Trường THPT Pleiku nâng cao chất lượng dạy học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 10 và 11, Trường THPT Pleiku đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như nâng cao chất lượng dạy học.

Mới đây, toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Pleiku đã cùng tham gia hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng Chương trình GDPT 2018”.

Hội thảo lần đầu tiên được nhà trường tổ chức nhằm đánh giá chất lượng giảng dạy, công tác kiểm tra đánh giá năng lực học sinh; đồng thời, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế khi thực hiện chương trình mới. Đây cũng là cơ hội để giáo viên của trường cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó thống nhất về phương pháp giảng dạy, đánh giá năng lực học sinh.

Thầy Nguyễn Quang Phú hướng dẫn học sinh lớp 11 giải bài tập Toán. Ảnh: M.T

Thầy Nguyễn Quang Phú hướng dẫn học sinh lớp 11 giải bài tập Toán. Ảnh: M.T

Liên quan đến việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều bộ sách giáo khoa, cô Trần Thị Thịnh-Giáo viên Lịch sử-chia sẻ: Thuận lợi của tôi là đã được tiếp cận với cả 3 bộ sách giáo khoa: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo trong quá trình giảng dạy lớp 10, lớp 11 ở trường cũng như tại đơn vị đến biệt phái.

Nhờ đó, bản thân có thể lựa chọn những nội dung phù hợp của các bộ sách giáo khoa để đáp ứng nhu cầu, khả năng của từng học sinh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin cũng mất khá nhiều thời gian, công sức; chưa kể, giáo viên còn phải nâng cao kỹ năng soạn giảng, đổi mới phương pháp truyền đạt tới học sinh.

Theo Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đối với môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Cô Đỗ Thị Minh Nghiệp-Tổ trưởng Tổ Ngữ văn-nhìn nhận: Trên thực tế, muốn chọn được một ngữ liệu đúng và hay, thầy cô phải đầu tư nghiên cứu, đọc sách, báo và các tài liệu có liên quan. Các thể loại đưa vào chương trình rất đa dạng, có thể loại mới học sinh chưa tiếp xúc nhiều như văn học trung đại. Phần viết, nhất là nghị luận văn học cũng là thách thức lớn đối với học sinh nếu là lần đầu các em được tiếp cận với ngữ liệu trong đề. Vì vậy, chúng tôi phải tìm ngữ liệu có độ dài phù hợp với thời lượng kiểm tra và tương đương về mặt thể loại, nội dung trong sách giáo khoa học sinh được học.

Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học, giáo viên các tổ chuyên môn còn tích cực chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo phương án đã chốt của Bộ GD-ĐT, kỳ thi sẽ có 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Thầy Nguyễn Quang Phú-Tổ phó Tổ Toán-thông tin: Trên cơ sở cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các giáo viên trong Tổ đã tiến hành phân tích, nghiên cứu các đề thi minh họa; đồng thời, phân công mỗi thành viên tiến hành biên soạn đề ôn tập sau mỗi bài học, chương để tạo ngân hàng đề của Tổ và sử dụng cho học sinh ôn tập, làm quen với cấu trúc định dạng đề mới (gồm 3 phần: trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm dạng đúng/sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn).

Theo Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức kiểm tra đánh giá cũng có nhiều đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Theo Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức kiểm tra đánh giá cũng có nhiều đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, cô Tô Minh Lan-Tổ trưởng Tổ Tin học-cho biết: Tin học là 1 trong 2 môn lần đầu tiên sẽ xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, do đó, chúng tôi xác định việc xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập chất lượng là vô cùng quan trọng để chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, tâm thế cho các em học sinh. Bám sát khung chương trình của Bộ GD-ĐT, chúng tôi chia nhỏ thành từng chủ đề theo nội dung; chuẩn bị tài liệu giảng dạy phong phú; kết hợp giữa dạy học trực tiếp, thảo luận nhóm, thực hành trên máy tính và bài tập cá nhân…

Ngoài ra, việc kiểm tra sau mỗi đơn vị bài học cũng được duy trì nhằm đánh giá sự tiến bộ của học sinh và kịp thời củng cố, bổ sung cho những em còn hổng kiến thức.

Được biết, trước khi tổ chức hội thảo chuyên đề, Trường THPT Pleiku cũng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học theo chương trình mới như: tổ chức các đợt thao giảng dạy tốt, thi thực hành dạy giỏi cấp trường cho giáo viên; chỉ đạo giáo viên hoàn thiện các tiết dạy sau góp ý để bổ sung vào kho học liệu tham khảo dùng chung của trường; đánh giá hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại lớp học và ngoài nhà trường…

Phó Hiệu trưởng nhà trường Võ Thị Thanh Bình cho hay: Thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập sao cho phù hợp; sĩ số học sinh/lớp khá đông dẫn đến khó tổ chức hoạt động theo nhóm 8-10 em; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; điều kiện học tập, trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều…

Tuy vậy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tự trau dồi chuyên môn để cùng với tỉnh triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.