Nhịp chày giã gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tiếng chày giã gạo không chỉ là nhịp điệu, âm thanh quen thuộc mà còn thể hiện sự no ấm, niềm vui mỗi khi được mùa. 

Mới đây, tôi có dịp tham dự cuộc thi giã gạo tại Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa. Mỗi đội chuẩn bị 1 cái cối gỗ, 2 cái chày dài, 2 cái thúng, 1 cái mẹt và 1 kg lúa. Trong rất nhiều mẫu lúa do các đội chuẩn bị, tôi ấn tượng với giống lúa rẫy trồng 6 tháng, hạt to, mẩy như lúa nếp, gạo có màu tím đẹp mắt, khi nấu thành cơm ăn có vị ngọt đặc trưng.

Dụng cụ dùng trong cuộc thi đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Cối giã gạo được làm từ thân cây mít hoặc lộc vừng. Ưu điểm của các loại cây này là khi còn tươi, gỗ rất dẻo, thuận lợi cho việc đục đẽo tạo dáng, khi khô thì rắn chắc nên cối không bị vỡ.

Để làm ra chiếc cối, người ta cắt một khúc gỗ cao tầm 40 cm rồi dùng rìu đẽo vào ruột gỗ. Mỗi lần đẽo phải bỏ một ít than củi đang cháy rồi tiếp tục đục cho đến khi có độ sâu vừa ý. Hoa văn được khắc xung quanh thân cối tùy vào cảm hứng của người chế tác.

Chày được làm bằng gỗ cây kơ nia hoặc gỗ hương dài chừng 1,8 m, to bằng bắp tay người trưởng thành. Mẹt được đan từ cây tre bánh tẻ. Điểm khác biệt là hình dáng chiếc mẹt được thiết kế nhọn một đầu để dễ dàng sảy và trút gạo vào cối. Các chị tham gia hội thi mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, tóc vấn gọn gàng, đầu đội khăn để tránh bụi.

Khi Ban tổ chức ra hiệu lệnh bắt đầu, các chị cầm chày khẩn trương giã gạo. Không khí cuộc thi hết sức náo nhiệt trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả. Người được chọn tham gia cuộc thi thường là người phụ nữ có kinh nghiệm bếp núc, thể hiện được sự khéo léo, đảm đang.

Khi giã gạo, các chị trụ vững hai chân, tay cầm chày đặt thẳng trước mặt, thực hiện động tác nhấc chày lên, thả xuống nhịp nhàng để chày không bị chạm vào nhau trong lòng cối. Chỉ vài phút sau, các chị đã giã xong một lượt, rồi đem sảy cho hết lớp vỏ trấu, cám, rồi tiếp tục đổ vào cối giã lần thứ 2, thứ 3 cho đến khi đạt thành phẩm.

Đội nào giã xong trước, gạo không bị nát, số lượng còn nhiều nhất là thắng cuộc. Giữa buổi chiều oi ả, mồ hôi lấm tấm đầy gương mặt rám nắng nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười tươi với thành quả của mình.

Trò chuyện với các chị tham gia cuộc thi, tôi được biết: Mặc dù trên địa bàn đã có dịch vụ xay xát nhưng thỉnh thoảng khi lỡ bữa, nhiều chị em lại đem lúa ra giã để kịp nấu cơm cho gia đình. Đó cũng là lúc các chị ôn lại kỹ thuật giã gạo, sàng sảy và chỉ dạy cho con cháu.

Dưới không gian ấm cúng của gian bếp nhà sàn, giã gạo không chỉ để có nồi cơm dẻo thơm mà còn thể hiện sự no ấm sung túc. Nhịp chày giã gạo thể hiện sự khỏe khoắn, cần mẫn của người phụ nữ biết chăm lo, vun vén gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null