Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện không chỉ nhờ sự chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, mà còn nhờ sự chăm sóc tận tụy của các điều dưỡng. Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Sự hi sinh thầm lặng của điều dưỡng được ngành Y tế, bệnh nhân và người dân ghi nhận; trong đó ngày 12-5 hàng năm là Ngày Điều dưỡng Quốc tế để tôn vinh những lặng thầm cống hiến trong chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng.

Những hi sinh thầm lặng

Điều dưỡng là những người thực hiện y lệnh của bác sĩ trong chăm sóc người bệnh và luôn sẵn sàng khi bệnh nhân cần giúp đỡ. Ở những khoa bệnh nặng, điều kiện không cho phép người nhà vào chăm sóc thì điều dưỡng sẽ đảm nhiệm chăm sóc bệnh nhân từ chăm sóc sức khỏe đến vệ sinh cá nhân…Công việc vất vả, nhưng sự yêu nghề, yêu bệnh nhân là động lực để họ gắn bó với nghề đã chọn.

Điều dưỡng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho trẻ sinh non. Ảnh: Như Nguyện

Điều dưỡng Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chăm sóc cho trẻ sinh non. Ảnh: Như Nguyện

Công tác trong ngành Y đã 17 năm, điều dưỡng Phạm Thị Thiện-Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai) chưa từng hối tiếc vì chọn nghề điều dưỡng. Chia sẻ công việc của mình, điều dưỡng Thiện nói: “Các bé vào Khoa Sơ sinh đa phần là sinh non, nhiều cháu sinh non cực nhẹ cân nên việc chăm sóc rất vất vả. Các điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện từ chăm sóc y tế đến vệ sinh cá nhân. Một người mẹ chăm sóc một con đã rất vất vả, trong khi một điều dưỡng phải chăm sóc 10 cháu, mà các cháu lại rất non nớt nên sự vất vả nhân lên gấp bội. Tuy vậy, với những người công tác trong ngành Y nói chung, điều dưỡng nói riêng khi đã chọn nghề Y là phải quyết tâm, nhiệt huyết với nghề và hết lòng vì người bệnh. Có như vậy sẽ vượt qua những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của người thầy thuốc.

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Gia Lai tiếp nhận thăm khám ngoại trú cho trên 400 bệnh nhi; số bệnh nhi điều trị nội trú hàng ngày trên 400 bệnh nhi. “Bệnh viện Nhi Gia Lai có 120 điều dưỡng, tùy theo đặc thù từng khoa mà tính chất công việc nặng-nhẹ khác nhau; trong đó các Khoa: Sơ sinh, Hồi sức tích cực chống độc là những khoa mà công việc vất vả và áp lực nhất”- điều dưỡng Chu Thị Kim Thanh- Phó Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi Gia Lai cho hay.

Gắn bó với nghề điều dưỡng 23 năm, Đại úy Nguyễn Như Bình-Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực-Bệnh viện Quân y 211) luôn tâm huyết với nghề đã chọn. “Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực là tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân nặng. Chúng tôi bắt đầu một tua trực từ 7 giờ sáng hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau, thường trực 24/24 giờ. Đặc biệt, tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân luôn có những diễn biến bệnh tật bất ngờ buộc người điều dưỡng phải theo dõi chăm sóc sát sao để kịp thời có mặt khi bệnh nhân cần. Vì vậy, hầu như trong tua trực, điều dưỡng không thể có giấc ngủ trọn vẹn. Công việc nhọc nhằn, áp lực nhưng với tinh thần yêu nghề, vì người bệnh mà chúng tôi đã vượt qua để chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh xuất việc là động lực, là niềm vui để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề”-điều dưỡng Bình tâm sự.

Đại úy Nguyễn Như Bình (bên trái)- Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Quân y 211) chăm sóc cho một bệnh nhân nặng. Ảnh: Như Nguyện

Đại úy Nguyễn Như Bình (bên trái)- Điều dưỡng trưởng Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Quân y 211) chăm sóc cho một bệnh nhân nặng. Ảnh: Như Nguyện

Tất cả vì người bệnh

Chăm sóc 2 cháu ngoại sinh đôi sinh non điều trị tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi Gia Lai), bà Đoàn Thị Hương (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: 3 tháng các cháu nằm viện điều trị đều nhờ công chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng mà đến nay sức khỏe các cháu đã ổn định. Lúc mới sinh, các cháu cân nặng dưới 1kg, nay đã tăng lên gần 4 kg/mỗi cháu và chuẩn bị được xuất viện. Gia đình xin cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã tận tình chăm sóc các cháu thời gian qua.

Điều dưỡng là những người nhẫn nại, tận tụy trong chăm sóc cho người bệnh, biết lắng nghe, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp, đặc biệt luôn bình tĩnh trong thăm khám, xử lý các tình huống. Không chỉ lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông nỗi đau bệnh tật của người bệnh, điều dưỡng còn chia sẻ với những mất mát, lo lắng của người nhà khi bệnh nhân trong cơn bệnh nặng, nguy kịch để từ đó kịp thời động viên giúp họ vững tâm và hợp tác điều trị.

Thiếu tá, thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Nam Giang-Chủ nhiệm Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Quân y 211) cho hay: Khối lượng công việc ở Khoa Hồi sức tích cực rất nhiều nên bác sĩ, điều dưỡng rất áp lực, vất vả trong công việc. Tuy vậy, với tinh thần phục vụ quân và dân một cách tốt nhất, mọi người đều nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân chóng hồi phục sức khỏe. Ảnh: Như Nguyện

Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân chóng hồi phục sức khỏe. Ảnh: Như Nguyện

Đánh giá về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, thạc sĩ, bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai nhận xét: Đằng sau một bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện ngoài vai trò điều trị của bác sĩ còn có sự đồng hành của người điều dưỡng. Điều dưỡng là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, điều trị và dành thời gian nhiều nhất cho bệnh nhân. Đặc biệt với đặc thù là Bệnh viện Nhi, các bé chưa thể diễn tả được tình hình bệnh tật, chưa thể khống chế cảm xúc những lúc đau ốm và có khi thiếu hợp tác nên các điều dưỡng gặp không ít khó khăn trong công việc. Để làm tốt nhiệm vụ, các điều dưỡng phải hết sức nhẫn nại, tận tụy, yêu nghề và tất cả vì người bệnh. Công việc vất vả nhưng hiện nay chế độ đãi ngộ đối với điều dưỡng vẫn chưa thật sự tương xứng với cống hiến mà họ đã và đang làm. Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp, ngành sẽ quan tâm nâng cao chế độ đãi ngộ cho ngành Y nói chung, các điều dưỡng nói riêng để động viên mọi người yên tâm công tác.

Có thể bạn quan tâm

Chị Nay H’Uôn (thứ 2 từ phải sang, buôn Ji, xã Krông Năng) cùng 4 người bạn vui mừng vì đã sẻ chia giọt máu hồng, trao thêm cơ hội được cứu sống cho các bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

Hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu hồng

(GLO)- Đông đảo tình nguyện viên huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tham gia buổi hiến máu tình nguyện vào sáng 28-6. Với họ, hiến máu không chỉ giúp phục vụ tốt hơn công tác cứu chữa bệnh nhân mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn vì cộng đồng.

Mang yêu thương về buôn làng

Mang yêu thương về buôn làng

(GLO)- Với tấm lòng yêu thương và chia sẻ, nhóm thiện nguyện “Kiên Giang chung một tấm lòng” đã lặn lội đến tận các buôn làng ở Gia Lai để trao tận tay những phần quà nghĩa tình cho người nghèo.

Chàng trai 9X ở Chư Sê khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi hươu sao

Chàng trai 9X ở Chư Sê khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi hươu sao

(GLO)- Từng có công việc ổn định ở nước ngoài, anh Đào Huy Phong (SN 1996, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở về Chư Sê khởi nghiệp từ mô hình nuôi hươu sao. Quyết định táo bạo ấy giúp anh có thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên quê hương.

Không để khó khăn cản trở ước mơ

Không để khó khăn cản trở ước mơ

(GLO)- Đó là những chia sẻ đầy xúc động của các sĩ tử đặc biệt tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại tỉnh Gia Lai. Có em bị khuyết tật bẩm sinh, có em không may bị tai nạn giao thông ngay trước kỳ thi, dẫu khó khăn nhưng các em vẫn không từ bỏ hành trình chinh phục tri thức.

Top 4 bộ sách kỹ năng sống trẻ em nên đọc trong mùa hè này

Top 4 bộ sách kỹ năng sống trẻ em nên đọc trong mùa hè này

Mùa hè được xem là khoảng thời gian để trẻ nghỉ ngơi, vui chơi và khám phá thế giới xung quanh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ nhỏ. Bốn bộ sách kỹ năng sống của Đinh Tị Books cho trẻ nhỏ dịp hè sẽ giúp các em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, để có một mùa hè thật vui và ý nghĩa.

“Cháy” hết mình với nghề

“Cháy” hết mình với nghề

(GLO)- Họ là những phóng viên luôn “cháy” hết mình với nghề. Không quản ngại khó khăn, họ sẵn sàng xông pha, dấn thân… để đem đến cho bạn đọc, khán thính giả những thông tin giá trị, hấp dẫn, sinh động và mang đậm hơi thở cuộc sống.

null