Cào sò ở vịnh Xuân Đài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi triều cường xuống, vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu, Phú Yên) lộ ra bãi bùn cát trải dài. Đó là lúc vùng vịnh này trở nên nhộn nhịp bởi những người mưu sinh bằng nghề cào sò.

Vịnh Xuân Đài của TX.Sông Cầu (Phú Yên) nổi tiếng với nhiều loại thủy sản như ghẹ, hàu, sò… đặc biệt là tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm ở đây phát triển mạnh nên vùng đất này được mệnh danh là thủ phủ tôm hùm. Nhưng không phải ai ở TX.Sông Cầu đều trở thành tỉ phú, mà có nhiều người cuộc sống mưu sinh gắn liền với công việc cào sò bung ở vịnh Xuân Đài khi triều cường xuống.

Một góc vịnh Xuân Đài. Ảnh: ĐỨC HUY

Một góc vịnh Xuân Đài. Ảnh: ĐỨC HUY

NGÓNG CON NƯỚC CẠN

Vịnh Xuân Đài mênh mông nước khi triều lên, còn khi triều cường xuống để lộ bãi cát bùn rộng hàng trăm mét ven theo bờ vịnh. Dọc con đường liên xã Xuân Phương, TX.Sông Cầu có một khu mặt vịnh rộng chừng hơn 1 ha. Ở đó có hàng trăm người dân, chủ yếu là phụ nữ lúp xúp, nối đuôi nhau ngồi cào sò bung.

Công cụ hành nghề của họ khá đơn giản, gồm một cây cào, bay hoặc cuốc loại nhỏ, một thùng nhựa, cái rổ đựng sò bắt được. Với những người chuyên nghiệp hơn thì dùng những cây cào lớn cán dài, thùng xốp để bắt sò ở những khu vực nước sâu.

Người đi cào sò bung thường là phụ nữ vì ngoài công việc nhà, họ tranh thủ những lúc rảnh rỗi, triều cường xuống đi cào sò để kiếm thêm thu nhập. Thông thường, công việc của họ bắt đầu từ sáng sớm đến trưa, hoặc từ đầu giờ chiều đến tối, tùy theo thời điểm con nước thủy triều lên, xuống trong tháng.

Gần trưa, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Kim Thỏa (47 tuổi, ở xã Xuân Phương) vẫn cầm bay cạo soàn soạt lớp cát để tìm con sò. Công việc cào sò chính là nguồn thu nhập chính cho gia đình bà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chồng bà Thỏa năm nay ngoài 50 tuổi, bị bệnh hen suyễn nhiều năm nay nên chẳng thể đi biển, cũng không làm được việc nặng nhọc. Gia đình bà có 4 người con thì 2 con gái lớn đã lấy chồng, cuộc sống cũng không mấy dư dả. Hai con nhỏ của bà vẫn đang trong tuổi ăn, tuổi học, nên tất cả gánh nặng kiếm sống dồn lên vai bà.

Hằng ngày, ngoài thời gian đi làm thuê, bà Thỏa luôn ngóng con nước cạn để ra đầm cào sò. Bất chấp thời tiết giá rét, mỗi ngày bà Thỏa đều chăm chỉ ngồi cào sò. Bà thường là người kiên trì đi sớm, về muộn nhất để kiếm thêm ít tiền chăm chồng, nuôi con.

"Ngư dân sống ở vùng biển Sông Cầu này hầu hết nếu không mua sắm tàu thuyền đánh bắt thì đầu tư nuôi tôm hùm. Riêng tôi hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có vốn đầu tư, hơn nữa chồng tôi bị bệnh nên sức khỏe không phù hợp với những công việc đó. Vì vậy, cuộc sống gia đình tôi đành nhờ vào việc cào sò và làm thuê cho người ta", bà Thỏa tâm sự.

Sò bung có giá vì là món ăn đặc sản. Ảnh: ĐỨC HUY

Sò bung có giá vì là món ăn đặc sản. Ảnh: ĐỨC HUY

TỪ THỨC ĂN GIA ĐÌNH TRỞ THÀNH ĐẶC SẢN

Sò bung có hình dáng gần giống con nghêu, sống nhiều ở ven các bãi bùn quanh đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài

(TX.Sông Cầu). Vào mùa gió bấc về cũng là lúc con sò bung chắc thịt và ngọt nhất nên người dân tập trung khai thác loại đặc sản này. Những khi thủy triều xuống, mặt đầm cạn nước làm lộ ra những bãi bùn rộng lớn, là nơi trú ngụ của rất nhiều loại hải sản ven bờ, trong đó có sò bung. Lúc này, người thì đi cào sò, người bắt ốc.

Sò bung thường sống ngay trên mặt bùn, nên chỉ cần cào nhẹ lớp bùn khoảng trên dưới 10 phân là gặp. Những người trẻ tuổi, dạn tay thì ra khu vực nước sâu để cào sò lớn và được nhiều hơn. Phụ nữ, người già thường chỉ có thể cào ở khu vực nước cạn, nên con sò cũng nhỏ và ít hơn.

Với những người có kinh nghiệm, thường sẽ chọn vị trí ít người, quan sát mặt bùn tìm những hang sò để bắt trọn ổ. Nếu cào đúng hang lớn sẽ bắt được rất nhiều sò. Còn phần lớn người dân ở đây chỉ cào đại trà, gặp đâu cào đấy. "Có những lúc gặp được hang nhiều sò, bắt mãi không biết chán. Nhưng cũng có lúc đào mãi chỉ gặp được vài con sò bé tí, đi cả buổi cũng không đủ ngày công", bà Thỏa cho hay.

Người dân khai thác sò bung bằng cách cào lớp bùn trên mặt. Ảnh: ĐỨC HUY

Người dân khai thác sò bung bằng cách cào lớp bùn trên mặt. Ảnh: ĐỨC HUY

Theo người dân các xã sinh sống gần vịnh Xuân Đài, trước đây họ chỉ cào sò bung để phục vụ bữa ăn gia đình, hoặc khi nhà có khách đến thăm có thêm món sò cho bữa ăn phong phú. Nhưng kể từ khi sò bung trở thành đặc sản thì rất nhiều thương lái đến thu mua để cung cấp cho các nhà hàng.

"Bây giờ sò bung trở thành món ăn đặc sản của Sông Cầu nên người dân tranh thủ cào sò để bán kiếm thêm thu nhập. Sau một buổi sáng, hai mẹ con cào được tầm 15 - 20 kg sò. Với giá 15.000 đồng/kg, mỗi ngày 2 mẹ con kiếm được chừng hơn 200.000 - 300.000 đồng", bà Bảy Đồng (ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương), một người cào sò, bộc bạch.

Theo bà Bảy Đồng, sò bung sau khi khai thác được các thương lái đến tận nơi thu mua, giá cả tùy thời điểm sò nhiều hay ít. Bà Bảy Đồng chia sẻ: "Trước đây đi cào sò chủ yếu là phụ nữ, trẻ em hoặc người già, vì công việc này cũng không nhiều nặng nhọc. Thời gian gần đây vì biển đói nên nhiều thanh niên cũng tranh thủ đi cào sò để kiếm thêm nguồn thu nhập".

Thương lái thu mua với giá xoay quanh 15.000 đồng/kg, nhưng đem bán cho chủ nhà hàng thường gấp đôi: 30.000 đồng/kg, nếu chế biến thành món ăn đặc sản thì lên tới

60.000 - 80.000 đồng/kg. "Sau khi mua về, rửa sạch bùn bên ngoài rồi ngâm cho sò nhả bùn bên trong thì mới chế biến được. Loại sò này ăn rất ngon nên du khách rất thích. Hơn nữa, giá cả cũng phù hợp nên du khách đến quán hay chọn món này", một chủ quán hải sản ở TX.Sông Cầu cho biết.

Anh Nguyễn Quốc Vũ (ở thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương) cho biết khi biển nhiều cá, hầu như chỉ có phụ nữ, trẻ em mới đi cào sò bung, còn thanh niên, đàn ông thì đi biển hoặc đánh bắt quanh đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài cũng đủ sống. "Năm nay biển đói, cá trong đầm cũng rất ít nên tôi tranh thủ lúc rỗi việc đi cào ít sò về bán. Từ sáng đến giờ, người đi cào quá đông nên tôi chỉ cào được tầm 2 rổ sò, bán chỉ đủ tiền cho vợ đi chợ trong ngày", anh Vũ thổ lộ.

KHAI THÁC NHƯNG BẢO TỒN

Các đầm vịnh ở TX.Sông Cầu rất đa dạng về thủy sản, đặc biệt ở vùng này nổi tiếng với ghẹ, sò, ốc vì rất ngon. Cũng chính nguồn lợi thủy này đã giúp người dân mưu sinh hằng ngày. Vì thế, dù sò bung thành món đặc sản phục vụ du khách, người dân nơi đây khi cào sò vẫn luôn ý thức chỉ khai thác sò lớn, còn sò nhỏ để lại phát triển sinh sản, tái tạo nguồn giống.

Việc người dân có ý thức bảo tồn loại sò này xuất phát từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng TX.Sông Cầu nỗ lực tuyên truyền đánh bắt các loại thủy sản ven bờ.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới người dân việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh đánh bắt hủy diệt, khai thác tận diệt các loại thủy sản ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Qua đó, cùng với ý thức người dân bảo tồn nguồn lợi thủy sản cũng chính là bảo vệ nguồn sống của mình, nên những năm gần đây các loại thủy sản trong đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài phát triển mạnh trở lại, điển hình là ghẹ, các loại ốc, sò… Hiện nay, ngoài tôm hùm, các loại thủy sản này đã trở thành những món ăn đặc sản của TX.Sông Cầu, góp phần giúp nhiều người sống quanh đầm có công việc để mưu sinh".

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.