Pol Pot - kẻ giết người có hệ thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Hội đồng Mặt trận Đoàn kết xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc Campuchia, Pol Pot đã giết hại hơn 2,7 triệu người dân nước này - số liệu nghiên cứu khác là hơn 2 triệu, Tòa án Quốc tế ghi nhận 1,7 triệu người - cho thấy Pol Pot đã xây dựng một chế độ diệt chủng tội ác
Khi cuộc tổng tiến công giúp bạn giải phóng Campuchia chưa diễn ra, nhiều anh em bộ đội chúng tôi cũng chưa hình dung một chế độ giết nhân dân của mình có hệ thống như tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Tất nhiên, thế giới càng không thể hình dung một chế độ diệt chủng như vậy.
Những cánh đồng chết
Người viết bài này từng tham gia chiến dịch giải phóng vùng Đông Bắc Campuchia, sau đó chiến đấu trên chiến trường Pailin - Battambang, từng chứng kiến Pol Pot lùa dân đi như lùa đàn gia súc.
Trên những cánh đồng mà Pol Pot muốn xây dựng một "xã hội nông nghiệp không tưởng", xác người như xác cá chết khô chất đầy. Gần như đơn vị nào của bộ đội Việt Nam cũng nhiều lần dừng hành quân truy quét địch để nấu cơm cứu sống dân Campuchia bị quân Pol Pot lùa đi làm bia đỡ đạn hoặc tồn tại trong các trại tập trung để xây dựng công xã.
Khi giải phóng phía Tây Battambang, khu vực Ba Núi, Ta Sanh, Sam Lot, bộ đội Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 hết sức bất ngờ vì phát hiện hàng chục ngàn người bị Pol Pot ép rút chạy theo chúng để làm bia đỡ đạn. Được bộ đội Việt Nam cứu giúp, những người dân đói khát đã chắp tay lạy với lòng biết ơn sâu sắc.
Khoảng tháng 4-1979, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 812 - Sư đoàn 309 tác chiến ở khu vực huyện Moung Ruesei - cách Battambang khoảng hơn 20 km, chứng kiến một cánh đồng chết với hàng ngàn thi thể đã bị Pol Pot tổ chức giết hại. Trẻ em, người già, phụ nữ chết khô, bị chất thành đống đốt cháy không toàn thây. Rất nhiều thi thể bị phanh thây vứt lăn lóc. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc làm cả ngày hôm đó, nhiều anh em bộ đội không thể nuốt nổi miếng cơm, thậm chí có người không thở được, ngất xỉu...
Đó chỉ là những gì chúng tôi chứng kiến. Còn dọc đường chiến đấu, những bãi đất chôn xác người, những hang núi chất đầy xác người, những ao hồ đầy đặc xác người đang phân hủy thì không kể xiết.
 
Bộ đội Quân đoàn 4 dựng lại nhà cho người dân Campuchia. Ảnh: TƯ LIỆU QUÂN ĐOÀN 4
"Thanh lọc dân tộc"
Các nhà viết sử hiện đại và có lẽ cả sau này cũng không thể lý giải được ở thế kỷ XX lại tồn tại một chế độ được điều hành bởi "Nhóm sinh viên Paris" có học thức như Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan lại tổ chức giết chính dân mình một cách có hệ thống như vậy. Chúng giết để "thanh lọc dân tộc". Chúng chấp nhận "thà giết chết 10 người bạn còn hơn để sống sót một kẻ thù". Pol Pot chỉ cần 1 triệu người Khmer ròng cũng đủ để "làm cách mạng" và như vậy, chúng cứ giết, từ trí thức, giáo viên, thầy tu cho đến các dân tộc khác, nhất là người Việt.
Với tôn giáo thì càng kinh hoàng hơn. Đạo Phật là quốc giáo nhưng mọi nghi lễ đều bị cấm, chùa chiền bị phá hủy. Năm 2017, tác giả bài này có dịp đến Kampong Cham - một tỉnh Campuchia nằm dọc bờ sông Mekong, nơi có nhiều người Chăm sinh sống - mới biết 90% người Hồi giáo ở đây bị giết chết vì không chịu nghe lời Pol Pot cải đạo. Thậm chí, trước khi bị giết, họ còn bị cho ăn thịt heo mà giáo luật đạo Hồi cấm.
Tỉnh Koh Kong vốn có hơn 20.000 người Tày, sau 4 năm trong chế độ Pol Pot chỉ còn 8.000 người. Khoảng 13 dân tộc ít người ở Campuchia đều bị tàn sát bởi họ bị cưỡng bách phải nói tiếng Khmer, ai không chấp hành chỉ có cái chết!
Bốn năm Pol Pot cầm quyền đã biến đất nước Campuchia thành địa ngục nhưng gần như cả thế giới đều im tiếng. Nếu không có đội quân tình nguyện bộ đội Việt Nam giúp đỡ, giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng, Campuchia sẽ đi về đâu...
"Đội quân nhà Phật"
Ngày 2-1-2012, khi đến Đồng Nai dự lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng Vũ trang Đoàn kết cứu nước Campuchia, Thủ tướng Hun Sen phát biểu: "Nhân dân Campuchia có niềm tin rằng chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật".
Tất cả đã nói lên tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc ta. Cuộc chiến tranh kéo dài 14 năm này không chỉ đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary mà còn giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước.
Bộ đội Việt Nam không chỉ chiến đấu ròng rã 14 năm trời mà còn giúp Campuchia xây dựng lại chính quyền, tổ chức sản xuất, xây dựng chùa chiền, trường học, bệnh viện, đào tạo… Nhiều đơn vị bộ đội còn giúp làm ruộng, dạy lái máy cày, chữa bệnh cho dân…
Máu, nước mắt, mồ hôi của bộ đội Việt Nam đã đổ xuống đất nước Chùa Tháp để có một Campuchia hôm nay. 
Lời tri ân sau 40 năm...
 
Trung tá - bác sĩ Lê Hoàng Trung và bà Oanh Kari vui mừng gặp lại sau 40 năm. Ảnh: SING MATITH
14 năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia, hàng vạn bộ đội Việt Nam đã hy sinh vì đất nước này. Bộ đội Việt Nam đã để lại tình cảm yêu thương ấm áp với người dân Campuchia.
Tháng 8-2018, chúng tôi trở lại chiến trường xưa ở TP Battambang và bắt gặp một hình ảnh cảm động khi bà Oanh Kari gặp lại trung tá - bác sĩ Lê Hoàng Trung, nguyên Chủ nhiệm Quân y Đoàn 7704. Cách nay gần 40 năm, chính bác sĩ Trung đã cứu sống con gái bà Kari khỏi bệnh sốt rét, khi ấy chỉ nằm chờ chết. "Tôi biết ơn bác Trung, nếu không có bác, đâu có con gái tôi như ngày nay" - bà Kari cảm kích.
40 năm..., tình cảm ấy nói lên tất cả, bộ đội Việt Nam thực sự là "đội quân nhà Phật".

Kỳ tới: Thế giới nợ Việt Nam lời xin lỗi

Lưu Nhi Dũ (Người Lao Động) 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.