Chiều quê thơm mùi tóc mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những lần về quê, khi ráng chiều buông dài trên xóm nhỏ, tôi thường len lỏi dưới những tán cây quanh nhà, nâng niu hái từng chiếc lá sả, lá chanh.

Có sẵn thì thêm vài lát vỏ bưởi, vỏ quýt, rửa sạch tất cả rồi nấu một nồi nước tắm thơm lừng. Tôi chọn hái những chiếc lá đã già nhưng vẫn căng tràn diệp lục, để lại đám lá non đầu cành cho chúng được tiếp tục đắm mình trong khí trời, phiêu diêu cùng nắng gió.

Khi những hòn than trong lò đã hừng, tôi đặt nồi nước lá lên, đợi nước sôi sẽ gặp lại một mùi hương nồng ấm. Mùi hương từ những chiếc lá thảo thơm vườn nhà đan vào sợi gió lùa qua gian bếp của mẹ, len thật sâu giữa lòng người gợi thức những xa xôi.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Được khỏa lên người làn nước ấm cùng mùi hương bềnh bồng, những nỗi buồn lưu cữu như được gột rửa, khiến tôi thổn thức nhớ. Trong miền nhớ, nghiêng nghiêng bóng mẹ gội đầu bên vành giếng cũ, từng giọt nước theo nhau réo rắt nhỏ xuống chiếc thau đồng.

Với tôi, một trong những hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ quê chính là lúc họ gội đầu bên vành giếng bàng bạc dấu rêu xanh. Đó là thuở mái đầu của mẹ chưa nhuốm màu mây trắng và những sợi tóc còn dày dẫu đã ngấm nhiều gió sương.

Làn nước giếng loang loáng soi khuôn mặt của mẹ thảnh thơi, bình lặng, bao vướng bận dường như tan hết vào mùi hương dịu đằm từ hoa lá. Chỉ còn tiếng chim thánh thoát như kết thành chuỗi dài buông xuống gốc xoài già cạnh giếng. Và, đôi khi tiếng hát bất chợt ngân nga, nhỏ nhẹ của mẹ hòa vào những tà gió thơm cuối ngày.

Có phải khi phụ nữ gội đầu cũng là lúc những riêng tư thương nhớ hóa thành dòng chảy thao thiết xuôi về, gặp miền ký ức của ngày son trẻ. Bao niềm vui cũ bỗng hóa thành giọt nắng ngân ngấn trên mắt mẹ và những sợi tóc như đang thì thầm kể lại một quãng đời thiếu nữ. Có phải mẹ đang quay về những buổi chiều xưa giặt áo nơi bến sông hoa rơi lất phất, những đêm trăng mười sáu bổi hổi khúc ca dao?

Lúc gội đầu, bao dãi dầu thương khó một đời tựa hồ đã lùi sau lưng mẹ, bàn tay mẹ dịu dàng luồn trong mái tóc xõa dài. Mùi hương nhẹ bẫng như níu bóng chiều buông xuống chầm chậm và vẫn còn bịn rịn trên tóc mẹ mấy ngày sau đó. Vạt khói lam chòng chành bay lên từ mái bếp nhà bên, trôi mải miết về phía mảnh trăng cong neo ở lưng trời.

Năm rộng tháng dài, không ai đứng ngoài chiếc bóng vô tận của thời gian. Những ngày nắng ấm, gió dìu dặt thoáng đãng, dưới mái hiên sau, mẹ cũng thường gội đầu cho ngoại. Tôi nhớ ngoại hay mặc áo nâu sồng, nhìn xa xôi ra khu vườn um tùm những vạt lá chuối. Mẹ ngồi phía sau, từng cử chỉ ân cần, chăm chú giữa màn hơi nước la đà. Tôi không biết mẹ và ngoại đã nghĩ gì trong những khoảnh khắc như thế, chỉ nhận ra một niềm ấm áp khẽ len lỏi vào tâm hồn tôi và tất cả như đang an trú dưới mảnh trời của tình thương sâu đậm. Ngay lúc ấy, trái tim tôi dường như cất tiếng, rằng tổ ấm của tôi là đây, nơi tôi mãi thuộc về là đây.

Những lần gói ghém quay về, khỏa làn nước mát rửa hết bụi đường lấm vương, tôi nhớ cái giếng trước nhà giờ đã không còn nữa. Chỉ còn cái ảng nước sóng sánh ánh trăng, vào những đêm thanh bình làn gió bay ngang chở đầy mùi ổi chín. Cái ảng nước dường như luôn cất giữ bao điều bí mật. Đâu đó, tôi nhận ra mùi thơm nguyên sơ của nước lắng sâu từ mạch nguồn đất mẹ, cây cỏ. Những mùi hương của giọt mưa đầu mùa, của lá khô mục ải, mùi khói củi thanh lành, quả đu đủ chín vàng bên chái bếp. Tất thảy chỉ được tìm thấy khi bàn chân đang đứng giữa quê nhà. Cúi đầu bên ảng nước, cánh hoa níu gió rơi xuống thật khẽ, làm xao động một mảnh trời quê trong veo.

Và, mùi tóc mẹ như đang man mác tỏa ra từ tâm tưởng, khi tôi ngồi viết những dòng này!

Có thể bạn quan tâm

Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...
Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

Hoàng hôn đâu phải để lụi tàn

(GLO)- Đôi khi, lòng hay tự hỏi: hoàng hôn dành cho ai, cho người trẻ hay tuổi già? Có phải, hoàng hôn ẩn dụ cho những gì đang gói ghém đi về miền xa cuối? Nó bầu bạn với cô đơn và gợi nhắc cái lụi tàn.
Rau dớn

Rau dớn

(GLO)- Khi đi ngang qua hàng rau trong chợ, tôi đã dừng chân thật lâu trước những bó rau dớn xanh mướt, non mởn của bà con Jrai đem bán. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy món rau dân dã này. Bao kỷ niệm chợt ùa về trong tôi. Không trả giá, tôi nhanh chóng mua ngay vài bó mang về.

Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Những cái nắm tay

Những cái nắm tay

(GLO)- “Gặp nhau tay bắt mặt mừng” từ lâu đã thành câu cửa miệng khi nói về giao tiếp và ứng xử trong giao tiếp. Điều này thể hiện sự bặt thiệp của đôi bên.
Bát nước chè xanh

Bát nước chè xanh

(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.
Khúc giao mùa

Khúc giao mùa

(GLO)- Mấy hôm nay, phố núi Pleiku có dấu hiệu chuyển mùa đổi tiết. Bầu trời không xanh trong miên man như những tháng đầu mùa khô, dù mỗi buổi mai, nắng vẫn ửng vàng trên những vòm cây xanh sẫm.
Cô bán rau

Cô bán rau

Huệ bán rau ở phố này cũng đã hơn hai năm. Ấy vậy mà chẳng ai hỏi tên Huệ là gì. Nếu cần mua rau, người ta chỉ ới một câu trống không: "Này, rau"... là cô đã quay ngay lại rồi.
Trà my quyến rũ

Trà my quyến rũ

(GLO)- Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.
Đợi mùa măng le

Đợi mùa măng le

(GLO)- Khi mới sáng sớm mà trời dày đặc sương và ngày nắng nóng lên đến cực điểm là Tây Nguyên chuẩn bị bước sang mùa mưa, mùa của xanh lúa, xanh nương, mùa thu hoạch của bao nhiêu sản vật dưới tán rừng...