(GLO)- Nông nghiệp sạch đang là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Do đó, việc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai (thị trấn Chư Sê) sản xuất thành công phân bón hữu cơ ĐTP và bộ sản phẩm phòng trừ sâu bệnh sinh học đã góp phần tiếp sức cho nông nghiệp sạch Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Gắn bó hơn 20 năm với nghề nông, ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai nhận thấy muốn cây trồng cho năng xuất, chất lượng cao thì các yếu tố nước tưới, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, việc người dân lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hay tình trạng vật tư nông nghiệp giả tràn lan đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tình trạng đất bị thoái hóa, cằn cỗi, dịch bệnh trên cây trồng xuất hiện ngày càng nhiều khiến không ít diện tích cây trồng bị hư hại, thậm chí chết, đặc biệt là cây hồ tiêu. “Sau khi chuyển sang trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu, tôi nhận thấy, nhiều chất thải nông nghiệp trong dân và các doanh nghiệp chế biến nông sản không xử lý hết, gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, tôi đã nảy ra ý tưởng tận dụng các loại chất thải này để làm phân bón hữu cơ”-ông Tình cho biết.
|
Ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai giới thiệu về bộ sản phẩm thuốc phòng trừ sâu sinh học. Ảnh: Quang Tấn |
Nghĩ là làm, ông Tình cùng với đội ngũ nhân viên bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công men vi sinh bản địa. Sau đó, ông tiến hành thu mua các loại trái cây thải, ốc bươu vàng, xác động vật về để tiến hành ủ tạo ra phân hữu cơ chất lượng cao. Ông chia sẻ: “Men vi sinh là chìa khóa để sản xuất phân hữu cơ, đã làm ra được men vi sinh thì có thể sản xuất được 100 sản phẩm khác nhau phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch. Các phế phẩm nông nghiệp sau khi được mua về sẽ được phân loại, đánh giá hàm lượng NPK, phối trộn với men vi sinh và ngâm ủ. Hàng ngày, tiến hành đảo đều, thực hiện liên tục trong thời gian 1 tháng, sau đó chiết rót, đóng thành can 5 lít để sử dụng”. Ngoài ra, bã thải sau khi ngâm ủ phân được ông Tình sử dụng làm thức ăn nuôi sâu canxi, vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng chất thải của sâu làm phân bón vi sinh cao cấp cho cây trồng.
Anh Cao Quyết Thắng (làng Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê) cho biết: “Từ khi sử dụng phân bón ĐTP thì vườn cây phát triển ổn định, ít sâu bệnh, cho ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các phế phẩm nông nghiệp cũng được anh Tình thu mua với giá từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg, vừa có thêm thu nhập, vừa giảm ô nhiễm môi trường từ các chất thải này”. Bên cạnh đó, Công ty cũng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương. Anh Đinh Thanh (làng Ring Răng, xã Dun) phấn khởi nói: “Gia đình tôi không có nhiều đất sản xuất nên phải đi làm thuê nhiều nơi. Từ ngày vào làm việc cho Công ty, cuộc sống gia đình ổn định hơn rất nhiều, mỗi tháng tôi nhận được hơn 5 triệu đồng tiền lương”.
|
Anh Đinh Thanh (làng Ring Răng, xã Dun, huyện Chư Sê) chiết rót phân hữu cơ sau 1 tháng ngâm ủ. Ảnh: Quang Tấn |
Hiện nay, phân bón hữu cơ ĐTP đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Phân được ủ với men vi sinh nên khi bón cho cây, các loại vi khuẩn có lợi sẽ sản sinh và phát triển mạnh, làm cho đất tơi xốp, chống thoái hóa, bạc màu, kháng bệnh cao, cây sinh trưởng phát triển tốt. “Thời gian tới, Công ty đầu tư thêm công nghệ, mở rộng quy mô nhà máy để nâng công suất lên 2.000 lít/ngày nhằm tận dụng tối đa các chất thải nông nghiệp và trong các cơ sở chế biến nông sản. Đồng thời, Công ty sẽ có chính sách hỗ trợ, đầu tư phân bón gối vụ cho nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh nói chung có thêm điều kiện để phát triển sản xuất”-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát Gia Lai thông tin.
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê:“Chủ trương của huyện là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Do đó, việc Công ty của ông Đào Tiến Tình sản xuất thành công phân bón hữu cơ và các sản phẩm thuốc phòng trừ sâu sinh học được xem là động lực để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ địa phương phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh liên kết, mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân”. |
QUANG TẤN