Phát triển du lịch làm đòn bẩy để khôi phục các giá trị văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể cả những người già nhất ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cũng không nhớ rõ bà con Jrai vùng này đã bỏ nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền từ khi nào. Các lễ hội chỉ còn trong miền nhớ xa xôi. Thế nhưng, từ khi vùng đất này trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh, cùng với hoạt động du lịch, các giá trị văn hóa đang dần hồi sinh.

Câu chuyện hồi sinh

Già làng Amluih ngồi sưởi nắng, trò chuyện với các thành viên trong gia đình dưới hiên nhà ở làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya. Cuối đông, cái rét ngọt càng làm cho những hàng đỗ mai thắm sắc dưới chân ngọn “núi du lịch” theo cách gọi trong câu chuyện của người làng.

Mạch chuyện bỗng trở nên sôi nổi hơn khi mọi người cùng bàn luận về đề tài mới mẻ này. Các thành viên trong gia đình già Amluih, không nhiều thì ít, đã từng tham gia vào các hoạt động góp phần cho thành công lễ hội hoa dã quỳ được huyện Chư Păh tổ chức trong những năm gần đây.

Già làng Amluih làm cây nêu truyền thống phục vụ cho lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Hoàng Ngọc
Già làng Amluih làm cây nêu truyền thống phục vụ cho lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Hoàng Ngọc


Già làng Amluih được Ban tổ chức nhờ làm cây nêu truyền thống, tạo hoa văn trên mái nhà rông để đón du khách tham gia lễ hội, tham gia truyền dạy cồng chiêng cho đội chiêng mới thành lập. Những giá trị ngỡ đã quên lãng nay được khôi phục nhờ có hoạt động du lịch.

Già làng kể: “Làng bỏ quên các lễ hội từ lâu lắm rồi, vì thế không nhà nào còn giữ cồng chiêng. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi vùng đất này phát triển du lịch, làng đã góp tiền mua 1 bộ chiêng, cùng với 2 bộ được Nhà nước cấp, giờ tổng cộng có 3 bộ. Làng cũng vừa ra mắt 2 đội cồng chiêng người lớn và trẻ em”.

Già làng Amluih là người còn nắm giữ kho tri thức giá trị văn hóa của người Jrai. Ông biết tạc tượng, chỉnh chiêng, đan lát, làm nhà rông. Cả làng Ia Gri cũng chỉ duy nhất mình ông biết tạo tác hoa văn truyền thống trên cây nêu, mái nhà rông, nhà sàn.

Nếu không có các lễ hội du lịch trong những năm vừa qua thì những giá trị văn hóa ông nắm giữ cũng sẽ tàn lụi dần vì không có không gian để thực hành. Cũng từ những lễ hội được tổ chức vừa qua, già làng nhận ra rằng, những giá trị văn hóa tinh thần vốn có chính là kho báu cần được truyền giữ.

“Mình thấy khách du lịch đến đây không chỉ ngắm cảnh núi lửa mà còn rất thích thú với các giá trị văn hóa. Mình sẽ truyền lại cho lớp trẻ những gì mình biết để có thể phục vụ khách du lịch góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”-ông nói.

Chị Nga (con dâu cả của già làng Amluih) cũng góp thêm câu chuyện thú vị: “Người Jrai không chỉ có gà nướng, cơm lam mà còn có nhiều món ăn truyền thống có thể phục vụ khách du lịch như: các loại cháo rau, măng rừng ngâm bùn dưới suối, thịt ủ cho lên mùi trong ống lồ ô để gác bếp”.

Thực tế giúp chị nhận ra rằng, nếu gia đình nào cũng chỉ phục vụ 1 món truyền thống sẽ khiến khách nhàm chán. Vì vậy, các thành viên trong gia đình bắt đầu nhắc nhớ đến những món ăn truyền thống khác đã làm nên giá trị đặc sắc cho ẩm thực của người Jrai.

“Nếu khách du lịch chịu thử những món lạ, mình sẽ làm một số món người Jrai hay ăn. Nhưng thay vì nấu nướng với nồi niêu, xoong chảo thì mình sẽ chế biến bằng vật liệu tự nhiên như dùng ống lồ ô, tre, nứa, các loại lá để làm chín đồ ăn. Các món ăn hấp lên với lá chuối, lá dầu, nướng trong ống nứa luôn có vị thơm, ngon hơn hẳn so với nấu thông thường”-chị Nga cho hay.

 Anh Hmưn (làng Kó, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) dựng 2 ngôi nhà sàn trên mảnh đất của gia đình để phục vụ du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc
Anh Hmưn (làng Kó, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) dựng 2 ngôi nhà sàn trên mảnh đất của gia đình để phục vụ du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc


Người dân ở các ngôi làng quần tụ dưới chân núi lửa cũng bắt đầu ý thức khôi phục các giá trị di sản để hướng đến một ngành nghề mới phát triển kinh tế. Cuối năm 2019, anh Hmưn (làng Kó) đã có một quyết định táo bạo là đầu tư hơn 100 triệu đồng để dựng 2 ngôi nhà sàn ngay trên mảnh đất của gia đình để phục vụ du khách tham quan lễ hội hoa dã quỳ.

Nhà sàn đón khách được làm theo kiến trúc truyền thống, có hướng nhìn ra trung tâm 2 miệng núi lửa liền kề mà người địa phương gọi là “núi đôi”. Khung cảnh không thể đẹp hơn để ngắm nhìn trọn vẹn núi lửa trước mặt, đời sống thường nhật của cư dân bản địa sau lưng.

Với mô hình này, bóng dáng những nhà sàn truyền thống vốn vắng dần trong các ngôi làng Jrai quần tụ dưới chân núi hàng trăm năm nay, bắt đầu xuất hiện trở lại. Ngôi nhà với chất liệu hoàn toàn tự nhiên với phần mái tranh dày, vách nhà, sàn nhà hoàn toàn làm bằng gỗ và tre, nứa. Hiện hữu giữa thiên nhiên kỳ vĩ, bóng dáng ngôi nhà sàn mang đến sự đồng điệu và bình yên.

Anh Hmưn cho biết: “Tiếp xúc với khách du lịch, mình nhận ra, dù khách Tây hay ta đều thích về với thiên nhiên, truyền thống. Bây giờ, các ngôi làng ít làm nhà sàn từ vật liệu thiên nhiên vì không bền chắc và tốn kém so với làm bằng bê tông cốt thép, mái tôn nhưng mình vẫn cố gắng khôi phục lại kiến trúc nhà ở truyền thống để thu hút du khách”.

Di sản tạo sinh kế cho người dân

Anh Thái Hùng Tiên-cán bộ làm công tác văn hóa-xã hội lâu năm của xã Chư Đang Ya-cho biết: “Nhiều năm nay, người Jrai ở Chư Đang Ya chỉ còn giữ lại duy nhất lễ cúng bến nước, được tổ chức vào ngày 24 và 25-4 hàng năm. Nhưng lễ cúng này cũng chỉ tổ chức sơ sài, chỉ còn hình thức chứ không nguyên bản. Từ khi núi lửa Chư Đang Ya trở thành điểm du lịch, một số người dân bước đầu tiếp xúc với dịch vụ mới đã ý thức đến việc khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, ngành nghề thủ công, giá trị ẩm thực, kiến trúc nhà ở… Năm 2020, làng Ia Gri đã thành lập và ra mắt đội cồng chiêng, múa xoang sau nhiều năm gần như vắng bóng”.

Đội cồng chiêng, xoang của làng Ia Gri mới được thành lập sau khi làng có các hoạt động du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đội cồng chiêng, xoang của làng Ia Gri mới được thành lập sau khi làng có các hoạt động du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc


Anh Tiên cho biết thêm, ngành Văn hóa cũng xây dựng kế hoạch khuyến khích người dân khôi phục các lễ hội, một số nghề thủ công truyền thống, phục hồi lại lễ cúng bến nước nguyên bản… Sự mai một các giá trị văn hóa đã diễn ra một cách âm thầm suốt hàng chục năm nay ở vùng đất này mặc cho chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động. Thế nhưng, khi du lịch dựa vào di sản tạo được sinh kế cho người dân, những giá trị truyền thống sẽ được những chủ nhân khôi phục và nâng cao ý thức gìn giữ, trao truyền.

Du lịch Chư Đang Ya dự báo có bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai dựa vào 2 di sản thiên nhiên và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo, hướng dẫn người làm du lịch vẫn là câu chuyện cần bàn.

“Người dân bước đầu cũng đã tiếp cận với hoạt động dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, địa phương vẫn rất cần ngành Văn hóa-Du lịch hỗ trợ hướng dẫn thêm để người dân làm du lịch, vì qua nhiều mùa lễ hội nhưng họ vẫn chưa hết bỡ ngỡ, chưa có kỹ năng phục vụ du khách bài bản và thu lợi nhuận từ hoạt động này vẫn còn hạn chế”-anh Tiên đề xuất.
 

HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.