Chuyến thăm lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thông điệp chúc mừng Quốc khánh Việt Nam ngày 2-9 vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, ông đang rất trông chờ vào 'chuyến thăm lịch sử' tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9 của Tổng thống Joe Biden. Đánh giá đó chắc chắn không phải là ngẫu nhiên.

Trước hết, đó là lần đầu tiên một Tổng thống của Hoa Kỳ sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Điều này khẳng định cả hai bên đều rất coi trọng chuyến thăm này. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất theo thể chế chính trị của Việt Nam, mời và chủ trì đón Tổng thống Joe Biden đã khẳng định cả hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau, theo đúng nguyên tắc đã được hai bên công bố khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện cách đây đúng 10 năm.

Với chuyến thăm lần này của ông Joe Biden, Việt Nam là một trong rất ít nước mà tất cả các đời Tổng thống Hoa Kỳ, dù là thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đều tới thăm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nội bộ Hoa Kỳ, dù có thể đang bị phân hóa trong một số vấn đề, nhưng lại đồng thuận cao trong chủ trương thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam, coi trọng vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Chuyến thăm của ông Joe Biden tới Việt Nam đúng vào thời điểm 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện. Nhưng chắc rằng hai nước không chỉ dừng ở việc tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện. Lãnh đạo hai bên đều khẳng định việc thiết lập đối tác toàn diện 10 năm trước là một quyết định đúng đắn. Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển đúng hướng, tích cực và hiệu quả suốt 10 năm qua.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực 10 năm qua đã có những biến chuyển nhanh chóng và khó lường. Những thách thức ngày càng tăng, cả về an ninh chính trị, kinh tế - xã hội và thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19,… Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những cơ hội mới cho tất cả các quốc gia nếu biết tận dụng đúng thời điểm và đúng cách.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2015. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2015. Ảnh: TTXVN

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định các mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng xác định mục tiêu đối ngoại là “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việc nâng tầm phát triển quan hệ với Hoa Kỳ cũng nằm trong chủ trương, chính sách đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác quan trọng mà Đại hội XIII đã vạch ra.

Về phần mình, Hoa Kỳ luôn đánh giá Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng và có “vai trò chủ chốt” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mong muốn nâng tầm hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và nhiều quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã liên tiếp thăm Việt Nam trong hai năm qua.

Thời kỳ hậu Covid-19, hai bên đều có nhu cầu tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Trước chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm quan trọng vào tháng 3 vừa qua. Hai nhà lãnh đạo nhất trí chủ trương làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken vào tháng 4 cũng đã khẳng định quyết tâm nâng tầm quan hệ hai nước.

Vì lẽ đó, dư luận trông chờ chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là dịp rất tốt để lãnh đạo hai nước đưa ra những định hướng mới theo hướng nâng quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.

Hợp tác kinh tế thương mại chắc chắn sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng hàng đầu của quan hệ hai nước trong những năm tới. Ngoài những lĩnh vực truyền thống, hiện đang xuất hiện cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trên những lĩnh vực ưu tiên mới của cả hai.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đánh giá, Việt Nam đang nổi lên như một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Do đó, Hoa kỳ có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, hai nước cũng có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mới khác như: ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chúng ta mong chờ vào những kết quả tốt đẹp, mang tầm chiến lược, lâu dài và ổn định cho quan hệ hai nước để chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thực sự mang tính chất “lịch sử” như kỳ vọng.

NGUYỄN QUỐC CƯỜNG - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam
tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2011-2014

Có thể bạn quan tâm

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Cả nước đang sôi sục chuyển mình theo lời hiệu triệu khẩn thiết của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm. Một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với những giải pháp quyết liệt thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài Chỉ thị 45/CT-TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài trong tình hình mới...