Phượng nhớ!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi bật lên thành tiếng khi bắt gặp những cánh phượng liệng bay theo gió bên mái phố. Nhìn cánh hoa của tuổi học trò, lòng tôi không thôi nhớ về năm học cuối, mùa thi cuối của mình. Lại nhớ về những lựa chọn, cũng là cơ hội cuối của mình và bạn bè (theo cách nghĩ của chúng tôi thời đó và cũng là xu hướng mang dấu ấn lịch sử-xã hội), để rồi, mỗi đứa đến một chân trời mới quyết định tương lai cuộc đời mình.
Vẫn ngôi trường quen thuộc mà sao nắng hạ như chói chang hơn; không gian thêm oi bức, ngột ngạt cùng tiếng ve sôi đi vào khung cửa lớp lẫn trong lời thầy cô, tâm tình bạn bè thầm thì nhỏ to, len lén mắt nhìn, chuyền tay nhau cuốn sổ ghi dòng lưu bút, tấm hình riêng chung làm kỷ niệm. Phải chăng áp lực những kỳ thi đến gần nên thời gian như nén lại? Ý thức bước tương lai là cổng trường chuyên nghiệp hay lên đường làm nghĩa vụ quân sự, sau 3 tháng quân trường là chiến trường K (Campuchia); làm nghĩa vụ lao động miền đất xa xôi khô cằn nào đó giục gọi, gợi cảm giác không bình yên cho không gian thêm bức bối?
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Những cung bậc cảm xúc: bâng khuâng, buồn vui, lo toan, thổn thức, rối bời… của lũ chúng tôi có những cây phượng làm chứng.
Cánh phượng rơi ép vào trang lưu bút mấy cô bạn gái để rồi thổn thức cùng “màu hoa như lửa cháy khát khao” dần úa nẫu, héo khô! Có bạn trai trèo lên sân thượng dãy lớp học, với tay bẻ mấy nhánh hoa phượng đặt lên bàn cô giáo. Sau thoáng ngạc nhiên là phút lặng yên nhận ra mùa hạ cuối, ngày chia tay thật gần! Chúng tôi từng đứa, cặp đôi, cặp ba hay từng tốp nhờ thợ ảnh ghi hình dưới gốc phượng. Phượng ứa nhựa bởi ai đó khắc tên mình, khắc tên 2 đứa lên cây.  Phượng vẫn rực rỡ một màu hoa lửa trùm lên đầu chúng tôi. Chẳng đợi đến làn gió dù rất khẽ, vài cánh phượng ngập ngừng đậu lên mái tóc mượt, lên bờ vai thon, theo bước chân nam thanh nữ tú. Có bạn trai đùa nghịch, ví được làm cánh phượng chạm vào môi ai kia cho mắt long lanh thay lời muốn nói.
Tan trường. Tiết chào cờ lần cuối chúng tôi hát Quốc ca bằng cả trái tim rạo rực, cảm xúc dạt dào. Ngước nhìn cờ Tổ quốc đỏ rực tiến dần lên đỉnh cột theo nhịp khúc quân hành thiêng liêng đến lạ mà nào biết bởi vì đâu. Vẫn thầy hiệu trưởng, nội dung dành cho học sinh khối lớp 12 chỉ còn lời dặn dò, khuyên bảo ấm áp chân tình, chốc chốc ngắt quãng, lắng chùng mà nghe tim nhoi nhói. Sớm hạ miền Trung vàng rực nắng có tán phượng che khoảnh sân trường, có cánh phượng rơi rơi, có tiếng ve ngân từng hồi đi vào kỷ niệm!
Tan lớp. Quãng thời gian ngồi ngay ngắn trong lớp học theo vị trí cùng thầy giáo chủ nhiệm luống tuổi. Ổn định lớp là khoảng lặng hướng mắt nhìn lên bảng đen, hướng về người thầy khả kính! Chất giọng Quảng Trị nhẹ và lắng, nội dung tâm tình, chia sẻ và khuyên bảo làm mắt chúng tôi ngân ngấn, thêm nhiều tiếng sụt sùi… Bạn lớp trưởng thay mặt lớp nói lời cảm ơn, lời hứa ghi khắc và làm theo, mộc mạc thôi mà chan chứa nỗi lòng! Quà tặng thầy bằng hiện vật chỉ là cuốn sổ bìa cứng. Cùng nhau trân kính mời thầy ra trước cổng trường ghi lại tấm hình làm kỷ niệm. Ảnh đen trắng ngày đó, hẳn nhiên hoa phượng chẳng thể đỏ tươi, lá phượng chẳng thể mượt xanh, nắng sân trường chẳng thể vàng hươm nhưng chúng tôi tin, đi qua cuộc đời mình hình ảnh đó vẫn vẹn nguyên sắc diện.
Chào mùa hạ cuối, chúng tôi đi. Phượng cháy hết mình, rực đỏ thay lời tiễn biệt, thay câu chúc toại thành.
...35 năm ngày ra trường là 35 mùa phượng cháy thao thiết ve ngân, nóng sôi mùa hạ cuối. Hẹn nhau ngày hội trường, hội lớp cùng rạo rực đếm ngược thời gian mới biết tình cảm tuổi học trò luôn tươi mới. Thầy cô, bạn bè dẫu biết chẳng còn đầy đủ nữa, nhưng vẫn luôn mong một ngày trở về bên nhau nối lại cuộc chia ly, tìm lại nét hồn nhiên cái thuở “sống là cho…” dưới mái trường xưa đong đầy kỷ niệm!
NGUYỄN ĐÌNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.