Phụ nữ Kông Chro chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng niềm đam mê và ý thức trách nhiệm, nhiều hội viên phụ nữ huyện Kông Chro đã tích cực tham gia trình diễn cồng chiêng và truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tranh thủ lúc nông nhàn, bà Đinh Thị Drinh (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) miệt mài dệt vải và sang hàng xóm hướng dẫn chị em phụ nữ dệt những họa tiết khó; tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống cho các hội viên do ngành chức năng tổ chức. Cứ như vậy, gần 40 năm qua, bà Drinh đã truyền cảm hứng, dạy nghề dệt thổ cẩm cho hàng ngàn lượt hội viên phụ nữ trong vùng.
Năm 2005, thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, bà Drinh đã tiên phong vận động chị em thành lập tổ dệt thổ cẩm với gần 100 thành viên. Gần 20 năm qua, tiếng dệt vải vẫn đều nhịp dưới mỗi nếp nhà. Các mẹ, các chị cần mẫn dệt váy, áo, khố phục vụ nhu cầu gia đình và bán kiếm thêm thu nhập. Bình quân mỗi bộ váy kèm theo dây đai buộc có giá hơn 3 triệu đồng. Bà Drinh cho biết: “Hàng năm, tổ dệt bán được hơn 10 bộ váy cùng một số phụ kiện, túi xách. Tuy số lượng còn ít nhưng với niềm đam mê và trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống nên cứ rảnh là chị em lại ngồi vào khung dệt. Đặc biệt, các họa tiết, hoa văn cầu kỳ được chị em dày công dệt khiến cho váy, áo thêm sắc sảo, đẹp mắt; từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhờ vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống không bị mai một”.
Bà Đinh Thị Drinh (bìa phải, tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) hướng dẫn thành viên tổ dệt thổ cẩm thêu dệt họa tiết, hoa văn khó. Ảnh: An Phát
Bà Đinh Thị Drinh (bìa phải, tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) hướng dẫn thành viên tổ dệt thổ cẩm thêu dệt họa tiết, hoa văn khó. Ảnh: An Phát
Ngắm tấm giấy khen đạt giải nhất tại Hội thi dệt thổ cẩm truyền thống huyện Kông Chro năm 2021, chị Đinh Thị Kách (cùng tổ dân phố Plei Nghe) tự hào nói: “Bao đời nay, dệt thổ cẩm truyền thống đã gắn bó mật thiết với người Bahnar ở Kông Chro. Vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm lưu giữ và truyền lại cho con cháu mình. Các nghệ nhân hướng dẫn kỹ thuật dệt như thế nào thì tôi áp dụng và dạy lại cho con gái mình như thế”.
Với mong muốn chung tay bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, năm 2016, bà Đinh Thị Drai (làng Đak Hway, xã Đak Tơ Pang) đã vận động một số chị em trong làng thành lập đội cồng chiêng gồm hơn 10 thành viên. Đây là đội cồng chiêng nữ đầu tiên trên địa bàn huyện Kông Chro. Gần 6 năm hoạt động, đến nay, đội có 45 thành viên, gồm 15 người trình diễn cồng chiêng, còn lại múa xoang. Theo phong tục, đàn ông đánh cồng chiêng, chị em múa xoang. Vì thế, để chị em nghe và làm theo, bà Drai đã phải tự mày mò học hỏi, nhờ các già làng chỉ bảo. Sau khi thuần thục, bà hướng dẫn lại cho từng chị em.
“Sau khi đội chiêng nữ ra đời, chị em thường xuyên tập luyện, tham gia trình diễn tại các lễ hội, ngày kỷ niệm truyền thống của Hội Phụ nữ. Đôi lúc, đội còn hỗ trợ đội cồng chiêng nam tại các đám ma, cưới hỏi. Riêng tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã mời hướng dẫn kỹ thuật trình diễn cồng chiêng cho chị em ở các làng trên địa bàn. Tôi rất vui vì đã góp công sức nhỏ bé vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy cồng chiêng của ông cha, để tiếng chiêng ngân dài, vang xa”-bà Drai vui vẻ nói.
Song song với vận động hội viên phụ nữ duy trì nghề dệt thổ cẩm, Hội LHPN xã Ya Ma còn tích cực tuyên truyền, khuyến khích chị em tham gia đội cồng chiêng. Bà Đinh Thị Thanh-Chủ tịch Hội LHPN xã-chia sẻ: “Năm 2020, Hội đã thành lập đội cồng chiêng nữ đầu tiên tại làng Tờ Nùng Măng với 60 thành viên. Đến nay, hầu hết các làng đã có đội cồng chiêng nữ, tham gia tất cả các hoạt động ma chay, cưới hỏi, lễ hội; giao lưu văn nghệ giữa các làng, xã. Từ đó, thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia, phong trào văn hóa, văn nghệ của xã cũng thêm phong phú, sôi nổi; phong trào hoạt động Hội ngày càng phát triển”.
Hội viên phụ nữ làng Tờ Nùng Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) tập diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: An Phát
Hội viên phụ nữ làng Tờ Nùng Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) tập diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: An Phát
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN ở 14 xã, thị trấn trong huyện đã thành lập 23 đội cồng chiêng nữ với 1.121 thành viên. Toàn huyện có hơn 6.000 phụ nữ biết dệt thổ cẩm, trong đó, độ tuổi 12-20 chiếm hơn 40%; Hội LHPN huyện cũng đã thành lập 83 tổ dệt với 1.609 thành viên tham gia.
Bà Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro-cho hay: “Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục nhân rộng mô hình tổ dệt thổ cẩm, đội cồng chiêng ở các làng; chỉ đạo các Hội cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em truyền dạy nghề dệt thổ cẩm và tham gia đội cồng chiêng để không bị mai một. Hội tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, nghệ nhân tổ chức lớp tập huấn truyền dạy trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các cuộc thi như dệt thổ cẩm, cồng chiêng nữ. Đồng thời, khuyến khích chị em tham gia các cuộc thi do các cấp, ngành tổ chức, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. 
AN PHÁT

 

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.