Tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi tuyến đường ở thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) khi thi công mở rộng, nâng cấp đều nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Không chỉ đóng góp kinh phí, bà con còn hiến đất và tự nguyện di dời vật kiến trúc để thi công đúng tiến độ.
Gia đình bà Nông Thị Mui (tổ 12) hiến 25 m2 đất và dời hàng rào sắt vào sát nhà để thi công đường giao thông ở tổ. Ảnh: Thiên Di

Gia đình bà Nông Thị Mui (tổ 12) hiến 25 m2 đất và dời hàng rào sắt vào sát nhà để thi công đường giao thông ở tổ. Ảnh: Thiên Di

Nhìn từng tốp thợ đang khẩn trương thi công tuyến đường chạy ngang qua nhà mình, bà Nông Thị Mui (tổ 12) hiện rõ niềm vui. Bà bộc bạch: “Đầu năm vừa rồi, khi nghe Nhà nước có chủ trương làm con đường giao thông ngang qua nhà, gia đình tôi quyết định tháo toàn bộ phần cửa sắt, hàng rào và lùi vào 1,5 m. Nếu yêu cầu bồi thường cho 12 m đất và phần cửa sắt trước hiên thì nhà tôi cao nhất xóm. Có điều là có đường mới rộng rãi, khỏi phải thấy cảnh lầy lội và mất mỹ quan đô thị, tiếc gì mà không hiến đất và di dời hàng rào cơ chứ”.

Ông Siu Diem-Tổ trưởng tổ dân phố 12-cho biết: “Trong tổ, người Jrai và Tày, Nùng chiếm số đông. Điều kiện kinh tế của bà con khó khăn hơn các tổ khác. Tuy nhiên, khi Nhà nước có chủ trương làm đường giao thông, người dân hưởng ứng rất tích cực. Năm 2022, huyện cấp kinh phí mở đường Đ37 từ 5 m rộng ra 9 m, mấy chục hộ dân sinh sống dọc theo con đường này đều tự giác di dời vật kiến trúc, hiến đất làm đường. Năm nay sẽ làm thêm 2 con đường với chiều dài khoảng 460 m. Khi chúng tôi vận động, 65 hộ dân sinh sống ở dọc hai bên đường đều thống nhất là tự di dời hàng rào vào mỗi bên khoảng 1,5 m”.

Dẫn chúng tôi ra phía hông nhà, nơi có dãy tường bao kiên cố bị đập nham nhở, ông Phùng Văn Sau (tổ 13) kể: “Hàng rào này xây cách đây mấy năm rồi, hết khoảng 30 triệu đồng. Đợt rồi, nghe cán bộ thị trấn xuống vận động hiến đất để đổ bê tông con đường sát nhà, tôi đồng ý ngay. Chúng tôi đã đập bỏ tường rào xây xi măng dài hơn 30 m và lùi vào khoảng 1 m, làm hàng rào tạm bằng lưới B40 để đơn vị thi công chuẩn bị làm đường. Năm trước làm con đường trước nhà, chúng tôi cũng đóng góp 1 triệu đồng. Bây giờ con đường đó đã được đổ bê tông phẳng lì, bà con trong tổ ai cũng phấn khởi”.

Gia đình ông Phùng Văn Sau (tổ 13, thị trấn Phú Thiện) tự đập tường rào và tự nguyện hiến đất làm đường. Ảnh: T.D

Gia đình ông Phùng Văn Sau (tổ 13, thị trấn Phú Thiện) tự đập tường rào và tự nguyện hiến đất làm đường. Ảnh: T.D

Trao đổi với P.V, ông Kpă Quang-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-thông tin: Trên địa bàn có 147 tuyến đường nội thị. Những năm qua, thực hiện chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, 50 tuyến đường được bê tông hóa. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, phong trào hiến đất, vật kiến trúc và đóng góp tiền làm đường nội thị lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2022, có 1,8 km đường giao thông nội thị ở các tổ: 5, 6, 8, 13 được bê tông hóa, trong đó, kinh phí nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng, người dân đóng góp số tiền còn lại và hiến hơn 776 m2 đất. 6 tháng qua, thị trấn triển khai thi công nâng cấp, sửa chữa được 1,7 km đường nội thị ở 7 tổ dân phố. Để thi công những tuyến đường này, người dân ở 7 tổ đã hiến hơn 3.300 m2 đất để mở rộng mặt đường và tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc.

“Khi chuẩn bị làm đường, chúng tôi xuống tổ họp với bà con để lấy ý kiến. Đối với hộ nào chưa thống nhất với chủ trương, UBND và các tổ chức đoàn thể ở thị trấn cùng xuống nhà vận động. 2 năm qua, khi thi công đường nội thị, kinh phí bồi thường rất ít mà chủ yếu bà con tự nguyện hiến đất, di dời vật kiến trúc. Ngoài ra, trong quá trình thi công mở rộng tuyến quốc lộ 25 ngang qua địa bàn thị trấn, người dân cũng hiến đất và tháo dỡ vật kiến trúc. Dự kiến, năm 2024 sẽ thi công mở rộng, nâng cấp 2,5 km đường nội thị. Hiện chúng tôi cũng đã triển khai cho các tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí và hiến đất, vật kiến trúc. Theo thông tin từ một số tổ dân phố báo lại thì người dân thống nhất với chủ trương này”-ông Quang cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.