(GLO)- Những ai từng sống ở Pleiku trước năm 1975 có lẽ không ai không biết một ngôi trường còn non trẻ nhưng đã vang danh với rất nhiều “bóng kiều thướt tha”. Đó là Trường Trung học (TH) Plei Me. Ngày 11-11 này, tại Pleiku, các cựu nữ sinh Plei Me sẽ có một cuộc hạnh ngộ nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
1. Plei Me là một ngôi trường hết sức đặc biệt. Điều đặc biệt đầu tiên, theo cô Nguyễn Thị Hạnh-75 tuổi, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường TH Plei Me, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh-là lúc bấy giờ, ở Tây Nguyên chưa nơi nào có trường nữ, nhưng Pleiku lại có. Một điều đặc biệt nữa là trường có rất nhiều hoa khôi của thị xã Pleiku, một phần có lẽ bởi đây là nơi tập trung hầu hết con nhà khá giả, học giỏi thi vào. Và đó là lý do để nam sinh các trường khác thường xuyên “theo đuôi” các cô giờ tan học.
Ảnh internet |
Những tấm ảnh chụp Pleiku xưa vẫn còn đó hình ảnh rất dễ thương của các nam sinh đang lẽo đẽo sau những bóng áo dài duyên dáng dưới bóng thông xanh, trên đường đi học về. Vẻ tinh khôi, trong sáng và có chút kiêu kỳ ấy của nữ sinh Plei Me đã để thương để nhớ cho bao kẻ si tình. Trường TH Plei Me, cái tên đầy mơ màng chẳng gợi chút mùi chiến sự nào, vì thế cũng đã đi vào thi ca, trong đó không thể không kể đến những câu thơ đầy xao xuyến trong thi phẩm nổi tiếng “Khi ngang qua Plei Me” mà nhà thơ Du Tử Lê viết năm 1973: “Khi ta đến cây im rừng nín thở/Một mặt trời rực rỡ đỉnh truông xa/Một hồn xanh gọi rét muốt hiên nhà/Một tóc chảy theo trăm dòng suối lạ… Tay thơ dại em che hồn ta dột/Nụ hôn đầu liệu có nhớ mai sau/Khi ta đến, nhỏ ở đâu, hỡi nhỏ/Dưng lòng ta suối bỏ núi, qua rừng… Khi tình đã như nghìn con thác đổ/Em yên lòng, thôi nhỏ, có ta trông”.
Do là trường xây dựng dành riêng cho nữ sinh nên các giáo sư nữ thường được chỉ định giữ chức vụ Hiệu trưởng. Cô Nguyễn Thị Hạnh nhớ lại: “Tuy chỉ gắn bó với trường trong 1 năm đầu tiên nhưng tôi có những kỷ niệm rất đặc biệt: Được dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường, sau đó nhận bàn giao, khánh thành trường mới vào năm 1967. Trường mới xây, bàn ghế đầy đủ nhưng còn đơn sơ lắm vì không có các phòng chức năng, chưa có tường rào, cổng ngõ”. Vài năm đầu hoạt động, trường chỉ tuyển sinh các lớp đệ nhất cấp (nay gọi lại THCS), tổ chức học 2 buổi/ngày. Đến niên khóa 1974-1975, sĩ số của trường đã vượt trên 1.000 học sinh, bao gồm cả học sinh đệ nhị cấp (THPT hiện nay) với 12 phòng học và 26 lớp.
Từ TP. Nha Trang (Khánh Hòa) sắp xếp về Pleiku để dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, bà Lương Thị Minh Đan, học sinh lớp 6 niên khóa 1971-1972, nhớ lại: Khâu tuyển đầu vào của Trường TH Plei Me rất gắt gao. Khóa thi năm đó có 1.530 thí sinh thi vào nhưng chỉ tiêu của trường chỉ 135 học sinh, chia làm 3 lớp, mỗi lớp 45 học sinh. Bà may mắn thi đỗ. 4 năm học tại ngôi trường trên đồi cao lộng gió đã để lại trong lòng cô học trò nhỏ biết bao thương nhớ, để rồi khi ngồi trên chuyến xe trở về với Pleiku lần này lòng cứ mãi bồi hồi, “không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình”. Bà vẫn nhớ mãi hình ảnh thầy Lâm dù thầy đã mất từ lâu. Đó là thầy giáo dạy Toán và tiếng Anh rất tâm huyết, nhất mực hiền lành nhưng cũng thật nghiêm khắc. Là giáo viên kiêm chủ tiệm photo Nguyễn (đường Lê Lợi), thầy đã chụp cho học trò Trường TH Plei Me rất nhiều tấm ảnh đẹp trong học tập, vui chơi, giao lưu…, những tấm ảnh ấy nay lại nằm trong hành trang trở về của các cựu nữ sinh để cùng hàn huyên chuyện xưa. Một người nữa không thể không nhớ đến là ông cai của trường. “Ngày ấy, nam sinh trường khác nếu ngấp nghé ở hàng rào quanh trường là liền bị ông cai xách roi rượt chạy, có người rớt cặp sách phải năn nỉ mãi mới xin lại được. Ông giữ học sinh nữ cứ như giữ con gái nhà mình!”-nét cười thơ trẻ bất chợt khiến bà Minh Đan như trở lại thuở thiếu thời.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Vân-học sinh lớp 6 niên khóa 1969-1970, vừa từ Đồng Tháp về đến Pleiku-thì lại nhớ về những kỷ niệm chẳng mấy “êm đềm” mà nếu không kể ra thì chẳng ai tin nổi, rằng học trò Trường TH Plei Me nghịch hơn… con trai. Vốn là đầu têu của lớp, bà rất hay bày trò: hái mắt mèo bôi trên bàn ghế thầy cô, xì lốp xe thầy, “huy động” 45 thành viên trong lớp trốn học đi xem phim ở rạp Thanh Bình, cột áo dài leo hàng rào vào trường những lần đi học muộn… Những kỷ niệm đáng nhớ thời “nhất quỷ, nhì ma” ấy hóa ra lại là hành trang quý giá cho bà khi bước vào nghề gõ đầu trẻ sau này, để luôn biết bao dung với học trò.
2. Tháng 3-1975, sau ngày giải phóng Gia Lai rồi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trường TH Plei Me đóng cửa sau hơn 8 năm hoạt động. Những lứa học trò ngày ấy người ở lại, người theo gia đình tản mác khắp các vùng miền. Và giờ đây, sau nửa thế kỷ thành lập, ngôi trường xưa (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) lại có dịp chào đón những cô học trò cũ về thăm.
Trò chuyện cùng P.V, bà Võ Thị Thụ (138 Ngô Gia Khảm, TP. Pleiku), Trưởng ban Liên lạc Trường TH Plei Me cho hay: Dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường sẽ là cơ hội kết nối bạn bè bốn phương trời và những thầy-cô giáo cũ. Ban Liên lạc đã liên hệ và mời 25 thầy cô về tham dự sự kiện này cùng hơn 350 cựu nữ sinh Plei Me. “Chúng tôi dự kiến sẽ về thăm trường cũ, tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (500 ngàn đồng/suất). Bên cạnh đó, cuộc gặp mặt lần này cũng là dịp tri ân thầy cô nhân Ngày 20-11 sắp đến. Ban Liên lạc còn huy động đóng góp để hỗ trợ những bạn học cũ khó khăn. Sau mấy mươi năm, có người rất thành đạt, nhưng cũng có người cuối đời sống nương nhờ cửa Phật hoặc không có nổi tiền xe về dự lễ gặp mặt”-bà Thụ thông tin.
Giờ đây, những nữ sinh Plei Me ngày ấy đã ở tầm tuổi 60, đã trải bao hạnh phúc, vui buồn, cay đắng, nhưng khi ngồi bên nhau họ như lại được trở về với những ngày cùng học tập dưới một mái trường, cùng vô tư dạo chơi, bắt cá, bắt chuồn chuồn ở “thung lũng hồng” (thung lũng gần Trường THCS Phạm Hồng Thái hiện nay), hay những lần đi hái trộm ổi nhà hàng xóm gần trường bị thầy cô phát hiện, tay cầm… vạt áo dài lau nước mắt vì sợ phạt. “Các em đáng yêu, dễ thương vậy đó. Vì vậy, tôi nôn nóng lên Pleiku lần này lắm, để được gặp lại học trò cũ”-cô Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ. Còn với những nữ sinh Trường TH Plei Me xưa ấy, dù sống ở nhiều vùng đất khác nhưng “nhắc tới Pleiku là lòng lại xốn xang, không bao giờ quên được”.
Phương Duyên