Sáng lập “Hũ gạo tình thương”
Tốt nghiệp THPT, chị Huệ nộp hồ sơ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Nhưng vì trục trặc giấy tờ cá nhân, chị đành từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo. Con đường học hành khép lại, chị đi tìm việc làm để nuôi sống bản thân. “Đầu năm 2003, người cô họ là chủ đại lý thu mua nông sản ở huyện Kbang nói tôi về làm việc cho bà. Một thời gian sau, tôi lấy chồng và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay”-chị Huệ cho biết.
Chị Trần Thị Huệ cùng người dân ủng hộ “Hũ gạo tình thương”. Ảnh: Ngọc Minh |
Vốn nhanh nhẹn, tháo vát, lại biết tính toán, chị Huệ được gia đình chồng tin tưởng giao quản lý cơ sở xay xát gạo. Trong quá trình thu mua lúa ở các thôn làng, chứng kiến nhiều người còn đói khổ, chị nảy sinh ý tưởng xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương”. Năm 2018, được gia đình khuyến khích, chị Huệ đặt chiếc thùng nhựa tại cơ sở xay xát để vận động người dân đóng góp gạo hỗ trợ người nghèo. Biết việc làm ý nghĩa của chị, hầu như ai cũng ủng hộ. Ông Võ Văn Kiện (tổ 3, thị trấn Kbang) cho hay: “Tôi thường mang lúa đến xay xát tại nhà chị Huệ. Khi tham gia “Hũ gạo tình thương”, tôi thấy rất vui. Sau này, mỗi lần xát gạo, tôi ủng hộ nhiều hơn. Thỉnh thoảng, tôi còn tham gia chở gạo đem tặng bà con”. Còn chị Huệ thì chia sẻ: “Bình quân tôi trút gạo 2 lần/tháng, mỗi lần 10-15 kg. Số gạo này tôi hỗ trợ cho 3 hộ nghèo ở thị trấn Kbang và xã Sơn Lang. Ngoài gạo, tôi còn hỗ trợ thêm chai nước mắm, dầu ăn, ít cá hoặc thịt để bà con có bữa cơm đủ đầy hơn”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) là một trong những trường hợp được chị Huệ tận tình giúp đỡ. Chị Điệp bị mù từ nhỏ, mẹ mất cách đây 6 năm, bố thì thường xuyên đau ốm. Vì thế, mọi sinh hoạt, ăn uống, thuốc men của 2 cha con phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Nhà nước và sự giúp đỡ của bà con lối xóm. “Tôi được hưởng trợ cấp hơn 720 ngàn đồng/tháng, chưa đủ chi tiêu thuốc men. Em trai tôi còn khó khăn, chưa thể giúp được gì. May mà nhờ chị Huệ quan tâm hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm nên cuộc sống của 2 bố con bớt khổ”-chị Điệp tâm sự.
Còn với chị Nguyễn Thị Quyện (tổ 2, thị trấn Kbang) thì từ khi chồng không may qua đời (năm 2018), cuộc sống của 3 mẹ con như bị dồn vào bước đường cùng. Trước hoàn cảnh gia đình chị Quyện, tháng nào chị Huệ cũng hỗ trợ gạo. Cùng với đó, hơn 1 năm nay, chị Huệ còn phối hợp với chương trình “Mẹ đỡ đầu” vận động hội viên phụ nữ chung tay giúp đỡ gia đình chị Quyện trong chi tiêu, sinh hoạt. Chị Quyện chia sẻ: “Mắt tôi nhìn không rõ, chẳng thể đi làm kiếm tiền. Tận dụng mảnh vườn của hàng xóm bỏ không, tôi trồng ít rau, bán kiếm thêm thu nhập. Nhiều lúc mắt đau nhức không thể ra dọn cỏ, cắt rau, chị Huệ cùng hội viên trong tổ đến giúp. Cảm ơn các chị đã nhận đỡ đầu cháu Phạm Văn Nhật, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng tôi nuôi dạy con trưởng thành”.
Hết lòng vì người nghèo
Được thành lập năm 2018, Hội Thiện duyên Kbang do chị Huệ phụ trách đã thu hút 20 thành viên. Chị Huệ cùng các thành viên đã nỗ lực kết nối với các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong cả nước qua trang Facebook, Zalo sau đó tổ chức các chương trình tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương; giúp đỡ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, người dân đau ốm, bệnh tật, tai nạn… Cùng với đó, định kỳ 2 lần/tháng, Hội tổ chức nấu 150-200 suất cơm chay miễn phí cho người nhà và bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kbang, kinh phí do các thành viên tự nguyện đóng góp và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Tổng giá trị tiền mặt và quà gần 300 triệu đồng/năm.
Chị Trần Thị Huệ (bìa trái)-Chi hội trưởng, chi hội phụ nữ tổ 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang tặng gạo, nhu yếu phẩm cho chị Nguyễn Thị Quyện (tổ 2, thị trấn Kbang) giúp cuộc sống của gia đình bớt khốn khó. Ảnh: Ngọc Minh |
Bà Phạm Thị Mỹ Nương-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kbang: “Những năm qua, chị Trần Thị Huệ đã có những việc làm giàu tính nhân văn, giúp đỡ nhiều người vượt qua giai đoạn khó khăn. Sự nhiệt huyết của chị được cấp trên ghi nhận, khen thưởng. Hy vọng, chị Huệ tiếp tục phát huy tính năng động, lòng nhân ái, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là hội viên phụ nữ nghèo để tạo động lực giúp chị em vươn lên”.
Cách đây 3 năm, nhờ sự kêu gọi, giúp đỡ của chị Huệ mà em Đinh Thị Thuy-học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Nghĩa An) được cứu sống. Thuy bị bệnh thiếu máu. Thương học trò, cô Đỗ Thị Hiền-khi đó là giáo viên chủ nhiệm đã tìm gặp chị Huệ nhờ giúp đỡ. “Biết chuyện của em Thuy, chị Huệ đã hỗ trợ 7 triệu đồng và cùng chúng tôi đưa em đến Bệnh viện Nhi tỉnh điều trị. Sau đó, chị Huệ còn thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ. Được gia đình quan tâm, sức khỏe của Thuy dần cải thiện”-cô Hiền kể lại.
Song song với các hoạt động nhân đạo, trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 2, chị Huệ còn tích cực tham gia các phong trào của Hội. Chi hội hiện có 220 hội viên, phần lớn chị em kinh doanh buôn bán. Để Chi hội hoạt động hiệu quả, chị Huệ đổi mới nội dung sinh hoạt; thường xuyên đến từng gia đình hội viên phụ nữ để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, từ đó vận động chị em vào Hội và quan tâm giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.