Pleiku và lời hẹn hò cùng sơn nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi gọi chị là sơn nữ bởi nhìn chị có một nét gì rất hoang dại, tựa như ngọn cỏ mọc lên giữa núi rừng, hòa mình cùng thiên nhiên. Ngọn cỏ mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được chút gì duyên dáng, ngọt ngào bởi được nâng niu, ấp ủ trong sương núi, nắng đồi, lớn lên từ mảnh đất bazan màu mỡ.

 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Tôi gặp chị một cách đầy bất ngờ trên chuyến xe đêm. Lâu lắm rồi tôi không có dịp trở lại phố núi Pleiku để nỗi nhớ cái lạnh trên đồi cao cứ chất chồng. Gặp chị, người con gái sinh ra và lớn lên trên miền khói sương bảng lảng, bao nhiêu hồi ức về Pleiku bỗng chốc trở về trong tôi. Dường như chị đã gói ghém ngọn gió lành xứ Pleiku thả vào lòng tôi trong chuyến xe đêm chòng chành ở một nơi xa xôi trên hành trình thiên di.

Chị nói với tôi Pleiku đẹp lắm! Mùa nào cũng rực rỡ, mùa nào cũng thơm nồng hương hoa đặc trưng. Pleiku trong mắt tôi những năm tháng ấy là màu xanh mơn mởn của đồi chè, là sắc hoa muồng vàng tươi mỗi độ thu về, là mặt nước hồ Tnưng trong veo như tấm gương khổng lồ soi cả bầu trời và dãy núi. Nơi Biển Hồ thênh thang ấy đã có một nhạc sĩ ngợi ca rằng: “Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy/Có hàng thông xanh trong đôi mắt em/Có dòng Sê San trong đôi mắt em/Có hương rượu cần say men, say men/Có ngọn lửa nào đang nhen, chơi vơi…”.

Đối với mỗi người, Pleiku đẹp theo một cách rất riêng. Với tôi, một kẻ thích lang thang từ miền đất này sang miền đất khác, Pleiku có gì đó đượm buồn, nhưng đó là một nỗi buồn đẹp đẽ, thơ mộng. Tôi nhớ những buổi sáng cao nguyên lộng gió, dưới ánh mặt trời rực rỡ, tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực cái không khí mát lành để rồi thấy bao ưu phiền biến tan như mây gió. Tôi nhớ những buổi chiều ngắm hoàng hôn buông lơi. Hoàng hôn Pleiku thật đẹp, cái khoảnh khắc huy hoàng cuối ngày khiến tôi muốn thốt lên rằng: Đẹp quá Pleiku, tuyệt vời Tây Nguyên yêu dấu! Đi để cảm nhận, để biết rằng Tây Nguyên đẹp vô cùng. Thấp thoáng đâu đó trên mảnh đất bazan ấy là bóng hình sơn nữ, mà chính Pleiku cũng là một sơn nữ có đôi mắt long lanh là hồ Tnưng, có mái tóc dài ngả nghiêng vắt từ đỉnh đến chân ngọn núi Hàm Rồng hùng vĩ…

Chị nói, Pleiku là tất cả đối với chị! Chị yêu men rượu cần, yêu những khoảnh khắc giao lưu uống rượu trong ánh lửa bập bùng trên đồi đêm sương lạnh, yêu màu đỏ của đất, yêu những mùa hoa… Dù đi đâu thì Pleiku vẫn giữ một vị trí không hề thay đổi trong trái tim chị. Tôi chợt nghĩ về mình. Trong tim tôi cũng có một miền quê. Trong tim bất cứ người nào cũng đều có riêng cho mình một nơi chốn để yêu, để nhớ. Như chị có Pleiku, có đại ngàn hùng vĩ. Nhưng những nơi ta đặt chân đến đều để nhớ để thương, đều trở thành những kỷ niệm lung linh trong tâm tưởng. Đó chính là tình yêu lớn lao, cao thượng.

Chị mời tôi về thăm Phố núi. Tôi sẽ đi, chắc chắn như thế! Tôi nhìn chị, nhìn đôi hàng mi cong vút và mái tóc xoăn nhẹ được ướp nắng Tây Nguyên, lòng nghĩ ngợi về một chuyến đi. Tây Nguyên hùng vĩ Pleiku thơ mộng, hữu tình. Và chị-sơn nữ ngọt ngào, duyên dáng… Tất cả trở thành nỗi nhớ trong tôi để lời hẹn hò được chắp cánh. Một ngày không xa, cánh chim này sẽ bay về Phố núi. Một ngày không xa, tôi sẽ lại đứng giữa núi đồi, soi mình trong đáy mắt Pleiku để rồi những kỷ niệm ấy không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời.

 

 HOÀNG KHÁNH DUY

 

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.