Pleiku phấn đấu trở thành đô thị loại I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có vị trí địa lý thuận lợi, là địa bàn trọng yếu có ý nghĩa chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế cũng như quốc phòng-an ninh, TP. Pleiku đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị có tốc độ phát triển nhanh và ổn định, năng động bậc nhất khu vực Bắc Tây Nguyên.

Những năm qua, lãnh đạo TP. Pleiku đã tập trung chỉ đạo khai thác lợi thế, phát huy các nguồn lực đưa nền kinh tế tăng trưởng ngày càng cao với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm là 12%, trong đó, ngành thương mại-dịch vụ tăng 13,5%, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 11,2%, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2016 tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 52%, công nghiệp-xây dựng chiếm 43%, nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5,7%.

 

Thành phố Pleiku ngày nay. Ảnh: Đức Thụy
Thành phố Pleiku ngày nay. Ảnh: Đức Thụy

Riêng năm 2016, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của thành phố đạt 10,16%, trong đó dịch vụ tăng gần 10%, công nghiệp-xây dựng tăng 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,8%; thu ngân sách đạt 686 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang được thành phố tập trung chỉ đạo, huy động tối đa mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành trong năm 2017. Đến nay, TP. Pleiku có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống nhân dân được cải thiện. Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm… luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới.

Nói về sự phát triển hiện tại và tầm nhìn tương lai, ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku, cho biết: “Thành phố Pleiku đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị bằng các nguồn vốn của trung ương, tỉnh và của thành phố với hơn 200 tỷ đồng/năm. Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến xây dựng một TP. Pleiku hiện đại ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Về phân loại đô thị, Pleiku đạt 52/59 chỉ tiêu về đô thị loại I với tổng số điểm tự chấm 79/100 điểm”.

Hiện TP. Pleiku có hơn 2.300 doanh nghiệp, 23 hợp tác xã đang hoạt động. Cụm Công nghiệp Diên Phú đang được phát huy hiệu quả, đến nay có 11 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và 6 doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng (chiếm 42,6% quỹ đất xây dựng cơ sở sản xuất). Các doanh nghiệp đã nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng, kinh doanh thương mại-dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, phát huy các lợi thế so sánh của một đô thị trung tâm, TP. Pleiku đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình thương mại-dịch vụ hiện đại.

 

Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku: “Thành phố Pleiku tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển một cách toàn diện với tốc độ nhanh, bền vững, theo hướng hiện đại. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, khoa học-công nghệ, thu hút nhân tài, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; quan tâm đúng mức vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo cho thành phố luôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I còn thiếu, phấn đấu được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2019”.

Theo đó, Pleiku sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư hình thành các cơ sở thương mại, dịch vụ, siêu thị chất lượng cao, quy mô lớn. Chú trọng phát triển ngày càng mạnh các dịch vụ có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cũng như xây dựng Pleiku thành đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa-dịch vụ không chỉ của Gia Lai mà còn cho một số tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể; phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 4.510 doanh nghiệp, 30 hợp tác xã hoạt động, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, TP. Pleiku sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, phấn đấu xây dựng Pleiku trở thành điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh-sạch-đẹp, an ninh-an toàn và thân thiện. Đầu tư bảo tồn và xây dựng một số làng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, lãnh đạo TP. Pleiku cho biết sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển không gian đô thị và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho từng giai đoạn, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đầu tư xây dựng một số tuyến đường để tạo cảnh quan điểm nhấn trong trung tâm đô thị. Tăng cường công tác thiết lập trật tự, kỷ cương về công tác quản lý quy hoạch và quản lý đô thị trong quá trình xây dựng thành phố.

Minh Thi-Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.