Pleiku vẫn còn những con đường… nhếch nhác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn hơn tháng nữa là khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại TP. Pleiku (sự kiện diễn ra từ ngày 9 đến 11-11). Các phần việc liên quan đến sự kiện này đã, đang được các ngành, các cấp trong tỉnh gấp rút chuẩn bị. Tuy nhiên có vài vấn đề mà chúng tôi thấy hình như lãnh đạo tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, đó là việc chỉnh trang đô thị, trật tự giao thông, vệ sinh đường phố…
 Một đoạn vỉa hè nhếch nhác trên đường Võ Thị Sáu, gần đoạn giao với đường Hùng Vương (ảnh chụp sáng 1-10). Ảnh: Đ.M.P
Một đoạn vỉa hè nhếch nhác trên đường Võ Thị Sáu, gần đoạn giao với đường Hùng Vương (ảnh chụp sáng 1-10). Ảnh: Đ.M.P
Theo kế hoạch, TP. Pleiku sẽ được công nhận là đô thị loại I thuộc tỉnh trước năm 2020, vì vậy những năm trở lại đây cả tỉnh và thành phố đều tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo nhiều công trình, hạng mục công trình, nhất là cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội. Nhiều con đường, vỉa hè đã “ra dáng” của một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều những con đường, vỉa hè nội đô còn khá nhếch nhác. Tình trạng “đánh trống bỏ dùi” sau “chiến dịch thông thoáng vỉa hè, lòng đường” vừa qua chẳng khác nào ném đá ao bèo. Được mấy hôm, rồi đâu lại vào đó. Đường và vỉa hè của TP. Pleiku nhiều nơi, nhiều đoạn từ lâu đã bị người dân lấn chiếm, xem là sinh kế của riêng mình. Lòng đường thường xuyên bị nhiều người thiếu ý thức lấy làm… đường đi bộ, gây ảnh hưởng, cản trở không nhỏ đối với các phương tiện cơ giới lưu thông.
Một vấn đề nữa là rác. Tình trạng nhiều người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi ra đường, ra những nơi công cộng, nhất là khu vực chợ đêm, xung quanh trung tâm thương mại Pleiku… vẫn chưa chấm dứt. Đã có văn bản pháp luật điều chỉnh về hành vi vứt rác ra đường, quy định việc phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền nhiều triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm tùy mức độ nặng hay nhẹ, song không thấy một cơ quan, một người có chức năng nào thực thi vấn đề này, mà chủ yếu chỉ tuyên truyền, giáo dục chung chung. Hơn thế, nhiều gia đình xây dựng, cải tạo nhà ở và công nhân sửa chữa công trình công cộng đã đổ cả phế liệu ra vỉa hè, xuống cống thoát nước, khi có mưa nước không có lối thoát, tràn lên mặt đường, ngập cả nhà dân. Một số khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tranh cổ động hết thời hiệu vẫn không thấy ai gỡ xuống; trụ điện, tường vôi dán đầy quảng cáo, rao vặt; đồng hồ điện tử, biển hiệu điện tử công cộng hết pin, thiếu chữ nhưng không có người xử lý... Tất cả tồn tại ngày này qua tháng nọ, trông nhếch nhác, mất thẩm mỹ, làm xấu đi môi trường mỹ quan đô thị, gây mất thiện cảm đối với người đi đường, đặc biệt là khách thập phương.
Thiết nghĩ, sự kiện Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sắp diễn ra là cơ hội để Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về một Gia Lai, một Phố núi thân thiện, hiếu khách; về chính sách thông thoáng, nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư muốn đem vốn đầu tư vào tỉnh nhà để sản xuất kinh doanh, thu hút nhân tài, vật lực, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình, quê hương. Vì vậy, việc trước mắt là làm cho bộ mặt đô thị Pleiku thật sự xanh-sạch-đẹp, sẵn sàng đón tiếp bạn bè, du khách thập phương bằng chính tấm lòng của người mến khách, với một môi trường trong lành, thân thiện!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.