"Trói chân" bác sĩ, cần không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một chuyện hy hữu xảy ra trong ngành y: Sở Y tế tỉnh Bình Dương có văn bản gửi đến tất cả cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên cả nước yêu cầu không tiếp nhận 6 bác sĩ của tỉnh này.
  • Vì sao lại có công văn lạ đời đến vậy? Nguyên nhân được Sở Y tế tỉnh Bình Dương giải thích ngắn gọn: Cả 6 bác sĩ trên được Sở Y tế cấp kinh phí đi học và hỗ trợ tiền thu hút nhân lực nhưng khi ra trường lại nghỉ việc, không phục vụ tại địa phương như cam kết.

Câu chuyện đúng - sai còn tranh cãi dài ở nhiều khía cạnh như căn cứ cam kết của đôi bên, quy định về việc cử đi học, việc bố trí việc làm có phù hợp… và có khi phải cần đến tòa án phân giải. Nhưng trước hết, việc yêu cầu các cơ sở y tế trên cả nước không được tiếp nhận những bác sĩ trên là điều khó có thể chấp nhận.

Một trong những quyền cơ bản nhất được Hiến pháp 2013 quy định là công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Sở Y tế một tỉnh không thể ra văn bản ngăn cản quyền này khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận cụ thể về sai phạm của các bác sĩ trên.

Về mặt pháp lý, nếu những bác sĩ trên không thực hiện cam kết thì có các cơ quan chức năng phân xử. Sở Y tế tỉnh Bình Dương có thể khởi kiện ra tòa như những địa phương khác đã từng làm khi gặp vụ việc tương tự. Thực hiện cam kết là trách nhiệm của cả đôi bên và phải làm rõ cơ chế trách nhiệm khi yêu cầu không được thỏa mãn.

Thực tế những năm qua, ở một số địa phương cho thấy có không ít trường hợp sau khi học về thì chính địa phương không thể bố trí được việc làm thích hợp, không tương xứng hoặc mức lương quá thấp để họ có thể lo cho gia đình. Không còn lựa chọn khác, người được cử đi học trở về phải vi phạm cam kết, chấp nhận bồi thường để nghề nghiệp của mình không bị lãng phí, nhu cầu gia đình được chu toàn.

Sự vụ trên tưởng chừng đơn giản nhưng nó cho thấy một khó khăn rất lớn trong ngành y công lập hiện nay: Thiếu hụt nhân lực và việc sử dụng, tuyển dụng vẫn còn nhiều bất cập. Do đến nay vẫn chưa thể "cởi trói" cho cơ chế trả lương y - bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập nên phần lớn y - bác sĩ có thu nhập thấp trong khi công việc rất nặng nhọc. Tỉ lệ bác sĩ của chúng ta hiện nay là khoảng 10 bác sĩ/1 vạn dân. Con số này rất thấp so với nhu cầu trong điều kiện phải nâng chất lượng phục vụ và thực hiện chăm sóc y tế toàn dân. Địa phương nào cũng thiếu bác sĩ, bệnh viện nào cũng thiếu bác sĩ, trong khi hệ thống bệnh viện tư ngày càng phát triển và sẵn sàng cạnh tranh về mức thu nhập, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến và cả ưu đãi để nâng cao tay nghề. Trong hoàn cảnh này, nếu các cơ sở y tế công lập hoặc cơ quan y tế địa phương muốn dùng một cam kết cá nhân để trói buộc là không phù hợp.

Nghề y là nghề phục vụ. Phục vụ ở đâu cũng là cứu chữa cho người dân. Phải từ góc nhìn này để có kế hoạch về đào tạo, tuyển dụng xứng đáng để đủ nhân lực phục vụ người dân và các y - bác sĩ có điều kiện cống hiến tốt nhất tâm lực của mình.

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.