Phú Thiện tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn 2020-2025. Vì thế, huyện đã tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí thiếu hụt, đồng thời đề ra lộ trình cụ thể để từng địa phương về đích đúng tiến độ đề ra.

Khó khăn với bộ tiêu chí mới

Xã Ia Peng đang nỗ lực củng cố, hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM trong năm 2022. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quyết Thắng cho biết: Theo rà soát từ đầu năm, xã đã đạt 17/19 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt là y tế và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí mới, xã chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND xã đã đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí hoàn thiện các tiêu chí thiếu hụt. Riêng đối với tiêu chí bảo hiểm y tế (BHYT), Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đã huy động các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp xuống thôn, làng tuyên truyền, vận động để bà con thấy được vai trò của chính sách BHYT, từ đó tự nguyện tham gia. Kết quả, 6 tháng đầu năm, toàn xã đã vận động được 230 người tham gia BHYT, đạt 18% so với kế hoạch đề ra.

Xã Ia Peng huy động nguồn lực đầu tư cơ sợ hạ tầng, phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2022. Ảnh: Nguyên Hương
Xã Ia Peng huy động nguồn lực đầu tư cơ sợ hạ tầng, phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2022. Ảnh: Nguyên Hương



Theo quy định về tiêu chí môi trường, xã về đích NTM phải có ít nhất 10% dân số sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sạch của huyện. Thế nhưng, mới chỉ có xã Ayun Hạ, Ia Ake và thị trấn Phú Thiện đáp ứng được tiêu chí này. Vì vậy, UBND xã Ia Peng kiến nghị huyện đầu tư kinh phí lắp đặt 6 km đường ống chính dọc quốc lộ 25 cùng 6 km đường ống thứ cấp vào các thôn, làng. Công trình đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, vượt quá khả năng ngân sách huyện nên đây được coi là tiêu chí khó đạt trong năm nay.

Tương tự, Mi Hoan (xã Ia Hiao) là 1 trong 7 thôn, làng của huyện phấn đấu về đích NTM trong năm 2022. Ngoài tiêu chí y tế chưa đạt, theo bộ tiêu chí mới, buôn Mi Hoan còn bị rớt thêm 3 tiêu chí gồm: nhà ở và khuôn viên hộ gia đình, thu nhập, môi trường. Theo đó, buôn còn 64 hộ có nhà ở bố trí chưa ngăn nắp, khoa học, trong vườn chưa trồng được các loại cây có thể mang lại thu nhập; 35 hộ chưa có cổng ngõ, hàng rào; 23 hộ chưa di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 41 triệu đồng/người/năm; còn 645 người chưa tham gia BHYT.

Ông Nay Hương-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mi Hoan-chia sẻ: Xác định vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, hệ thống chính trị của buôn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chung tay cùng chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí. Đến nay, buôn đã vận động thêm 89 người tham gia BHYT, đạt 12% kế hoạch; phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ 40 ngày công di dời 1 chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, chỉnh trang 2 vườn tạp, làm 30 vườn rau, trồng 30 cây hoa chuông vàng trong khuôn viên nhà văn hóa thôn. “Năm 2021, buôn Mi Hoan đã lỡ hẹn về đích NTM thì năm nay phải quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra"-ông Hương cho hay.

Xây dựng lộ trình cụ thể

Tính đến cuối năm 2021, huyện Phú Thiện có 5 xã gồm: Ayun Hạ, Ia Ake, Ia Sol, Ia Piar, Chrôh Pơnan và 14 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Để địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2025 theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể cho từng năm. Theo đó, năm 2022, huyện phấn đấu có thêm xã Ia Peng và 7 thôn, làng gồm: Lok (xã Ia Ake), Tel B (xã Ia Sol), Sô Ma Rơng (xã Ia Peng), Chrôh Pơnan (xã Chrôh Pơnan), Kual (xã Ia Yeng), Ia Kơ Al (xã Ia Piar), Mi Hoan (xã Ia Hiao) về đích NTM. Riêng 5 xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục hoàn thiện từ 1 đến 3 tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao.

Toàn huyện còn 2.264 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,63% và 1.110 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện-cho hay: Nhằm phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân, huyện triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; tăng cường hỗ trợ đăng ký chứng nhận VietGAP, OCOP cho các nông sản địa phương. Khi thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đơn vị ưu tiên tập trung chọn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dự kiến về đích NTM năm 2022 để họ được tiếp cận nguồn vốn, quy trình kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo.

 Ông Đỗ Văn Năm-Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện là một trong số những người tiên phong trồng giống lúa ST25, mở ra hướng phát triển mới cho nông sản Phú Thiện. Ảnh: Nguyên Hương
Ông Đỗ Văn Năm-Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện là một trong số những người tiên phong trồng giống lúa ST25, mở ra hướng phát triển mới cho nông sản địa phương. Ảnh: Nguyên Hương


Tuy nhiên, đến nay, cấp trên chỉ mới phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, còn nguồn vốn đầu tư phát triển dành cho các xã đặc biệt khó khăn như Ia Yeng, Chư A Thai và các làng đặc biệt khó khăn không được phân bổ nên việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kinh phí còn khó khăn, đặc biệt kinh phí vệ sinh môi trường, hỗ trợ di dời chuồng trại, làm nhà vệ sinh dẫn đến khó hoàn thành tiêu chí. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để người dân thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện, qua rà soát, hầu hết các xã và thôn, làng chưa đạt chuẩn chủ yếu do vướng các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia BHYT và môi trường. Vì vậy, cùng với việc xây dựng lộ trình cụ thể, huyện phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đối với từng tiêu chí. Với nguồn kinh phí huy động được trong năm 2022, huyện ưu tiên phân bổ cho các xã, các làng phấn đấu về đích để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người dân, đảm bảo mục tiêu đề ra.

 

NGUYÊN HƯƠNG
 

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.