Đón Tết Việt giữa trời Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ bỏ công việc ổn định để sang trời Tây du học về ngành Xuất nhập khẩu, cô gái trẻ Trần Ngọc Bảo (SN 1995; đường Âu Cơ, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) không giấu được nỗi niềm khi phải đón Tết cổ truyền xa nhà. Thế nhưng, 9X cũng bày tỏ sự háo hức cùng những dự định mới trong chuyến xa Tổ quốc này.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, chị Ngọc Bảo có nhiều năm dạy tiếng Anh ở Gia Lai. Công việc lẫn cuộc sống đang ổn định, nhưng cô gái 9X bỗng quyết định chuyển hướng khi chọn con đường du học ngành nghề không liên quan gì đến chuyên môn hiện có. Ngọc Bảo chia sẻ với mọi người đây là quyết định bất ngờ, nhưng với bản thân chị, đi du học là để trả lời cho câu hỏi đã ám ảnh mình suốt nhiều năm là: Tại sao nông sản Gia Lai khó xuất khẩu, người nông dân chưa nhận được thành quả lao động xứng đáng với sức lao động bỏ ra?

9X quê Gia Lai Trần Ngọc Bảo (bìa phải) cùng các sinh viên Việt Nam đón Tết cổ truyền tại Canada, đồng thời giới thiệu văn hoá Việt đến bạn bè các nước. Ảnh: NVCC

9X quê Gia Lai Trần Ngọc Bảo (bìa phải) cùng các sinh viên Việt Nam đón Tết cổ truyền tại Canada, đồng thời giới thiệu văn hoá Việt đến bạn bè các nước. Ảnh: NVCC

Chị Ngọc Bảo kể: “Má tôi một mình nuôi 5 đứa con ăn học nên rất vất vả. Má vừa làm rẫy cà phê, vừa có nghề phụ là thu mua nông sản. Nhưng được mùa mất giá vẫn là câu chuyện muôn thuở của nông dân. Có những năm, nhìn má lao động cực nhọc, chỉ trông mong vào vụ thu hái cà phê thì lại mất giá, năm khác lại mất mùa. Thương má và cả những người nông dân, tôi luôn suy nghĩ vì sao lại như vậy, có cách nào để tăng giá trị cho nông sản qua con đường xuất khẩu hay không, và để có thể xuất khẩu thì phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu… Tôi mang nỗi trăn trở đó kể cho những người bạn nước ngoài, từ những gợi ý của bạn bè, tôi quyết định du học về ngành này để có thể tìm hiểu cặn kẽ hơn”.

Ngọc Bảo chia sẻ đây là quyết định khó khăn khi cuộc sống của chị đang rất ổn định. Hơn nữa, đi du học tự túc 2 năm là số tiền không nhỏ với gia đình. Cựu học sinh Trường THPT Pleiku kể: “Hơn ai hết, má là người rất lo cho quyết định này của tôi. Nhưng tôi nói má hãy coi đây như là của hồi môn cho con đi lấy chồng”.

Chị cũng hy vọng chuyến đi ra thế giới lần này sẽ cho mình câu trả lời, hay ít ra cũng để hiểu điều gì đang ngăn trở nông sản Việt Nam xuất khẩu, và làm cách nào để người nông dân có thể nắm bắt được cơ hội cũng như làm gia tăng giá trị cho hàng hoá do mình làm ra. Chị Ngọc Bảo cho rằng: “Các bạn trẻ Việt Nam hiện nay rất giỏi và năng động, nếu mỗi người có mục tiêu rõ ràng, tôi tin sẽ tìm thấy con đường cho những vấn đề khó khăn không chỉ thuộc phạm trù cá nhân, địa phương, mà lớn hơn nữa là cho đất nước”.

Chị Trần Ngọc Bảo (bìa trái) và bạn bè người Việt mặc áo dài, nón lá đón Tết cổ truyền. Ảnh NVCC

Chị Trần Ngọc Bảo (bìa trái) và bạn bè người Việt mặc áo dài, nón lá đón Tết cổ truyền. Ảnh NVCC

Chọn Trường Fanshawe College (Canada) để theo học, chị Ngọc Bảo cho biết lý do: “Đây là ngôi trường có thế mạnh về xuất-nhập khẩu, một số thầy cô đồng thời là chủ các công ty xuất nhập khẩu lớn. Sau thời gian học tập, tôi sẽ thực tập trải nghiệm 8 tháng tại các công ty, sau đó mới trở lại trường để tốt nghiệp”.

Là người con của Gia Lai, Ngọc Bảo cho biết chị rất tự hào với nông sản của quê hương. Hành trang mang theo sang trời Tây không chỉ có một trái tim đầy khát vọng mà còn là rất nhiều mặt hàng nông sản để làm quà cho thầy-cô giáo và bạn bè trong môi trường học tập mới. “Tôi muốn giới thiệu nông sản Việt cho bạn bè nước ngoài. Tôi nghĩ họ sẽ rất thích, cũng như những người bạn nước ngoài của tôi trước đây ở Việt Nam”-chị nói.

Đây là lần đầu tiên Ngọc Bảo đón Tết xa quê nhưng nhờ cộng đồng người Việt, chị vẫn cảm nhận được sự ấm áp của hương vị Tết cổ truyền của dân tộc. Chị Ngọc Bảo chia sẻ: “Tôi nhớ Việt Nam rất nhiều, nhất là khi mọi người đăng hình chuẩn bị Tết ở ở quê nhà. Ngày nào tôi cũng vào trang tin, Báo Gia Lai xem hình chợ hoa, không khí Tết mà thấy rưng rưng. Nhưng bù lại, người Việt ở ngôi trường tôi theo học cũng chuẩn bị Tết rất rôm rả. Tôi tham gia các tiết mục múa hát với các bạn sinh viên Việt Nam ở trường để giao lưu, cùng đón Tết với các sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc nên cũng đỡ nhớ nhà hơn".

Chị Ngọc Bảo (giữa) đón Tết cổ truyền cùng các sinh viên châu Á . Ảnh: NVCC

Chị Ngọc Bảo (giữa) đón Tết cổ truyền cùng các sinh viên châu Á . Ảnh: NVCC

Chị Ngọc Bảo chia sẻ thêm: "Sinh viên Việt Nam còn tham gia gian hàng trưng bày Tết, tôi được gặp những anh chị, bạn bè người Việt, được nói tiếng Việt, hỏi thăm, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới, có cảm giác như mình được kết nối với quê hương, vui và hạnh phúc rất nhiều. Tôi cũng mang theo nhiều bộ áo dài để mặc trong dịp này. Người Việt dù ở bất cứ đâu, nhưng khi khoác lên mình sắc phục dân tộc, quây quần bên nhau cùng bánh chưng, thịt mỡ là thấy hương vị Tết nguồn cội ở đó”.

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.