúng ta hãy giúp đỡ nhau nhiều hơn", chủ tiệm chia sẻ.

Chị Hân cũng cho biết: "Hiện tại, người nhận vẫn chưa quá nhiều nên tiệm bánh mì không kêu gọi ủng hộ tiền. Tuy nhiên, vẫn có bạn bè, anh chị em thân thiết với mình tự nguyện đóng góp nhưng lại không muốn đưa tên. Ai cũng mong muốn mô hình bánh mì ấm áp tình người này sẽ có thật nhiều tiệm làm theo để không còn cái bụng nào bị đói nữa".

Có thể bạn quan tâm

Thư viện từ những bông hoa

Thư viện từ những bông hoa

Hoa là tượng trưng cho vẻ đẹp, sách là sản phẩm tri thức. Các bạn trẻ trong nhóm “Thư viện từ những bông hoa” đã tích hợp hai yếu tố đó làm một để chở theo những giấc mơ, mở ra chân trời mới cho trẻ em nghèo vùng cao.

Trao yêu thương đầu năm mới

Trao yêu thương đầu năm mới

(GLO)- Ngay khi năm mới 2025 vừa sang, nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tinh thần trao yêu thương đầu năm mới chính là lời cam kết đầy tình người, rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

(GLO)- Nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, một số tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc”, “Đường cờ Đảng” tại các thôn, làng. 

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

(GLO)- Đại úy Trần Thị Thu Hà-Trợ lý Quân y (Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh. Đặc biệt, chị còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games) tại Liên bang Nga.

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước.