Manila trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh sau khi một tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Philippines ở Biển Đông, bỏ mặc 22 ngư dân lênh đênh trên biển.
Bộ tư lệnh miền Tây của quân đội Philippines hôm 13/6 nói vụ va chạm là "tai nạn", nhưng việc tàu Trung Quốc bỏ mặc các ngư dân Philippines - những người sau đó được tàu Việt Nam cứu nạn - đã gây ra phản ứng giận dữ của Manila, theo South China Morning Post.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo việc phản đối Trung Quốc trên Twitter sáng 13/6, giữa lúc ngày càng nhiều chính trị gia bày tỏ sự bất bình về hành động của tàu Trung Quốc, xảy ra tại khu vực bãi Cỏ Rong vào tối 9/6. Bãi Cỏ Rong là một thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm gần tỉnh Palawan của Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo về việc phản đối Trung Quốc trên Twitter sáng 13/6. Ảnh: PhilStar. |
Kêu gọi điều tra và trừng phạt
Trong khi đó, người phát ngôn tổng thống Philippines, Salvador Panelo, cho biết chính phủ nước này "kêu gọi cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc tiến hành điều tra vụ va chạm và trừng phạt các thuyền viên Trung Quốc", theo ABS-CBN.
"Thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu Trung Quốc lẽ ra không bỏ mặc những người bị thương mà không có bất cứ sự hỗ trợ hay cứu giúp nào. Hành động bỏ đi như vậy là vô nhân đạo vì nó thật man rợ", ông Panelo nói trong một thông cáo.
Hôm 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã mạnh mẽ lên án "hành động đê hèn của một tàu tình nghi từ Trung Quốc và thủy thủ đoàn" trong vụ va chạm khiến tàu đánh cá F/B Gimver 1 của Philippines chìm trên biển. Ông cũng gửi lời cảm ơn đến các thuyền viên Việt Nam vì đã cứu giúp các ngư dân Philippines.
Ông Lorenzana yêu cầu tiến hành điều tra và cho hay các ngư dân gặp nạn đã xác định tàu đâm vào họ là tàu Trung Quốc. Giới hữu trách Trung Quốc chưa bình luận về sự việc.
Ông cũng cho biết tàu F/B Gimver 1 đang neo đậu khi "bị đâm bởi tàu cá Trung Quốc", ngụ ý vụ va chạm là hành động có chủ đích.
Trung tá Stephen Penetrante, một người phát ngôn của quân đội tại khu vực, nói vụ việc có vẻ "như gây tai nạn rồi bỏ trốn" vì tàu Trung Quốc lập tức di chuyển khỏi hiện trường sau khi đâm vào tàu Philippines.
Việc này đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, trong đó yêu cầu các tàu phải cứu giúp người đang gặp nạn trên biển.
"Chỉ có thể là cố ý"
Ramon Beleno, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Ateneo De Dqavoau, cho biết quyết định bỏ mặc ngư dân Philippines gặp nạn là "không phù hợp".
"Việc này là phi đạo đức. Nếu một tai nạn xảy ra, cho dù đó có phải là bạn của chúng ta hay không, ngay cả khi vô ý, điều đúng đắn cần làm là giúp đỡ những nạn nhân đó", ông nói.
"Điều đúng đắn mà Bắc Kinh cần làm là hỗ trợ việc điều tra và bắt giữ những người liên quan. Đó là những gì chúng tôi mong đợi từ họ".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: AP |
Ramon Casiple, giám đốc điều hành của Viện Cải cách Chính trị và Kinh tế, cũng có chung quan ngại.
"Họ không nên bỏ mặc các thuyền viên Philippines", ông nói. "Cứu giúp người gặp nạn là hành vi phổ quát. Họ đâm vào (chiếc tàu) và sau đó bỏ đi. Nếu điều đó là đúng thì đó là hành động cố ý".
Jay Batongbacal, một chuyên gia hàng hải của Đại học Luật Philippines, đã viết trên Facebook rằng "không có nghi ngờ gì về việc chuyện này là cố ý và có chủ đích".
"Không có chuyện 'có thể' ở đây", ông viết. "Tàu Philippines neo đậu trong khu vực bãi Cỏ Rong, đây là một thực thể chìm hoàn toàn (dưới mặt biển). Điều này có nghĩa là con tàu đứng yên trong vùng nước mở, và tàu kia có thể dễ dàng tránh va chạm vì không có gì che khuất tầm nhìn".
"Một người đang chạy không vô tình đụng phải ai đó đang đứng giữa sân bóng không người. Tương tự, một tàu di chuyển không vô tình va chạm với một tàu neo trong vùng biển trống trơn. Đây chỉ có thể cố tình", ông nói thêm.
"Việc bỏ đi sau vụ va chạm mà không ở lại giúp đỡ tàu và thuyền viên gặp nạn càng chứng tỏ ý định cố tình gây hại".
Đông Phong (zing)