Pleiku xây dựng đô thị thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC). Đây là bước khởi đầu thực hiện Đề án xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 20-1-2020 của UBND tỉnh.

Những ưu điểm nổi trội của IOC

Sau một thời gian chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy cùng với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố cũng như cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), IOC của TP. Pleiku chính thức vận hành vào chiều 20-4. Đây được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến sự hài lòng của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

 Các đại biểu tham quan Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Các đại biểu tham quan Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn


IOC do Viettel thiết kế, xây dựng, tích hợp và phối hợp với UBND TP. Pleiku triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất của Trung tâm được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 12 màn hình 46 inch, hệ thống thiết bị điều khiển màn hình, 4 máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu, 2 camera tầm cao, hệ thống phần mềm điều khiển trung tâm…

Theo ông Ngô Vĩnh Ký-Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, IOC của TP. Pleiku được áp dụng những công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hình ảnh camera, đếm lưu lượng giao thông, nhận diện biển số xe vi phạm giao thông đến ứng dụng thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khai phá dữ liệu (Data Mining) để giám sát chủ động các thông tin trên không gian mạng...

IOC được ví như “bộ não số” với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực. Chức năng trọng tâm của IOC gồm: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự cộng đồng, an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và giám sát thông tin trên internet…

Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho rằng: Trước đây, người dân Pleiku muốn phản ánh bất cứ vấn đề gì đều phải làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Quy trình này không những mất nhiều thời gian, chi phí đi lại mà còn tạo cho người dân tâm lý e ngại khi đến cơ quan công quyền.

Khi IOC đi vào hoạt động, đặc biệt là thông qua app Pleiku Smart, tất cả phản ánh của người dân về các lĩnh vực được thực hiện rất dễ dàng, nhanh chóng chỉ bằng một thao tác đơn giản thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được Trung tâm tiếp nhận và gửi ngay tới lãnh đạo nơi có sự việc đang diễn ra.

Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải liền sau đó để người dân có thể giám sát, phản hồi. Tính ưu việt và hiệu quả của IOC phù hợp với thực tiễn yêu cầu đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

“Toàn bộ camera kết nối về trung tâm được sắp xếp và hiển thị trên nền tảng bản đồ số. Thông qua hệ thống camera giám sát sẽ hỗ trợ tích cực cho việc điều hành, xử lý những tình huống an ninh trật tự của địa phương, xử phạt đúng người, đúng lỗi vi phạm một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch. Đồng thời, giúp lãnh đạo thành phố nắm được bao quát nội dung vi phạm, hình thức xử phạt… từ đó giúp cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phù hợp, kịp thời, hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, vừa mang lại cho người dân những trải nghiệm mới của mô hình đô thị thông minh.

Ngoài quản lý, giám sát bằng hình ảnh qua hệ thống camera, Trung tâm còn có thể theo dõi một cách trực quan các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội. Đặc biệt, việc cập nhật thường xuyên số lượng hồ sơ thủ tục hành chính (đã nhận, đã giải quyết, quá hạn…) của các đơn vị, địa phương trên hệ thống trung tâm còn giúp lãnh đạo có thể theo dõi sát sao, giải quyết kịp thời những bất cập, vướng mắc xảy ra trong quá trình tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, đáp ứng nhanh nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết.
 

 Các đại biểu nhấn nút khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Các đại biểu nhấn nút khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn


Tiếp tục hoàn thiện để phát huy hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, IOC của TP. Pleiku ra đời là minh chứng sinh động thể hiện quyết tâm của tỉnh và thành phố hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, chất lượng, an toàn. Đây là một trong những đột phá của thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Theo đó, Trung tâm sẽ là nền tảng để dần hoàn thiện, hướng tới mục tiêu giám sát tất cả hoạt động trên các lĩnh vực quan trọng của thành phố. Qua đó, thực hiện tốt việc dự báo, xây dựng giải pháp, chương trình giải quyết những ách tắc, điểm nghẽn để xây dựng quy hoạch cũng như đề ra giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả.

Thời gian tới, cùng với thực hiện thí điểm hệ thống camera giám sát để áp dụng hình thức “phạt nguội” trên một số tuyến đường, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường hệ thống tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền. Qua đó, lãnh đạo các cấp nhanh chóng nắm bắt những hạn chế, yếu kém, kịp thời đề ra giải pháp khắc phục ngay từ cơ sở.

Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin thêm: “Để IOC hoạt động có hiệu quả, thời gian tới, UBND thành phố đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn bằng hình thức phù hợp với đơn vị, địa phương và từng đối tượng. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng app Pleiku Smart trên điện thoại thông minh; triển khai quyết liệt, có hiệu quả tiện ích phản ánh hiện trường (tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và trả lời ý kiến người dân) để giải quyết các vấn đề từ cơ sở; duy trì lịch trực tiếp nhận, cần thiết thì bố trí thêm nhân lực cho bộ phận vận hành...

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, đường truyền, trang-thiết bị phục vụ vận hành IOC, trước mắt ưu tiên triển khai hệ thống camera giám sát… Đồng thời, hàng tháng, hàng quý, thành phố sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện chức năng của các hợp phần nhằm đảm bảo sự hoạt động của trung tâm một cách hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, bảo vệ môi trường bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, từng bước xây dựng Pleiku trở thành đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu tại buỗi lễ. Ảnh: Q.T
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu tại buỗi lễ. Ảnh: Quang Tấn


Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai trương IOC TP. Pleiku, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông biểu dương những nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ giữa TP. Pleiku và các đơn vị liên quan để thiết lập, đưa vào vận hành IOC. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Thời gian tới, thành phố cần quan tâm triển khai vận hành tốt IOC để đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra.

Trong đó, thành phố đặc biệt lưu ý khi tiếp nhận những phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua IOC cần nhanh chóng chuyển qua những người có trách nhiệm để trực tiếp giải quyết và có phản hồi kết quả một cách nhanh nhất. Trong quá trình triển khai vận hành Trung tâm, thành phố cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các dịch vụ, các ứng dụng theo hướng đơn giản nhất, dễ sử dụng nhất nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng cho rằng, một trong những việc quan trọng để Trung tâm hoạt động hiệu quả là hệ thống cơ sở dữ liệu. Do đó, các sở, ngành của tỉnh cùng với thành phố cần tiếp tục tích hợp, cập nhật dữ liệu cũng như triển khai số hóa để đưa vào vận hành cùng với trung tâm này. Thời gian tới, Tập đoàn Viettel nói riêng và các đơn vị viễn thông nói chung cần tiếp tục đóng góp nguồn lực để sớm hoàn thiện IOC của TP. Pleiku với nhiều chức năng hơn, cung cấp nhiều dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.