Người dân mong được miễn giảm các khoản phí sau khi hiến đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ tay về con đường bê tông đi qua trước nhà, chị Rơ Châm Úk (làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết: Con đường này trước đây chỉ rộng 3 m. Mới đây, người dân đã hiến đất để mở rộng đường lên 5 m. Trong đó, gia đình chị hiến hơn 300 m2 đất. Sau khi hiến đất, chị tiến hành đăng ký biến động đất đai thì tốn một khoản để chi trả lệ phí, phí thẩm định và tiền dịch vụ đo đạc.

“Diện tích đất của gia đình tôi là 1.200 m2, sau khi hiến đất còn gần 900 m2. Khi làm lại các thủ tục liên quan đến đất đai đều phải tốn các khoản phí liên quan. Do đó, tôi mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ khi người dân hiến đất làm đường”-chị Úk nói.

Chị Rơ Châm Úk (làng Kép, xã Ia Phí) bên con đường bê tông mà gia đình đã hiến đất để mở rộng. Ảnh: N.H

Chị Rơ Châm Úk (làng Kép, xã Ia Phí) bên con đường bê tông mà gia đình đã hiến đất để mở rộng. Ảnh: N.H

Tương tự, ông Rơ Châm Der (làng Kép, xã Ia Phí) cho hay: Ông có mảnh đất rộng hơn 4.000 m2. Hiện tại, ông đã chia cho các con làm nhà nhưng chưa làm thủ tục tách thửa. Năm 2022, ông và các con đã hiến hơn 60 m2 để mở rộng con đường đi qua trước nhà. Sau khi hiến đất, ông muốn làm thủ tục tách thửa để cho các con. Theo quy định, ông phải làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vì diện tích đã giảm.

“Khi làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ, tôi phải đóng lệ phí, phí thẩm định và tiền dịch vụ đo đạc, trong đó, phí đo đạc hơn 2,3 triệu đồng, phí thẩm định cũng khá cao. Sau khi đổi GCNQSDĐ, tôi lại tốn một khoản phí để làm thủ tục tách thửa. Vì thế, tôi mong Nhà nước hỗ trợ một phần phí đo đạc, thẩm định cho gia đình khi làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ”-ông Der trình bày.

Theo ông Rơ Châm Phenh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí, từ năm 2016 đến nay, xã tiến hành mở rộng và làm mới 31 tuyến đường, trong đó có 8 tuyến đường vận động người dân hiến đất với tổng diện tích hơn 10.800 m2. Sau khi hiến đất, do diện tích đất giảm nên các hộ phải làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ, vì thế tốn nhiều khoản phí.

“Trên thực tế, người dân chưa nhất thiết phải làm đăng ký biến động ngay sau hiến đất. Tuy nhiên, nếu gia đình có nhu cầu tách thửa để chia đất cho các con hoặc làm một số thủ tục liên quan đến đất đai thì buộc phải làm thủ tục cấp đổi lại GCNQSDĐ. Khi tìm hiểu các khoản phí phải đóng, nhiều hộ chưa thể thực hiện được. Do đó, xã mong cấp thẩm quyền hỗ trợ tiền đo đạc và các khoản phí khác trong việc đăng ký biến động sau hiến đất để người dân bớt khó khăn hơn”-ông Phenh đề xuất.

Tương tự, người dân xã Đak Tơ Ve cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ các khoản phí đăng ký biến động sau hiến đất. Ông Ksor Lý-Trưởng thôn Tuyết-cho hay: Tuy đời sống người dân còn rất khó khăn nhưng vẫn tích cực hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình công cộng. “Vì thế, chúng tôi mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lệ phí thực hiện đăng ký biến động đất đai để bà con bớt khó khăn. Hoặc trong các văn bản luật cần có các quy định miễn, giảm các loại phí đăng ký biến động đối với các trường hợp hiến đất. Ngoài ra, cũng cần miễn, giảm phí đo đạc, cấp GCNQSDĐ lần đầu nhằm giúp người dân yên tâm về pháp lý thửa đất cũng như có điều kiện vay vốn đầu tư phát triển kinh tế”-ông Lý nói.

Ông Der (ngoài cùng bên trái) trình bày nguyện vọng của mình được miễn, giảm phí đăng ký biến động sau hiến đất làm đường. Ảnh: Nhật Hào

Ông Der (ngoài cùng bên trái) trình bày nguyện vọng của mình được miễn, giảm phí đăng ký biến động sau hiến đất làm đường. Ảnh: Nhật Hào

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Anh Tuệ-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Păh-thông tin: Trước đây, theo Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, việc đăng ký biến động đất đai do thay đổi kích thước, diện tích đất sẽ được đính chính tại trang 4 của GCNQSDĐ nên người dân chỉ tốn lệ phí cấp giấy và tiền dịch vụ đo đạc mà không mất phí thẩm định.

Tuy nhiên, hiện nay, theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” thì việc đo đạc, xác định lại diện tích, kích thước thửa đất đều phải làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải nộp đầy đủ các khoản: lệ phí cấp giấy, phí thẩm định và tiền dịch vụ đo đạc theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh về ban hành bộ đơn giá sản phẩm.

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 và Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh thì chỉ có người dân ở các xã đặc biệt khó khăn mới được miễn phí thẩm định hồ sơ và vẫn phải đóng lệ phí cấp giấy và tiền dịch vụ đo đạc. Đối với các xã còn lại không thuộc vùng đặc biệt khó khăn thì trường hợp nào có quyết định thu hồi và bồi thường để triển khai xây dựng các công trình của Nhà nước mới được miễn phí thẩm định, phí đo đạc và đóng lệ phí cấp giấy; các trường hợp khác dù hiến đất nhưng không yêu cầu thu hồi, bồi thường thì vẫn phải thực hiện việc đóng đầy đủ các khoản phí theo Nghị định số 148.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.